Từ 2 vụ 'côn đồ đường phố': Pháp luật nghiêm minh và bài học ứng xử

2 vụ việc gây xôn xao dư luận gần đây - cô gái đánh người gác chắn tàu và vợ chồng hành hung tài xế xe ôm Be - không chỉ phản ánh những hành vi bạo lực đáng lên án mà còn đặt ra những bài học sâu sắc về văn hóa ứng xử trong xã hội. Sự vào cuộc kịp thời và nghiêm minh của cơ quan chức năng đã nhận được sự đồng tình mạnh mẽ từ cộng đồng, củng cố niềm tin vào pháp luật.

 Đôi vợ chồng đánh tài xế công nghệ (trái) và người phụ nữ tấn công nhân viên gác chắn đường sắt ở TPHCM đều đã bị khởi tố và tạm giam

Đôi vợ chồng đánh tài xế công nghệ (trái) và người phụ nữ tấn công nhân viên gác chắn đường sắt ở TPHCM đều đã bị khởi tố và tạm giam

TS Trần Anh Tú, Phó Chủ nhiệm Khoa luật Kinh doanh, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Ngày 30/12/2024, người phụ nữ tấn công nhân viên gác chắn đường sắt ở TPHCM phải nhập viện. Cùng ngày tại Bình Dương, hai người đàn ông ẩu đả sau va chạm giao thông dẫn đến một người dập não, hôn mê.

TS Trần Anh Tú, phó Chủ nhiệm Khoa luật Kinh doanh, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

TS Trần Anh Tú, phó Chủ nhiệm Khoa luật Kinh doanh, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Ngày 31/12, tại TPHCM, hai vợ chồng đánh đập dã man một tài xế xe công nghệ... Cơ quan công an đều đã khởi tố và tạm giam bị can của cả ba vụ án.

Liên quan đến những người tham gia giao thông, có thể tạm chia ra 4 yếu tố chủ quan và khách quan.

Về chủ quan, thứ nhất, đó là con người, với tư cách là cá nhân: tôi tham gia giao thông, anh tham gia giao thông. Thứ hai, đó là liên chủ thể tham gia giao thông mà chúng ta cũng có thể gọi đó là cộng đồng và gắn liền với họ là ý thức tuân thủ pháp luật, văn hóa giao thông.

Về mặt khách quan, đó là cơ sở hạ tầng giao thông, một thành tố cũng rất quan trọng vì không chỉ đảm bảo cho các chủ thể có thể lưu thông một cách nhanh chóng, an toàn mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của những chủ thể tham gia giao thông. Thành tố thứ tư, đó là pháp luật giao thông quy định về những quy tắc xử sự mà tất cả những người tham gia giao thông phải tuân thủ.

Về cơ bản, 4 yếu tố này có quan hệ mật thiết và ảnh hưởng với nhau chặt chẽ để tạo nên một thực trạng giao thông của cả một quốc gia. Một trong 4 yếu tố đó thay đổi, trong chừng mực nhất định chưa thể cải thiện triệt để tình trạng giao thông, tuy nhiên nó cũng sẽ góp phần tác động để các yếu tố còn lại cùng được nâng cao.

Điều đó giải thích vì sao, một con đường mới được mở theo đúng quy chuẩn đường bộ tiêu chuẩn quốc tế chưa thể lập tức cải thiện được tình trạng tai nạn giao thông. Ngược lại, những cá nhân là người nước ngoài, quen tuân thủ luật giao thông, vẫn khó "hòa nhập" và chưa chắc đã được đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông ở Việt Nam.

Ở một giác độ khác, nhiều người sau thời gian sống và đi lại ở các nước phát triển thường cho biết, ở nước bạn, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông nhiều hơn nhưng lại khá dễ đi.

Lý do là ở các nước phát triển, hệ thống giao thông của họ khá hoàn thiện, quy định cũng rõ ràng, thống nhất và ý thức tuân thủ của người dân nước họ ở mức cao hơn. Chính vì thế, mỗi cá nhân khi tham gia giao thông chỉ cần phải làm mỗi một việc là đi đúng quy định, họ sẽ an toàn.

