Khốc liệt giành thị phần ứng dụng gọi xe

Vài năm trở lại đây, thị trường gọi xe Việt Nam có nhiều biến động về thị phần. Các doanh nghiệp dẫn đầu là Grab, Be, Xanh SM đang có sự cạnh tranh khốc liệt để giành 'ngôi vương'.

Định hình lại thị trường

Cách đây một thập kỷ, khái niệm "xe công nghệ" vẫn còn xa lạ ở Việt Nam, người dân muốn đi xe dịch vụ chủ yếu vẫn là xe ôm và taxi. Đầu năm 2014, một ứng dụng gọi xe có tên là Grab vào Việt Nam. Hơn 4 tháng sau, Uber chính thức gia nhập, thị trường gọi xe công nghệ bắt đầu bùng nổ.

Xanh SM đã “phủ sóng” 29 tỉnh, thành, với đội xe hơn 20.000 ô tô điện và được hành khách đánh giá cao nhất về chất lượng dịch vụ. Ảnh: Tạ Hải.

Xanh SM đã “phủ sóng” 29 tỉnh, thành, với đội xe hơn 20.000 ô tô điện và được hành khách đánh giá cao nhất về chất lượng dịch vụ. Ảnh: Tạ Hải.

Mới đầu là dịch vụ gọi xe 4 bánh ngoài taxi truyền thống, sau đó tới gọi xe 2 bánh, vận chuyển hàng hóa, giao nhận đồ ăn. Hai năm sau Grab đã thống lĩnh thị trường, thay đổi hoàn toàn thói quen gọi xe của người Việt.

Mở rộng dịch vụ taxi điện sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình giảm phát thải mà Chính phủ đã đặt ra tại Quyết định 876. Điều các doanh nghiệp vận tải mong đợi là cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ khi kinh doanh dịch vụ taxi điện để doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư và mở rộng thị trường.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN

Thay vì kết nối với khách hàng thông qua vẫy xe trực tiếp, gọi điện thoại đặt xe qua tổng đài, các ứng dụng gọi xe ngoại cho phép người dùng đặt xe qua mạng, thanh toán qua ví điện tử. Đó là những ưu thế mà taxi truyền thống không có được và sự xuất hiện của Grab, Uber, Gojek, Be đã định hình lại thị trường vận tải khách công cộng truyền thống.

Để giữ thị phần, các hãng taxi đã thành lập những liên minh taxi để cạnh tranh với xe công nghệ: Không tăng giá giờ cao điểm, xây dựng ứng dụng gọi xe riêng. Đội ngũ tài xế cũng được đào tạo, chấn chỉnh về cung cách phục vụ.

Lúc này nhiều ứng dụng gọi xe Việt như Vato, FastGo, Aber… ra đời. Tuy vậy, chưa trụ được bao lâu tất cả đã rời đi trong im lặng.

Đến năm 2018, Uber rút khỏi Việt Nam. Trong khoảng 5 năm (2018-2023), thị trường không có nhiều biến động về mặt thị phần. Năm 2020, Grab có thị phần chiếm hơn 74%, Be nắm giữ vị thế số 2 với 12,4%, còn Gojek là 12,3%.

Cục diện thay đổi

Phải đến khi Gojek "chào sân" và lao vào cuộc đua "đốt tiền" thông qua việc khuyến mãi, tuyên bố chiếm đến 35% thị phần chỉ trong 6 tuần ra mắt, thị trường trở thành cuộc chơi của 2 ông lớn ngoại. Để cân bằng, một ứng dụng gọi xe của người Việt là Be đã ra đời. Sau 9 tháng, "đội quân ong vàng" tuyên bố chiếm lĩnh khoảng 30% thị trường.

Xanh SM (GSM) ra nhập năm 2023 làm thay đổi cục diện thị trường xe công nghệ.

Xanh SM (GSM) ra nhập năm 2023 làm thay đổi cục diện thị trường xe công nghệ.

Nhưng cục diện thị trường chỉ thực sự thay đổi khi xuất hiện xe điện Xanh SM (GSM) vào năm 2023. Năm 2024, thị phần của Grab vẫn lớn nhất, nhưng đang bị thu hẹp bởi sự phát triển mạnh mẽ của 2 hãng xe công nghệ Việt là Xanh SM và Be. Grab hiện chiếm 42% thị phần, nhưng Be và Xanh SM đang ngày càng thu hẹp khoảng cách, chiếm thị phần lần lượt là 32% và 19%.

