WHO đạt thỏa thuận lịch sử về ứng phó đại dịch tương lai

Các thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đạt thỏa thuận lịch sử nhằm tăng cường năng lực ứng phó tập thể của nhân loại trước nguy cơ một đại dịch khác bùng phát trong tương lai, động thái được mô tả là một trong những chỉ dấu chứng minh chủ nghĩa đa phương vẫn 'phát triển sống động'.

CNN dẫn thông báo của WHO ngày 16/4 (giờ Hà Nội) xác nhận các thành viên của Tổ chức Y tế trực thuộc Liên hợp quốc (LHQ) này đã vừa đạt thỏa thuận về tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó với nguy cơ một đại dịch khác có thể bùng phát trong tương lai, tương tự đại dịch COVID-19. Văn kiện nêu trên dài 32 trang, được thông qua sau hơn 3 năm với ít nhất 13 vòng đàm phán, bao gồm các điều khoản nhằm thiết lập hệ thống tiếp cận và chia sẻ toàn cầu công nghệ y tế, thông tin về các tác nhân gây bệnh; xây dựng năng lực nghiên cứu về các biện pháp ứng phó phù hợp với dịch bệnh dựa trên từng khu vực địa lý.

Cờ các nước thành viên bên ngoài trụ sở WHO. Ảnh: Politico

Cờ các nước thành viên bên ngoài trụ sở WHO. Ảnh: Politico

Ngoài ra, văn kiện mở đường kiến tạo mạng lưới chuỗi cung ứng và hậu cần y tế rộng khắp để ứng phó trong trường hợp khẩn cấp. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, việc các nước thông qua thỏa thuận là bước đi lịch sử chứng minh rằng chủ nghĩa đa phương vẫn "phát triển sống động" và các nước "vẫn có thể hợp tác để tìm tiếng nói chung". "Chúng tôi mong muốn Đại hội đồng Y tế Thế giới (tháng 5/2025) xem xét thỏa thuận và hy vọng nó sẽ được phê chuẩn", ông tuyên bố.

WHO bắt đầu xây dựng thỏa thuận từ tháng 12/2021, thời điểm nhiều quốc gia kêu gọi thiết lập một cơ chế toàn cầu nhằm ứng phó với nguy cơ bùng phát các đại dịch mới trong tương lai. Do Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Washington khỏi WHO từ tháng 2/2025 sau khi ông nhậm chức, nước này không tham gia các vòng đàm phán cuối cùng. Theo CNA, thỏa thuận ban đầu dự kiến được thông qua từ tháng 5/2024, nhưng kéo dài thêm nhiều tháng đàm phán do các quốc gia có ngành công nghiệp dược phẩm phát triển đã phản đối đưa điều khoản chuyển giao công nghệ (thuốc, vaccine và liệu pháp điều trị) bắt buộc vào thỏa thuận, khẳng định mọi việc chuyển giao cần dựa trên sự tự nguyện. Cuối cùng, các bên dường như đồng thuận rằng, việc chuyển giao công nghệ sẽ được thực hiện khi các bên cùng nhau đạt được một "thỏa thuận chung".

Báo DW của Đức tiết lộ, thời gian qua xuất hiện thông tin về việc WHO muốn thông qua thỏa thuận để can thiệp vào chính sách chống dịch của các nước bằng cách áp đặt biện pháp phong tỏa và tiêm vaccine. Tuy nhiên, thỏa thuận mới nhất có điều khoản khẳng định chủ quyền của mỗi nước trong việc ứng phó với tình hình y tế bên trong biên giới của họ.

Ông Precious Matsoso, đại diện phái đoàn Nam Phi, một trong 6 quốc gia dẫn dắt đàm phán, nhấn mạnh, thỏa thuận sẽ "tăng cường công bằng" và "bảo vệ các thế hệ tương lai khỏi khổ đau và mất mát mà nhân loại từng gánh chịu trong COVID-19". "Đàm phán đôi khi khó khăn và kéo dài. Nhưng nỗ lực to lớn này đã được duy trì nhờ nhận thức chung rằng virus không tôn trọng biên giới và rằng không ai an toàn trong một đại dịch nếu tất cả mọi người chưa được an toàn", ông Matsoso nêu rõ. Trong khi đó, cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark, đánh giá, "vào thời điểm chủ nghĩa đa phương đang bị đe dọa, các quốc gia thành viên của WHO đã cùng nhau tuyên bố rằng chúng ta sẽ đánh bại mối đe dọa đại dịch tiếp theo theo cách duy nhất có thể: thông qua việc hợp tác".

Theo các chuyên gia y tế toàn cầu, sau đại dịch COVID-19, nhân loại đạt nhiều bước tiến về y tế để đương đầu với dịch bệnh. Tuy nhiên, bà Maria Van Kerkhove, thành viên cấp cao của WHO, khẳng định, tình trạng xung đột bùng phát trên thế giới, biến đổi khí hậu, cũng như các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị ở nhiều nơi cho thấy "chúng ta vẫn chưa sẵn sàng để xử lý một đại dịch khác". Tờ Telegraph trích dẫn một báo cáo mới đây của WHO cảnh báo, nhiều loại virus cổ đại có thể tồn tại hàng ngàn năm trong lớp băng vĩnh cửu ở các vùng cực. Do biến đổi khí hậu, các lớp băng tan chảy có thể dấy lên lo ngại về khả năng phát tán các loại mầm bệnh mà y học hiện đại chưa biết đến. Trên cơ sở thỏa thuận ở cấp độ toàn cầu vừa được thông qua, các chuyên gia kì vọng nó sẽ giúp thế giới huy động đa dạng nguồn lực để ứng phó nhanh hơn, hiệu quả hơn với các cuộc khủng hoảng y tế ngay khi nó bùng phát ở giai đoạn sớm.

Ông David Reddy, người đứng đầu Liên đoàn Các nhà sản xuất và Hiệp hội Dược phẩm quốc tế thì đánh giá, thỏa thuận vừa thông qua chỉ là "bước khởi đầu". "Chúng tôi hy vọng trong các cuộc đàm phán tiếp theo, các nước sẽ cải thiện điều kiện để khu vực tư nhân tiếp tục đổi mới chống lại các tác nhân gây bệnh có khả năng gây đại dịch", ông kêu gọi.

Thái Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/who-dat-thoa-thuan-lich-su-ve-ung-pho-dai-dich-tuong-lai-i765403/
Zalo