Cũng chính vì việc tham gia giao thông dễ dàng hơn nên con người cũng trở nên thoải mái tâm lý hơn rất nhiều.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển và hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông cũng vậy. Chưa kể, ở Việt Nam ý thức tuân thủ pháp luật giao thông của người dân vẫn còn nhiều điều đáng nói.

Tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, tạt đầu, giành đường do vô tình hay hữu ý vẫn còn là phổ biến. Thậm chí, tình trạng đi ngược chiều có thể xuất hiện ở bất cứ đâu kể cả đường cao tốc. Chính vì thế, để đi được ở Việt Nam chỉ đi đúng thôi chưa đủ mà cần phải đề cao cảnh giác, nhìn trước ngó sau và tai nạn vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trong tâm thế đó, người tham gia giao thông ở Việt Nam luôn căng thẳng và dễ nổi nóng khi xảy ra va chạm. Và tất nhiên, với những người sẵn máu côn đồ coi thường pháp luật coi thường tính mạng sức khỏe người khác, họ sẵn sàng hóa thành cô đồ xa lộ.

Tuy nhiên, trong tất cả yếu tố, yếu tố chủ quan vẫn đóng vai trò quyết định. Nói cụ thể hơn, đó là văn hóa giao thông, ý thức tuân thủ pháp luật của tất cả những người tham gia giao thông.

Cơ quan CSĐT Công an quận 1, TPHCM vừa ra quyết định bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Quách Minh Nhựt (33 tuổi, ngụ ở TPHCM) để điều tra, xử lý về hành vi "Cố ý gây thương tích" khi đánh người dã man trước cổng Bệnh viện Từ Dũ

Cơ quan CSĐT Công an quận 1, TPHCM vừa ra quyết định bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Quách Minh Nhựt (33 tuổi, ngụ ở TPHCM) để điều tra, xử lý về hành vi "Cố ý gây thương tích" khi đánh người dã man trước cổng Bệnh viện Từ Dũ

Trong một thời gian ngắn gần đây, đã liên tiếp xảy ra những vụ hành hung từ những va chạm giao thông nhỏ nhặt mà trong đó một số người thể hiện sự hung hãn, côn đồ coi thường pháp luật coi thường tính mạng sức khỏe người khác.

Việc xử lý nghiêm các hành vi này chắc chắn được đông đảo người dân ủng hộ. Hình ảnh một đối tượng hung hãn tay bị còng số 8, cúi đầu trước lực lượng chức năng nói lên rất nhiều điều.

Nó không chỉ tương phản với hình ảnh côn đồ, manh động trước đó mà ở mức độ nào đó nói bóc trần "con người thật" của họ: cho dù là người manh động đến đâu cũng phải chấp hành pháp luật.

Chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Phải "triệt tiêu" mầm mống bạo lực từ trong mỗi gia đình, nhà trường và xã hội

Vụ việc người gác chắn tàu bị đánh và tài xế xe công nghệ bị hành hung, cơ quan chức năng đã lập tức vào cuộc bắt giữ những đối tượng côn đồ. Việc làm này cho thấy, sự nghiêm minh của pháp luật.

Chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình

Chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình

Trước đó, cũng đã có rất nhiều vụ việc tương tự và kẻ côn đồ, xem thường pháp luật đã phải trả giá. Thế nhưng, vì sao những vụ việc bạo lực vẫn cứ tiếp diễn?

Rất nhiều đối tượng sau khi bị bắt đều lấy lý do như cuộc sống gặp khó khăn, thách thức. Những áp lực khiến họ thiếu kiềm chế và dễ dàng "xả thù" khi có va chạm xảy ra ngoài xã hội… Tất cả những lý lẽ đó chỉ là biện minh cho thói quen/bản chất bạo lực.

Cũng có thể nói rằng, đời sống xã hội ngày nay trở nên gấp gáp, dồn nén, đầy áp lực đã đẩy chủ nghĩa thực dụng "lên ngôi". Người ta không muốn mất quá nhiều thì giờ để suy xét đúng sai, nên cứ giơ nắm đấm ra để giải quyết vấn đề.

