Lộ diện khách hàng bất ngờ của tiêm kích tàng hình J-35A Trung Quốc
Tiêm kích tàng hình J-35A Trung Quốc nhiều khả năng đã đánh bại đối thủ sừng sỏ đến từ phương Tây để giành hợp đồng lớn.

Trung Quốc đang có bước tiến lớn vào thị trường vũ khí quốc tế khi củng cố vị thế của mình ở Trung Á thông qua sản phẩm chủ lực chính là tiêm kích tàng hình J-35A.

Nguồn tin thân cận với Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng Uzbekistan cho biết, Bắc Kinh đã "bật đèn xanh" bán máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ năm J-35A cho không quân nước này.

Thông tin trên chưa được xác nhận chính thức, nhưng đáng chú ý là một đoạn video đã xuất hiện trên mạng xã hội trong đó ghi lại cảnh một phi công người Uzbekistan đang được đào tạo trên tiêm kích Trung Quốc.


Nếu những gì được các phương tiện truyền thông đăng tải là sự thật, Uzbekistan sẽ trở thành quốc gia thứ hai sở hữu tiêm kích J-35A sau Pakistan, nhấn mạnh tham vọng xuất khẩu vũ khí, trang thiết bị quân sự tiên tiến của Trung Quốc.

Cần nhắc lại, máy bay chiến đấu tàng hình hạng nhẹ J-35A do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Thẩm Dương (Shenyang) phát triển, lần đầu tiên được ra mắt công chúng vào tháng 11/2024 tại Triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải.

Tại thời điểm đó, Trung Quốc công khai tuyên bố ý định xúc tiến xuất khẩu loại tiêm kích này trên thị trường thế giới, đồng thời nêu tên Pakistan là khách hàng tiềm năng đầu tiên. Hiện nay nhiều khả năng Uzbekistan là cái tên tiếp theo trong danh sách.

Trước đó chính quyền Tashkent đã cân nhắc khả năng mua tiêm kích Rafale của Pháp, thậm chí để mắt tới Su-75 và Su-75 do Nga sản xuất, nhưng cuối cùng họ đã nghiêng về máy bay chiến đấu Trung Quốc khi lựa chọn JF-17 và J-35A.

Điều này cho thấy hướng đi mới của Uzbekistan theo cách cân bằng hơn về mặt chính trị trong quan hệ với Bắc Kinh và Moskva, đồng thời đặt ra câu hỏi về sự thành công của các nhà sản xuất châu Âu, đặc biệt là Pháp, trong không gian hậu Xô Viết.

Nhưng cần lưu ý, Trung Quốc vẫn chưa triển khai sản xuất hàng loạt tiêm kích J-35A để phục vụ nhu cầu của chính mình, cụ thể là phiên bản tiêm kích hạm dự kiến sẽ trang bị cho tàu sân bay mới nhất có tên Phúc Kiến, hiện đang trong quá trình thử nghiệm.

Điều này có nghĩa là việc giao hàng cho Uzbekistan, nếu thực sự đạt được thỏa thuận, sẽ không thể bắt đầu sớm hơn vài năm tới, khi họ còn đứng sau Pakistan trong danh sách đặt hàng.

Mặc dù vậy, sự quan tâm của Tashkent đối với tiêm kích thế hệ thứ năm của Trung Quốc cho thấy thành công chiến lược của Bắc Kinh trong cuộc cạnh tranh với phương Tây để giành ảnh hưởng trong khu vực.

Các chuyên gia lưu ý rằng quyết định từ bỏ Rafale, hay xa hơn là Su-57 để chuyển sang J-35A không chỉ liên quan đến yếu tố giá cả mà còn thể hiện mong muốn đa dạng hóa các nhà cung cấp vũ khí của Uzbekistan, tránh phụ thuộc vào một đối tác.

Trong tương lai không xa, nhiều khả năng tiêm kích J-35A của Trung Quốc sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh lớn đối với F-35 Lightning II của Mỹ khi có ưu thế về giá cả và điều kiện bán hàng ít ràng buộc.