Livestream bán hàng, từ xu hướng đến nghề nghiệp thực thụ

Từ thực tiễn nhiều vấn đề xảy ra liên quan hoạt động livestream bán hàng, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc xem đây là một nghề nghiêm túc, cần thông qua quản lý để cấp phép hành nghề cho KOLs, KOC lẫn hệ sinh thái của xu hướng bán hàng này.

“Tránh thuê đâu làm đó”

Từ thực tế, Bloger Hữu Nghĩa, một trong những người có nhiều năm làm việc livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội chia sẻ, lâu nay những sản phẩm được đưa lên sàn đồng nghĩa với việc nhà quản lý sàn đã kiểm tra các vấn đề pháp lý cũng như thông tin nhãn hàng. Tuy nhiên sau những vụ việc vừa qua, những thông tin về sản phẩm được công bố bởi các nhãn hàng rõ ràng là không đầy đủ và không chính xác.

Bloger Hữu Nghĩa chia sẻ về công việc bán hàng trên nền tảng mạng xã hội

Bloger Hữu Nghĩa chia sẻ về công việc bán hàng trên nền tảng mạng xã hội

Team bán hàng của Bloger Hữu Nghĩa cũng nhận thấy rằng không phải ai cũng có quyền yêu cầu các nhãn hàng cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm. Điều này dẫn đến việc những người bán hàng như họ phải dựa vào thông tin công bố của nhãn hàng và những người nổi tiếng, mà không thể kiểm chứng độc lập. Do đó để duy trì niềm tin từ khách hàng, người tiêu dùng bền vững việc tự điều chỉnh hành vi và hoạt động một cách có trách nhiệm là rất quan trọng để phát triển nghề nghiệp một cách bền vững.

"Mình nên chủ động bồi dưỡng những kiến thức về pháp lý, để chủ động kiểm chứng, kiểm soát thông tin sản phẩm chính xác cao. Qua đó phòng tránh được 2 việc, đỡ phải vấp ngã như các trường hợp vừa xảy ra và đưa ra được những thông tin chính xác đến khách hàng của mình", Bloger Hữu Nghĩa chia sẻ.

Nhà báo - đạo diễn Yến Trinh, chuyên gia truyền thông tại TPHCM nhận định: Luật pháp hiện chưa có những quy định cụ thể về hoạt động của influencer (người có sức ảnh hưởng), vì vậy cần phải xác định rõ giới hạn hoạt động của mình, như từ chối quảng bá những sản phẩm mà mình không có chuyên môn để đánh giá chất lượng. Không chỉ KOLs mà ê-kíp triển khai hoạt động cũng cần minh bạch việc nhận tiền từ các thương hiệu để bán hàng. Thực tế nhiều influencer livestream bán hàng mà không thực sự sử dụng sản phẩm, hoặc giả vờ đã sử dụng sản phẩm trong một thời gian dài. Điều này gây hiểu lầm và thiếu minh bạch với người tiêu dùng.

Trước khi có những quy định pháp lý cụ thể, các influencer cần tự giới hạn bản thân bằng cách xây dựng bộ quy tắc nghề nghiệp riêng do chính mình tự đặt ra.

"Để nghề nghiệp mình được phát triển một cách bền vững, hơn ai hết mỗi bạn KOLs phải hoạt động nghề nghiệp một cách có đầu tư. Có đầu tư ở đây được hiểu là đầu tư về tri thức, từ đó có thể tự bảo vệ mình. Qua đó có những hiểu biết về mặt pháp luật, khi quảng bá về mặt sản phẩm, mình sẽ có những giới hạn, biết từ chối những thứ mà mình không kiểm soát được", chị yến Trinh nói.

Influencer – “người ảnh hưởng” trên mạng xã hội, đóng vai trò lớn trong truyền thông và quảng cáo hiện đại nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là một nghề chính thức. Không có mã ngành, không có mô tả nghề nghiệp, không có quy chế hoạt động riêng. Đây là lý do đầu tiên khiến công việc này không nằm trong bất kỳ một bộ luật chuyên biệt nào. Vì vậy nhiều người chỉ xem đây là việc làm thêm, kiếm tiền online mà không chăm chút tư duy nghề, tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc coi livestream bán hàng là một nghề nghiêm túc

Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc coi livestream bán hàng là một nghề nghiêm túc

Nên cấp phép hành nghề?

Trao đổi về vấn đề này Luật sư Lê Ngọc Luân, Giám đốc điều hành Công ty Luật Goldkey Law Firm cho rằng: ngành kinh doanh trực tuyến đã và đang mang lại nhiều giá trị không chỉ về kinh tế mà còn về mặt đạo đức, xã hội, văn hóa. Việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cần được thực hiện nhanh chóng, càng sớm càng tốt, trong đó cần công nhận đây là một ngành nghề.

