Lo ngại khả năng Mỹ áp thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Thái Lan
Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan Sanan Angubolkul mới đây đã hối thúc Chính phủ cử đại diện khu vực tư nhân tham gia nhóm đàm phán với Mỹ trong tháng tới về khả năng áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Thái Lan.
Khuyến nghị của Phòng Thương mại Thái Lan được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố trong ngày làm việc đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai vào hôm 20/1 rằng mức thuế 25% đối với Canada và Mexico có thể được công bố vào ngày 1/2 tới đây.
Theo Quỹ công nghệ thông tin và đổi mới (ITIF), một tổ chức tư vấn chính sách khoa học và công nghệ có trụ sở tại Washington, Thái Lan xếp thứ hai về độ rủi ro hay khả năng dễ bị tổn thương do chính sách thuế quan của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, trên cơ sở các quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ. Trong số các quốc gia có nguy cơ cao bao gồm Mexico, Thái Lan, Slovenia, Áo và Canada, thì Mexico và Thái Lan hiện có mức thặng dư lớn nhất với Mỹ.
Từ đầu năm 2025, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan đã tuyên bố có kế hoạch đến thăm Mỹ vào đầu tháng 2 để đàm phán về việc áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Thái Lan. Ông Sanan lưu ý rằng Thái Lan đã duy trì thặng dư thương mại với Mỹ trong thập kỷ qua, vượt quá 1.000 tỷ baht (gần 30 tỷ USD) mỗi năm kể từ năm 2022.
Mức thặng dư này đã khiến Thái Lan trở thành mục tiêu của các biện pháp thương mại của Mỹ, tập trung vào việc giảm mất cân bằng thương mại. Trong số này, một phần thặng dư của Thái Lan đến từ các công ty Mỹ hoạt động tại Thái Lan.
Phòng Thương mại Thái Lan khuyến nghị nên cử đại diện khu vực tư nhân tham gia nhóm đàm phán của chính phủ do khu vực này nắm giữ những hiểu biết sâu sắc về thương mại và có thể giúp giải quyết các vấn đề quan trọng.
Ông Sanan cũng đề xuất nhóm đàm phán nên ưu tiên các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, một thị trường xuất khẩu quan trọng của Thái Lan, xung đột trực tiếp với lợi ích của Mỹ. Ngoài ra, ông Sanan cho rằng Thái Lan cần khai thác các thị trường mới như Ấn Độ và Saudi Arabia để đa dạng hóa thương mại và giảm rủi ro địa chính trị.
Ông Sanan nhấn mạnh rằng đại diện từ các ngành xuất khẩu chủ chốt như thực phẩm, nông nghiệp, đá quý, cao su, điện tử và ô tô nên được tham gia nhóm đàm phán, do các lĩnh vực này rất dễ bị ảnh hưởng bởi các hạn chế thương mại của Mỹ, bao gồm cả các rào cản thuế quan và phi thuế quan.