Lộ kế hoạch Israel tấn công cơ sở hạt nhân, Iran tuyên bố cứng rắn
Cơ quan tình báo Mỹ cảnh báo rằng Israel có khả năng sẽ tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran vào giữa năm nay.

Kỹ thuật viên làm việc tại một cơ sở hạt nhân của Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Thông tin này được tờ The Washington Post đưa ra ngày 13/2, trích dẫn nhiều báo cáo tình báo.
Theo các thông tin này, cuộc tấn công có thể làm chậm tiến độ hạt nhân của Iran trong vài tuần hoặc vài tháng, nhưng cũng sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và có nguy cơ kéo theo một cuộc xung đột lớn hơn.
Những báo cáo tình báo này được hoàn thành vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden và đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.
Hãng tin Reuters cho biết chưa thể xác nhận ngay thông tin trên. Trong khi đó, Nhà Trắng, chính phủ Israel, Cục Tình báo trung ương (CIA), Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia đều từ chối bình luận.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, Brian Hughes, nói với The Washington Post rằng Tổng thống Donald Trump sẽ không cho phép Iran có vũ khí hạt nhân.
"Mặc dù ông ấy ưu tiên giải quyết các vấn đề lâu dài với chính quyền Iran một cách hòa bình thông qua đàm phán, nhưng ông ấy sẽ không chờ đợi vô thời hạn nếu Iran không sẵn sàng thỏa thuận và điều đó cần xảy ra sớm", vị quan chức này nhấn mạnh.
Theo The Washington Post, báo cáo tình báo toàn diện nhất được soạn vào đầu tháng 1 bởi cơ quan tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu liên quân Mỹ và DIA. Báo cáo này cảnh báo rằng Israel có thể tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran tại Fordow và Natanz.
Các quan chức Mỹ đương nhiệm và cựu quan chức am hiểu về tình báo cho biết Israel tin rằng cuộc không kích vào Iran hồi tháng 10 năm ngoái đã làm suy yếu đáng kể hệ thống phòng không của Tehran, để lại nhiều lỗ hổng có thể bị khai thác trong một đợt tấn công tiếp theo. Năm ngoái, Israel và Iran đã tiến hành các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng, trong bối cảnh căng thẳng leo thang do cuộc chiến ở Dải Gaza.
Các báo cáo tình báo cũng đưa ra hai kịch bản tấn công tiềm năng, cả hai đều yêu cầu Mỹ cung cấp hỗ trợ tiếp nhiên liệu trên không và chia sẻ thông tin tình báo, theo The Washington Post.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Fox News phát sóng ngày 9/2, Tổng thống Trump cho biết ông vẫn muốn đạt được một thỏa thuận với Iran để ngăn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định Iran cũng có thể muốn đàm phán hơn là đối đầu quân sự.
"Mọi người đều nghĩ rằng Israel, với sự giúp đỡ hoặc chấp thuận của chúng ta, sẽ tiến hành một cuộc không kích mạnh mẽ vào Iran. Tôi muốn tránh điều đó", ông Trump nói.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ngay sau khi nhận được các thông tin nói trên đã tuyên bố kẻ thù của Tehran có thể tấn công các trung tâm hạt nhân của nước này, song không thể ngăn Iran xây dựng các cơ sở mới.
Tổng thống Pezeshkian nhấn mạnh kẻ thù của Iran đe dọa sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân, song nếu 100 cơ sở trong số đó bị tấn công thì Tehran sẽ xây dựng 1.000 cơ sở khác. Nhà lãnh đạo Iran cũng khẳng định các tòa nhà và địa điểm có thể bị tấn công, nhưng những người xây dựng chúng không thể bị tấn công.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã đạt được một thỏa thuận với Iran nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump, với sự thúc đẩy từ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận lịch sử này vào năm 2018 và áp đặt lại các lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Kể từ đó, Iran đã tái khởi động chương trình hạt nhân và tiếp tục làm giàu uranium, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên hợp quốc.
Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi cho biết vào tháng 1 rằng Tehran đã gặp gỡ các quan chức Anh, Pháp và Đức tại Geneva để tìm cách khởi động lại các cuộc đàm phán hạt nhân. Tuy nhiên, triển vọng đạt được một thỏa thuận vẫn còn nhiều bất ổn, đặc biệt trong bối cảnh khu vực đang bên bờ vực xung đột.