Góp phần thúc đẩy xây dựng xã hội học tập
Xây dựng xã hội học tập (XHHT) là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Từ chủ trương này, nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực đã được các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể triển khai với mục tiêu ai cũng được học hành, được học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

Buổi bế giảng lớp mây tre đan của TTHTCĐ xã Điền Thượng (Bá Thước).
Trong xây dựng XHHT, cùng với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua như “Dạy tốt, học tốt” trong các nhà trường; xây dựng các mô hình học tập như gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập..., sự hình thành và phát triển trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) đóng vai trò hết sức quan trọng. Sự ra đời của trung tâm này với nhiều hình thức hoạt động đã đáp ứng nhu cầu “cần gì học nấy” của mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. Từ ý nghĩa đó cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể các cấp, đặc biệt là ngành giáo dục, hội khuyến học (HKH) đã đưa phong trào học tập cộng đồng phát triển rộng khắp trong tỉnh với số lượng TTHTCĐ tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 2001 toàn tỉnh mới có 10 TTHTCĐ, thì đến tháng 7/2007 tất cả 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập TTHTCĐ. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm các trung tâm mở được khoảng 10.000 lớp học, thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia học tập.
Kết thúc năm học 2023-2024 các TTHTCĐ trong toàn tỉnh mở được 9.620 lớp, thu hút hơn 582.900 lượt người học ở cả 5 nhóm nội dung gồm: Phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; dạy nghề, tạo việc làm; bổ túc văn hóa, xóa mù chữ; nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong đó, nhóm thông tin về chính trị, thời sự, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mở được 3.344 lớp với hơn 356.500 lượt người tham gia học tập. Nhóm chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương mở được 2.556 lớp với 202.636 lượt người tham gia. Nhóm dạy nghề, tạo việc làm mở được 770 lớp với 28.272 lượt người tham gia...
Được biết, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ tại các địa phương, ngành giáo dục huyện, HKH các cấp và ban giám đốc các TTHTCĐ đều xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, đưa ra những chuyên đề phù hợp với từng địa phương, từng thời kỳ và từng đối tượng khác nhau. Đặc biệt, các TTHTCĐ thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, ủy ban MTTQ, hội cựu chiến binh... đưa việc học tập cộng đồng thành một phong trào lớn, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp Nhân dân. Minh chứng cho thấy, tại huyện Bá Thước trong năm học 2023-2024 vừa qua các TTHTCĐ trong huyện đã mở được 940 lớp với 71.154 lượt người tham gia học tập, đạt 62,8% so với tổng dân số toàn huyện. Trong đó đáng chú ý là TTHTCĐ ở các xã thuộc khu vực Pù Luông đã mở hàng trăm lớp học cho người dân về cách chế biến thực phẩm, nấu ăn, cách tiếp thị khách hàng, bán hàng lưu niệm cho khách tham quan... góp phần phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập, đời sống người dân.
Hay như tại xã Lam Sơn (Ngọc Lặc), thông qua TTHTCĐ người dân đã tích cực tham gia các chuyên đề, các lớp tập huấn, nhất là những chuyên đề về chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Từ việc tham gia các chuyên đề nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao như gia đình ông Lê Trọng Thu, bà Phạm Thị Hiền, ở thôn Trụ Sở; gia đình ông Trần Văn Hải ở thôn 6; gia đình bà Lê Thị Lài ở thôn 7; gia đình bà Lê Thị Hồng ở thôn Minh Thủy...
Tuy nhiên, theo đánh giá của HKH tỉnh, tổ chức và hoạt động của TTHTCĐ ở nhiều nơi vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ từ tổ chức bộ máy, đội ngũ giáo viên biệt phái, cộng tác viên, báo cáo viên đến công tác tuyên truyền viên, hướng dẫn viên. Cùng với đó là nội dung, phương thức hoạt động, cơ sở vật chất của nhiều trung tâm chưa đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của mọi người dân và việc xây dựng các mô hình học tập, xây dựng XHHT trong điều kiện mới.
Hiện Đảng và Nhà nước đã phát động phong trào “Bình dân học vụ số” trên cơ sở kế thừa những giá trị ưu việt từ phong trào “Bình dân học vụ” được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động cách đây 80 năm. Phong trào này hướng đến mục tiêu phổ cập tri thức số để mọi công dân có thể thích ứng với chuyển đổi số cũng như góp phần xây dựng chính phủ số, xã hội số, kinh tế số và công dân số trong thời đại số. Điều này cũng đồng nghĩa, cấp ủy, chính quyền các địa phương, ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và huy động nguồn lực bảo đảm các điều kiện hoạt động của TTHTCĐ để TTHTCĐ thực sự là “trường học” tiện ích, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân cũng như hiện thực hóa chủ trương xây dựng XHHT tiến bộ và phát triển trong “kỷ nguyên số”.