Điều này cho thấy sự thiếu định hướng giá trị văn hóa, bị ảnh hưởng bởi những biến đổi xã hội. Con người với tâm lý ích kỷ, cảm giác quyền lợi bị xâm phạm và sẵn sàng thể hiện tính côn đồ, hung hãn mà bất chấp đúng sai, suy nghĩ trước sau. Họ không có tinh thần khoan dung mà xã hội hướng tới.

Phải "triệt tiêu" mầm mống bạo lực từ trong mỗi gia đình, từ nhà trường và xã hội. Việc xây dựng gia đình, nhà trường, cộng đồng văn hóa để thay đổi nhận thức và hành vi của mọi người là một hướng đi quan trọng.

Vai trò của giáo dục, truyền thông, hạn chế những nội dung kích động bạo lực là rất cần thiết. Phải có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phương diện để thay đổi nhận thức và hành vi của mọi người, hướng tới xây dựng một xã hội văn minh, an toàn hơn.

Chúng ta đã nói nhiều đến vấn đề này, cũng đã thực hiện nhưng chưa đến và chưa đủ, chưa thay đổi được suy nghĩ và nhận thức ích kỷ của nhiều người và khi có dịp là bộc lộ ra. Đừng biện minh cho sự nóng nảy, hành vi bạo lực có sẵn từ trong nhận thức.

Những kẻ có thói tôn thờ sức mạnh, tôn thờ đồng tiền họ luôn nghĩ rằng có thể giải quyết được tất cả những vấn đề bằng sức mạnh và đồng tiền, họ không hề nghĩ rằng việc làm của họ là trái với đạo đức, nhân văn mà xã hội chúng ta đang thực hiện.

Hành vi côn đồ có thể diễn ra trong tích tắc nhưng đó là mầm mống đã tồn tại sẵn trong suy nghĩ của những đối tượng này. Xã hội cần lên án mạnh mẽ, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc hơn nữa, như thế thì hành vi bạo lực mới giảm được.

Chúng ta đang xây dựng một xã hội khoan dung, nhân văn, xây dựng xã hội sống và làm việc theo luật pháp. Luật pháp đã rất nghiêm khắc, nghiêm trị những hành vi côn đồ. Vậy, chúng ta càng cần xây dựng tốt hơn nữa gia đình văn hóa, trường học văn hóa và cộng đồng văn hóa.

Chúng ta phải làm thực chất, làm mạnh mẽ, tránh hình thức mới tác động được vào nhận thức, tâm khảm, ý chí và hành vi của mỗi người.

Khi tất cả đã "thấm nhuần" tính nhân văn, xã hội mới tốt đẹp hơn được.

Khoảng 20 giờ 40, tại đường ngang Km1717+600, điểm chắn Chùa Ưu Đàm (Km1717+600 là điểm giao cắt giữa đường bộ liên phường và tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM, thuộc phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) nhân viên gác chắn đã đóng chắn chuẩn bị đón đoàn tàu thông qua.

Trong lúc các phương tiện và người tham gia giao thông đã dừng chờ tàu qua, vợ chồng Nguyễn Thùy Trang chở nhau trên xe gắn máy yêu cầu nhân viên mở chắn cho qua. Tuy nhiên, nhân viên gác chắn không đồng ý, Trang ngồi sau xe đã chửi bới, lăng mạ và xuống xe, xông vào hành hung nhân viên Võ Thị Bình đúng lúc tàu đang thông qua đường ngang.

Mặc dù nhân viên gác chắn cùng là chị Lưu Thị Mỹ Duyên và người đi đường đã can ngăn, nhưng người phụ nữ này vẫn có hành động côn đồ, đánh tới tấp vào mặt nhân viên gác chắn Võ Thị Bình.

Ngày 1/1, Trang bị Công an TP Thủ Đức bắt khẩn cấp để điều tra hành vi Cố ý gây thương tích.

PV (Thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tu-2-vu-con-do-duong-pho-phap-luat-nghiem-minh-va-bai-hoc-ung-xu-20250106175246062.htm
Zalo