Lộ trình phát triển xe buýt điện ở TP.HCM ra sao?
Đến năm 2030, người dân sẽ được sử dụng xe buýt điện với năng lượng xanh.
Trong kế hoạch chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh, Sở GTVT TP.HCM đã đưa ra lộ trình cụ thể.
Chuyển đổi phương tiện xanh là xu hướng tất yếu
Theo Sở GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Trong đó có các mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Đến năm 2030, 100% xe buýt ở TP.HCM sẽ là xe buýt điện. Ảnh: ĐÀO TRANG
Cụ thể hóa các định hướng, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 1679/2023 về kế hoạch thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT.
Theo đó, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chủ trì phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng sử dụng điện, năng lượng xanh và phát triển giao thông phi cơ giới tại địa phương. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ (taxi, xe buýt) sang sử dụng điện như taxi điện, xe buýt điện.
Tháng 7-2024, HĐND TP Hà Nội thống nhất đề án phát triển giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt điện, hứa hẹn được “phủ” 100% xe buýt điện từ sau năm 2040.
Năm 2024, Sở GTVT TP.HCM cũng tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng điện với hoạt động vận tải hành khách công cộng”. Qua hội thảo đạt được sự đồng thuận cao về chủ trương chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng năng lượng xanh. Trong đó lựa chọn xe buýt điện là giải pháp tối ưu và là xu hướng tất yếu trong giai đoạn tới.
Đồng thời để đảm bảo tiến độ triển khai, các đơn vị đã đề xuất TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp vận tải về việc đầu tư phương tiện, đầu tư hạ tầng trạm sạc, trạm nạp CNG, xây dựng đơn giá, định mức chi phí cho hoạt động của xe buýt điện.
Lộ trình đến năm 2030
Sở GTVT TP cũng đưa ra lộ trình chuyển đổi xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng trạm sạc/trạm nạp nhiên liệu trên địa bàn. Đồng thời, TP.HCM cũng đề xuất đồng bộ các cơ chế, chính sách đảm bảo thực hiện đúng lộ trình chuyển đổi và đạt được tỉ lệ phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện, năng lượng xanh đạt 100% vào năm 2030.
Các mục tiêu và lộ trình chuyển đổi chia thành nhiều giai đoạn. Đối với các tuyến xe buýt có trợ giá hiện hữu (giai đoạn 2024 - 2029): Các tuyến xe buýt đang sử dụng điện tiếp tục sử dụng điện; các tuyến xe buýt đang sử dụng nhiên liệu CNG tiếp tục sử dụng nhiên liệu CNG, điện; các tuyến xe buýt đang sử dụng nhiên liệu Diesel tiếp tục sử dụng nhiên liệu Diesel và thực hiện chuyển đổi sang sử dụng điện kể từ năm 2028.
Đối với các tuyến xe buýt không trợ giá: Từ năm 2025 xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, nhiên liệu CNG. Năm 2029 chuyển đổi tất cả xe sử dụng nhiên liệu diesel sang xe điện. Đối với các tuyến xe buýt mở mới sẽ sử dụng điện, nhiên liệu CNG.
Từ năm 2030, 100% phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Hiện nay, TP.HCM có 1 tuyến xe buýt điện D4 (VinHome Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn), do Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái VinBus vận hành.
Đồng thời, TP cũng vừa khai trương 17 đoàn xe buýt điện kết nối với tuyến metro số 1 do Công ty CP Xe khách Phương Trang khai thác. Phương Trang cũng đầu tư hệ thống trạm sạc hiện đại, bài bản - đây là minh chứng rõ ràng cho sự nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông công cộng tiên tiến, đảm bảo vận hành ổn định, tối ưu chi phí.