Lo lắng tiến độ các công trình công đầu tư công

Ngay trước khi bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Vành đai 3 TPHCM cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.

Vành đai 3 TPHCM cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.

Trước đó, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận tại tổ đại biểu và tại phiên toàn thể để cân nhắc kỹ kế hoạch, đặc biệt là những hệ quả khi quyết liệt tăng trưởng.

Nợ công có thể vượt ngưỡng cảnh báo

Với nghị quyết này, Quốc hội quyết định bổ sung khoảng 84.300 tỷ đồng vốn đầu tư công (ĐTC) từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án có khả năng hấp thụ vốn (như đường cao tốc, đường ven biển…) ngay trong năm 2025; triệt để tiết kiệm chi; phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 và nguồn tăng thu ngân sách năm 2024, để đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Báo cáo thẩm tra vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội (thời điểm đó là Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế) Vũ Hồng Thanh lưu ý, đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu về bội chi và nợ công là cần thiết để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhưng cần làm rõ kế hoạch sử dụng số bội chi, nợ công tăng thêm, và chỉ điều chỉnh khi đã thực hiện hết các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn nợ công, khả năng trả nợ, đặc biệt là chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu ngân sách.

Quá trình thảo luận, nhiều khía cạnh của vấn đề này đã được các đại biểu quốc hội phân tích, mặc dù đều đồng thuận về sự cần thiết phải gia tăng mạnh mẽ ĐTC. Nhưng đại biểu Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng việc tăng thu, nâng bội chi và nợ công chỉ nên được xem là giải pháp ứng phó khi Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp từ các cuộc chiến thương mại thế giới. Ông nhấn mạnh rằng, trong trường hợp Việt Nam không bị áp thuế, cần tập trung vào việc tiết kiệm chi tiêu để tăng ĐTC, thay vì dựa vào việc tăng thu hoặc đi vay nợ.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cũng nhìn nhận, trước hết cần ưu tiên rót nguồn vốn công vào những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không muốn làm hoặc không có điều kiện làm, nhằm tạo sức lan tỏa để thu hút các nguồn vốn khác; sau đó mới tính đến nới bội chi và nợ công.

Còn dư địa tài khóa

Đáng mừng là các nhà quan sát kinh tế đều tán thành chủ trương tận dụng dư địa chính sách tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng. TS. Nguyễn Đức Kiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhận định, với uy tín và chính sách tín dụng của Việt Nam hiện nay, tìm nguồn vốn vay trong và ngoài nước đều không khó, tuy nhiên nên ưu tiên nguồn vốn trong nước. “Cái cần chú ý là sau khi hoàn thành dự án ta được gì để tiếp tục đầu tư phát triển, đặc biệt là lưu ý yêu cầu tiếp thu được công nghệ mới” - ông Kiên nói.

Cùng quan điểm, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện Công nghệ và Phát triển tài chính, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính bình luận: “Tính theo GDP mới thì nợ công của chúng ta mới chỉ khoảng hơn 35% một chút, nghĩa là còn cách khá xa mức cảnh báo 50%.

Vấn đề chỉ là nghĩa vụ trả nợ trực tiếp khá cao, nhưng chúng ta đang trả nợ tốt. Do đó tôi cho rằng nếu muốn tạo ra đột phá, thì tăng đầu tư là cần thiết”. Nhận định mức tăng trưởng kỳ vọng 8% là thách thức, vì trên thực tế nhiều năm qua Việt Nam chưa đạt được mức tăng trưởng này, song ông Cường lạc quan: “Chưa đạt không có nghĩa là không làm được, nhưng tất nhiên phải thay đổi cách làm”.

Cách làm mà TS. Vũ Sỹ Cường lo ngại chính là tốc độ và hiệu quả giải ngân ĐTC. Theo ông, trên thực tế có năm ngân sách rất nhiều tiền, mà giải ngân rất kém. Tới đây, yếu tố mới là việc triển khai nhiều dự án trọng điểm quy mô cực lớn thay vì “rải mành mành” cho các công trình nhỏ và vừa, đây là điểm thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả giải ngân.

Tuy nhiên, ĐTC khi quá lớn có thể gây ra những tác động phụ, khiến lạm phát gia tăng. Nhưng đây cũng không phải điều quá đáng ngại, bởi lạm phát những năm vừa qua đều ở quanh mức 4%, hơn nữa Việt Nam là một quốc gia cơ bản tự chủ được về lương thực, thực phẩm.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho rằng các giải pháp Quốc hội quyết nghị đã đi đúng hướng. Trong mấy năm vừa qua, động lực của Việt Nam chủ yếu đến từ khối xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài, trong khi khối doanh nghiệp nội địa và cầu nội địa là vẫn còn đang tương đối khó khăn. ĐTC cũng như các biện pháp tài khóa nêu trên sẽ có tác dụng kích cầu, và đây là thời điểm sử dụng các biện pháp kích cầu mạnh mẽ, tạo thêm cơ hội phát triển cho doanh nghiệp nội địa.

Vẫn theo chuyên gia này, “nợ công của Việt Nam đang ở ngưỡng hơi an toàn quá, nên chúng ta còn nhiều dư địa để có thể tăng chi tiêu công và tăng ĐTC mà không bị quá rủi ro về tài chính công”. Mặt khác, khi đạt tốc độ tăng trưởng cao, GDP tăng thì tỷ lệ tăng của nợ công trên GDP sẽ ở mức chấp nhận được.

“Vấn đề là phải đầu tư có hiệu quả, đầu tư đúng tiến độ, thậm chí là tốt hơn tiến độ. Bởi vì các dự án càng nhanh chóng được đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả kinh tế xã hội càng giúp tăng trưởng nhanh. Sợ nhất là đầu tư mạnh mà không hiệu quả, bị đọng vốn, khi ấy nợ công sẽ trở nên khó kiểm soát”- ông Bá Hùng khuyến cáo.

Quốc hội cũng quyết nghị, trường hợp cần thiết điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.

ANH THƯ

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/lo-lang-tien-do-cac-cong-trinh-cong-dau-tu-cong-post120761.html
Zalo