Khuôn khổ hành lang pháp lý kinh doanh trực tuyến cần có thủ tục để đảm bảo trách nhiệm và tính hợp pháp của người bán hàng; đảm bảo quyền lợi cả người bán và người mua, đảm bảo chất lượng hàng hóa và dịch vụ; thông thoáng, nhanh gọn, không gây cản trở cho sự phát triển của ngành.

Nếu có vấn đề hoặc hạn chế từ cơ quan quản lý, cơ quan chức năng cũng phải cùng chịu trách nhiệm trực tiếp với người bán hàng và ngành nghề kinh doanh này. Việc ban hành luật cần xem xét tính hài hòa lợi ích, khi xu hướng này trở thành một ngành nghề.

"Cần xem xét đây là một ngành nghề, khi ban hành luật không chỉ trong nội bộ nhà làm luật mà nên tham khảo ý kiến nhiều người có ảnh hưởng trong xã hội, như luật sư và đặc biệt đông đảo người tiêu dùng… đảm bảo sự hài hòa giữa các lợi ích. Bởi nhà làm luật có người ít sử dụng mạng xã hội, chỉ quan sát nên khó có thể đặt vị thế của người trong ngành nghề này. Vì vậy có khi ban hành xong hiệu quả không cao, hoặc không giúp cho ngành nghề này phát triển", Luật sư Lê Ngọc Luân kiến nghị.

Từ các ngôi sao giải trí đến chủ shop nhỏ lẻ, từ nông dân cho đến nhân viên văn phòng, ai cũng muốn chen chân vào đường đua livestream

Từ các ngôi sao giải trí đến chủ shop nhỏ lẻ, từ nông dân cho đến nhân viên văn phòng, ai cũng muốn chen chân vào đường đua livestream

Tiến sĩ – Luật gia Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường IMRIC (Bộ KH&CN), cho rằng nghề livestream ở Việt Nam chưa được công nhận chính thức dẫn đến hạn chế trong quản lý và hỗ trợ. Trong khi đó, một số quốc gia trong khu vực đã thành lập Hiệp hội dịch vụ livestream để kiểm soát lĩnh vực này.

Ông Sơn nêu ví dụ: nhiều buổi livestream quảng cáo thuốc, bình luận pháp lý đang diễn ra mà không cần chứng chỉ chuyên môn. Do đó, cần phải xem xét cấp phép cho từng loại hình livestream cụ thể. Đặc biệt là các hoạt động mang tính chất thương mại như bán hàng, quảng cáo sản phẩm. Việc cấp phép sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch, quyền lợi của người tiêu dùng và tạo sự công bằng trong kinh doanh.

Ngoài ra, việc cấp phép cần thiết để kiểm soát chất lượng thông tin trong các lĩnh vực nhạy cảm như: chính trị, sức khỏe, giáo dục, nhằm ngăn chặn việc phát tán thông tin sai lệch hoặc gây hại cho cộng đồng.

Riêng đối với các hoạt động livestream cá nhân, tương tác xã hội hoặc phi lợi nhuận, giáo dục cộng đồng thì việc cấp phép không cần thiết, đảm bảo quyền tự do biểu đạt của người dân.

Một số trường hợp người nổi tiếng livestream bán sản phẩm không đúng như quảng cáo khiến dư luận bất bình (Ảnh mạng xã hội)

Một số trường hợp người nổi tiếng livestream bán sản phẩm không đúng như quảng cáo khiến dư luận bất bình (Ảnh mạng xã hội)

"Việc luật hóa và quản lý chặt chẽ cũng nhằm đặt nghề livestream vào một ví trí xứng đáng trong xã hội, từ đó có sự quan tâm đồng nhất, đầu tư phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hơn. Khi đó nghề livestream bán hàng sẽ tiếp thêm động lực lớn hơn nữa cho sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân", ông Hồ Minh Sơn nhận định.

Livestream đang có tiềm năng phát triển thành một nghề nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nên cần có sự công nhận chính thức, cùng với các quy định, chính sách hỗ trợ và quản lý hiệu quả từ phía nhà nước. Một số ý kiến khác cho rằng, đối với hoạt động này có thể không cần cấp phép mà chỉ cần cơ chế xử phạt nghiêm minh đối với các vi phạm; quản lý chất lượng hàng hóa và thu thuế./.

Nguyễn Quang/VOV -TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/livestream-ban-hang-tu-xu-huong-den-nghe-nghiep-thuc-thu-post1194329.vov
Zalo