Tháng 9 vừa qua, Gojek đã nói lời tạm biệt sau 6 năm gia nhập thị trường Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội cho ứng dụng gọi xe Việt. Nói cách khác, vị trí thống lĩnh của Grab đang bị đe dọa bởi liên minh Be - Xanh SM.

GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT nhìn nhận, ở thời điểm 5 năm trước, rất khó để doanh nghiệp Việt ngoi lên trong thị trường gọi xe công nghệ. Khai mở thị trường như Grab vốn đã khẳng định được thương hiệu, lại có tiềm lực tài chính mạnh, tầm nhìn chiến lược dài hơn.

Nhưng câu chuyện nay đã khác, các ứng dụng gọi xe Việt đã có sự vươn lên mạnh mẽ. Cùng với bước chuyển mình của Be Group, một thương hiệu dịch vụ vận tải của người Việt là Xanh SM đã xuất hiện với tốc độ phủ sóng thần tốc.

Grab liệu có bị đánh bại?

Nhiều năm tới, ngành vận tải hành khách công cộng Việt Nam đứng trước thách thức lớn, đó là yêu cầu chuyển đổi từ xe dùng động cơ đốt trong sang xe xanh. Thế nhưng, chỉ đến khi thương hiệu Xanh SM xuất hiện vào năm 2023, taxi điện mới bắt đầu được quan tâm.

Chỉ sau thời gian ngắn ra mắt, Xanh SM đã vươn lên chiếm thị phần lớn thứ 2 thị trường, chỉ sau Grab. Tính tới tháng 9/2024, Xanh SM có hơn 80.000 xe đang lưu hành hằng ngày trên đường bao gồm cả xe máy điện, ô tô điện và xe của đối tác.

Chất lượng dịch vụ là vũ khí giúp Xanh SM bứt tốc giành thị phần, thay đổi cục diện đường đua. Phương tiện sạch, đẹp và thái độ lịch sự, chuyên nghiệp của tài xế taxi Xanh SM là 2 yếu tố được đa số người dùng trên cả nước đánh giá cao.

Sự phát triển thần tốc và quy mô vượt qua ranh giới quốc gia đang khiến Xanh SM và các doanh nghiệp cùng ngành ngày càng có niềm tin vào taxi điện. Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng nhận định, đây có thể coi là cuộc tái cấu trúc lần thứ hai của lĩnh vực vận tải hành khách công cộng.

Kết quả kinh doanh ấn tượng của Xanh SM đã tạo động lực cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vốn vào thị trường taxi điện. Nhiều doanh nghiệp vận tải đã hợp tác với GSM như: Mai Linh, ASV Airports Taxi, Én Vàng, Lado Taxi...

Mới đây nhất, Mai Linh đã ký hợp đồng mua gần 3.999 xe ô tô điện. Đây là bước ngoặt quan trọng trong chiến lược xanh hóa đội xe của hãng taxi lâu đời nhất Việt Nam.

GS.TS Từ Sỹ Sùa nhìn nhận, Be hay Xanh SM thành công nâng thị phần là nhờ cách làm bài bản, đi theo hướng khác biệt, nắm bắt xu thế tăng trưởng xanh. Nếu vẫn chọn theo cách làm truyền thống, mở thêm ứng dụng gọi xe chạy bằng xăng thì kể cả "đốt tiền" để khuyến mãi giai đoạn đầu cũng rất khó giành lợi thế với Grab.

Các ứng dụng gọi xe Việt muốn tiếp tục nâng cao thị phần phải đảm bảo được 5 yếu tố: Chất lượng dịch vụ cải tiến hơn; đi theo xu hướng mới thân thiện môi trường; có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích từ Nhà nước; sự liên kết cùng nhau phát triển và yếu tố cuối cùng là sự ủng hộ của người tiêu dùng Việt.

Dưới góc nhìn kinh tế, ông Ngô Trí Long nhìn nhận, Grab vẫn còn nguồn lực từ công ty mẹ, kiên trì bám trụ nhằm đạt mục đích dẫn đầu ở mảng này. Trong khi Xanh SM cũng sẽ phải sớm đối mặt với bài toán lời - lỗ giai đoạn hậu "tuần trăng mật".

"Nếu có thêm chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngành điện không tăng giá với điện phục vụ cho các trạm sạc, Xanh SM cùng Be có thể "đánh bại" Grab trên sân nhà", ông Long đánh giá.

Trần Duy

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/khoc-liet-gianh-thi-phan-ung-dung-goi-xe-192250128074224498.htm
Zalo