Liveshow 'Hoa trên đá': Khi âm nhạc xóa tan bóng tối, lan tỏa nghị lực và khát vọng sống
Vừa qua, tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã diễn ra liveshow âm nhạc Hoa trên đá, mang đến một không gian nghệ thuật đầy cảm xúc, nơi âm nhạc trở thành cầu nối giữa những trái tim, những câu chuyện về nghị lực sống của người khiếm thị trong xã hội.
Chương trình nằm trong khuôn khổ học phần Dàn dựng sự kiện văn hóa do nhóm sinh viên lớp Tổ chức sự kiện 4, Khoa Quản lý Văn hóa Nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, dưới sự hướng dẫn của TS. Trịnh Lê Anh.
Vượt ra khỏi khuôn khổ lớp học, Hoa trên đá đã chạm tới trái tim khán giả và lan tỏa những giá trị nhân văn đến cộng đồng.
Lấy cảm hứng từ hình ảnh "hoa nở trên đá" - biểu tượng của vẻ đẹp kiên cường trong nghịch cảnh, chương trình mang đến một không gian nghệ thuật đầy cảm xúc, nơi những người nghệ sĩ khiếm thị được tỏa sáng bằng chính khả năng và tâm hồn của họ.
Từ sân khấu, những giai điệu vang lên không chỉ bằng âm thanh, mà bằng cả câu chuyện đằng sau mỗi con người - một hành trình từ bóng tối bước ra ánh sáng, bằng âm nhạc và tình yêu cuộc sống.

Ban nhạc Hy Vọng hợp xướng cùng nghệ sĩ Xuân Thanh. (Nguồn: BTC)
Mở đầu chương trình là phần trình diễn của nhóm nhạc Hy vọng - ban nhạc khiếm thị đầu tiên tại Việt Nam, thành lập từ năm 2001. Những giai điệu truyền thống như Ca ngợi Tổ quốc, Thời thanh niên sôi nổi, Nhạc rừng... với sự kết hợp cùng nghệ sĩ Xuân Thanh đã vang lên đầy xúc động.
Không cần hiệu ứng cầu kỳ, chỉ với nhạc cụ và trái tim, các nghệ sĩ của Hy vọng đã khiến khán giả hoàn toàn đắm chìm trong từng nốt nhạc của cảm xúc.
Ngay sau đó, ban nhạc Nắng mới xuất hiện đầy mạnh mẽ với tiết mục Đường đến đỉnh vinh quang. Mỗi giai điệu là một bước đi, mỗi câu hát là một bước tiến vượt lên nghịch cảnh.
Đặc biệt, tiết mục kết hợp giữa ban nhạc Nắng mới và NSƯT Đăng Dương qua ca khúc Một đời người một rừng cây càng tạo nên cao trào nghệ thuật đầy ý nghĩa. Trong khoảnh khắc ấy, khoảng cách giữa một giọng ca opera lừng danh và những nghệ sĩ khiếm thị như được xóa nhòa, tất cả chỉ còn lại là sự tôn trọng, thấu hiểu và đồng cảm.

Các nghệ sĩ khiếm thị của ban nhạc Nắng mới biểu diễn cùng NSUT Đăng Dương. (Nguồn: BTC)
Đặc biệt, chương trình còn có sự góp mặt của các bạn nhỏ khiếm thị đến từ lớp học chầu văn do nghệ sĩ Tuyết Tuyết hướng dẫn. Các nghệ sĩ nhí đã mang đến một tiết mục nghệ thuật dân gian độc đáo, gợi nhắc về những giá trị văn hóa truyền thống và tinh thần vượt lên hoàn cảnh.
Chương trình còn vinh hạnh chào đón content creator Long Đỗ – gương mặt quen thuộc với cộng đồng mạng qua tài khoản TikTok “Elm zai chị Nguyệt”.
Sự hiện diện của những tên tuổi nổi tiếng đã góp phần lan tỏa thông điệp của chương trình đến đông đảo khán giả trẻ, cùng tạo nên những giá trị nhân văn, tích cực cho cộng đồng, xã hội.
Hoa trên đá đã kết nối trái tim khán giả không bằng hiệu ứng thị giác, mà bằng âm thanh chân thật và sự tử tế đến từ bên trong. Đặc biệt, toàn bộ quá trình lên ý tưởng, dàn dựng, sản xuất và truyền thông đều do các bạn sinh viên từ Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thực hiện.
Các em đã mang đến một mô hình học tập thực tế đầy cảm hứng, nơi tri thức không dừng lại ở sách vở, mà thực sự bước ra đời sống, phục vụ cộng đồng và lan tỏa giá trị nhân văn.

Những trẻ em khiếm thị đến từ lớp học của nghệ sĩ chầu văn Tuyết Tuyết. (Ảnh do Ban Tổ chức liveshow “Hoa Trên Đá” cung cấp)
Từ chính những nghệ sĩ khiếm thị trên sân khấu, người xem nhận ra rằng âm nhạc không có ranh giới, không phân biệt thị lực, hoàn cảnh hay sự nổi tiếng. Âm nhạc, trong khoảnh khắc nào, đều ngôn ngữ của trái tim và trái tim thì ai cũng có thể chạm tới nếu biết lắng nghe bằng cả sự cảm thông.
Chương trình khép lại trong những tràng pháo tay dài và ánh mắt rưng rưng. Có thể nói, liveshow Hoa trên đá là hành trình sống động của nghệ thuật, của lòng yêu nghề, của sự thấu cảm và trách nhiệm xã hội. Hơn hết, chương trình để lại không chỉ là kỷ niệm cho người tổ chức, mà còn là niềm tin cho khán giả rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu có âm nhạc và niềm tin, thì hoa vẫn có thể nở trên đá.