Lo lắng, chỉ thế thôi sao?

Thông tin 20 tấn giá đỗ ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine, là chất cấm rất nguy hại cho gan, thận và sức đề kháng của con người mới được phát hiện gây chấn động xã hội. Đây là món ăn ưa thích của nhiều gia đình và có mặt trong suất ăn của học sinh ở nhiều trường học. Thông tin được công bố khi tết cận kề.

Năm nào cũng vậy, cứ gần tết lại có những vụ việc mất an toàn thực phẩm gây rúng động. Nhiều gia đình lo lắng tự vệ bằng việc không ăn những món ăn nghi có độc tố hoặc chọn cách tự canh, tự nuôi để tự cấp. Nhưng tết, sức tiêu thụ thực phẩm lớn, thì ai có thể tự cấp cho xuể?

Câu chuyện mất an toàn thực phẩm với những vụ ngộ độc tập thể xảy ra liên tiếp ở gần như tất cả các địa phương, hết năm nọ qua năm kia, và sau mỗi năm con số vụ việc vi phạm cũng như hậu quả nó gây ra cho xã hội càng lớn hơn. Vẫn biết trách nhiệm chính trong việc ngăn chặn, xử lý tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc về cơ quan quản lý thị trường và ngành y tế, nhưng không thể trông đợi tất cả vào những lực lượng này. Sự hữu hạn của cơ quan chức năng không cho phép họ cùng lúc phát hiện, ngăn chặn rất nhiều đối tượng, hành vi dã tâm. Công tác quản lý nhà nước với sự xông pha trên tuyến đầu của lực lượng thường trực đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không thể đạt hiệu quả mong muốn nếu thiếu sự đồng lòng từ phía người tiêu dùng.

Từng có rất nhiều câu chuyện vô cảm được kể ra khi cả một cơ sở sản xuất vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm, môi trường xảy ra ở khu dân cư, nhưng không được phát hiện. Chỉ đến khi lực lượng chức năng xử lý, nhiều người ở khu dân cư mới cho biết rằng họ từng thấy thế này, từng nghi thế kia. Nghĩa là những yếu tố đó chưa đủ hối thúc họ có trách nhiệm phải quan tâm, tìm hiểu, đấu tranh hay tố giác sự việc đến cơ quan chức năng. Sự im lặng của họ là môi trường tốt để hành vi vi phạm thêm phần trót lọt trong thời gian dài.

Đã có rất nhiều khẩu hiệu truyền thông hay như: “Mỗi người dân cần trở thành một “người gác cửa” cho chính sức khỏe của mình và gia đình”; “Việc nhận biết các dấu hiệu thực phẩm an toàn, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và nói không với hàng hóa giá rẻ bất thường là những hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn”. Hay như “Việc tố giác các hành vi gian lận, phối hợp với cơ quan chức năng cũng là cách mỗi người đóng góp vào công cuộc làm trong sạch thị trường thực phẩm”.

Những chiến dịch truyền thông quy mô nhưng lại chưa đem lại hiệu quả như mong đợi. Đã đành có sự hạn chế của các biện pháp truyền thông, nhưng trong đó sự thờ ơ, vô cảm của người tiêu dùng vẫn là rào cản rất lớn. Người tiêu dùng lo lắng trước mỗi vụ việc gây rúng động, nhưng chỉ có thế, họ chưa có sự phản kháng phù hợp thay cho việc chỉ biết thu mình lại bằng biện pháp rất cũ: tự túc, tự cấp.

Thị trường thực phẩm sạch không chỉ mang lại sự yên tâm mà còn là minh chứng cho một xã hội văn minh. Thay cho ứng xử một cách cực đoan, người tiêu dùng cần phải mạnh mẽ hơn, cùng cơ quan chức năng quét sạch nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm ngay từ bây giờ, để tết này là tết an toàn, tết vui trọn vẹn.

Tuệ Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/lo-lang-chi-the-thoi-sao-235887.htm
Zalo