Lời khai của đối tượng đâm gãy chân Trung tá công an khi đi 'bão'

Lực lượng Công an quận Hà Đông đã phối hợp, làm rõ và ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ hình sự đối với Hồ Xuân Sinh về hành vi Chống người thi hành công vụ.

Công an quận Hà Đông (TP Hà Nội) thông tin, lực lượng chức năng đã tạm giữ hình sự Hồ Xuân Sinh (SN 2004, trú huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) để điều tra hành vi Chống người thi hành công vụ.

Đối tượng Hồ Xuân Sinh tại cơ quan công an. Ảnh: CA.

Đối tượng Hồ Xuân Sinh tại cơ quan công an. Ảnh: CA.

Trước đó vào tối 2/1, sau khi đội tuyển Việt Nam có chiến thắng 2 - 1 trước đội tuyển Thái Lan ở trận chung kết lượt đi AFF Cup, Hồ Xuân Sinh đã điều khiển xe máy Exciter biển số 89F1 - 496.40, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, tham gia vào đoàn "đi bão".

Đến ngã tư Quang Trung - Phùng Hưng (quận Hà Đông), tổ công tác Y18A-141H đã phát hiện và yêu cầu Hồ Xuân Sinh dừng xe. Tuy nhiên, đối tượng quyết định tăng ga "thông chốt" và đâm thẳng vào Trung tá Lê Hoàng Anh, cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Hà Đông, là thành viên tổ công tác. Hậu quả, Trung tá Hoàng Anh gãy xương chày và đang điều trị tại bệnh viện.

Đến ngày 5/1, lực lượng Công an quận Hà Đông đã phối hợp, làm rõ và ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ hình sự đối với Hồ Xuân Sinh về hành vi Chống người thi hành công vụ quy định tại Điều 330 Bộ Luật hình sự.

Tại cơ quan công an, Sinh thừa nhận hành vi của mình. Hiện, cơ quan điều tra sẽ tập trung, phối hợp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố đối tượng để đưa ra xét xử điểm, tạo sự răn đe, phòng ngừa chung.

Tội chống người thi hành công vụ bị xử lý thế nào?

Xử lý hình sự đối với hành vi chống người thi hành công vụ

Trong trường hợp, hành vi chống người thi hành công vụ đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ.

Cụ thể tại Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về Tội chống người thi hành công vụ như sau:

- Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Có tổ chức;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

+ Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

+ Tái phạm nguy hiểm.

Xử phạt hành chính với hành vi chống người thi hành công vụ

Nếu chống người thi hành công vụ chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.

Cụ thể tại Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi chống người thi hành công vụ như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;

+ Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;

+ Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ;

+ Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;

+ Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.

Ngoài ra, người vi phạm buộc xin lỗi công khai đối với người thi hành công vụ đó.

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/loi-khai-cua-doi-tuong-dam-gay-chan-trung-ta-cong-an-khi-di-bao-8987.html
Zalo