Động thổ loạt dự án chế biến thực phẩm và chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao
Ngày 24/2, tại xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn tổ chức Lễ động thổ Dự án Tổ hợp Nhà máy chế biến thực phẩm DHP (giai đoạn 1) và hai Dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh (DHN 2 và DHN 5).

Lễ khởi công chuỗi dự án liên kết nông nghiệp công nghệ cao cung cấp gà xuất khẩu đạt chuẩn châu Âu. Ảnh: Giang Phương/TTXVN
Dự án Tổ hợp Nhà máy chế biến thực phẩm DHP (giai đoạn 1) có quy mô trên 14 ha tại ấp Bình Quới, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng do Tập đoàn De Heus hợp tác cùng Công ty trách nhiệm hữu hạn Green Chicken và Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu HP đầu tư xây dựng.
Theo ông Johan Van Den Ban, Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus Việt Nam và Châu Á, dự án có tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng. Theo đó, nhà máy được đầu tư xây dựng với công nghệ hiện đại, tiên tiến từ châu Âu, giúp giảm phát thải và hạn chế các ảnh hưởng xấu đến môi trường. Giai đoạn 1, nhà máy hoạt động với công suất 18,7 triệu con gia cầm/năm (tương đương 6.000 con/giờ).
Ngoài ra, Dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh 2 sẽ được xây dựng tại ấp Hội Thạnh, xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh với quy mô 25 ha, tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án là chăn nuôi gia cầm, cung cấp gà thịt theo mô hình trại lạnh khép kín với công suất 400.000 con/lứa (5 lứa/năm).
Dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh 5 được xây dựng tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh với quy mô 25 ha, tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Mục tiêu Dự án là chăn nuôi gà lấy trứng để sản xuất giống gà chất lượng cao, công suất 196.000 con/năm, tương ứng cung cấp hơn 20 triệu trứng/năm.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, chuỗi dự án được khởi động lần này là 3 trong tổng số 12 dự án thuộc chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư hơn 620 tỷ đồng, do Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư xây dựng. Tất cả các dự án đã và đang được triển khai tại Tây Ninh đều áp dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế của Hà Lan, Đức và Bỉ.
Ông Vũ Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Việc khởi động chuỗi liên kết các dự án có thể xem là cột mốc quan trọng trong chuỗi liên kết nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp gà xuất khẩu đạt chuẩn châu Âu. Đây cũng là những dự án nhằm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh năm 2025. Chính vì vậy, ngay sau lễ động thổ, chúng tôi sẽ ngay lập tức bắt tay triển khai xây dựng nhằm đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ, mang lại giá trị bền vững, hòa cùng kỷ nguyên vươn mình của đất nước”.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cùng các đơn vị chủ đầu tư chuỗi dự án cam kết để dự án sớm đi vào hoạt động. Ảnh: Giang Phương/TTXVN
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết trong những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến thực phẩm, nhằm tạo ra chuỗi giá trị khép kín: chăn nuôi – chế biến – cung ứng. Từ đó, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng vào thị trường trong nước lẫn quốc tế. Với Tây Ninh, đây là một dự án có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để trở thành trung tâm chế biến thực phẩm và chăn nuôi công nghệ cao của khu vực và cả nước.
Ông Trần Văn Chiến cũng nhấn mạnh, tỉnh Tây Ninh luôn cam kết luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất để dự án được triển khai đúng tiến độ, hiệu quả và thành công lâu dài. Đặc biệt, với năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết của 2 tập đoàn, dự án sẽ sớm hoàn thành theo đúng tiến độ và đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy, dẫn dắt, lan tỏa chuỗi giá trị chăn nuôi – sản xuất, chế biến sản phẩm hiện đại, khép kín và bền vững.