Linh thiêng ngày 30 tháng 4 năm 1975!
Ngày 30/4/1975 đã trở thành cột mốc quan trọng của lịch sử dân tộc và ngày 30/4/2025 đánh dấu 50 năm thời khắc thiêng liêng này.

Người dân xuống đường hòa vào không khí hợp luyện diễu binh tại đường Tôn Đức Thắng. Ảnh: An Hiếu/Báo Tin tức và Dân tộc
1. Lịch sử vàng của dân tộc ta là lịch sử đấu tranh trường kỳ, từ ngàn năm qua chống phương Bắc đô hộ, trăm năm chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, đã thành truyền thống đấu tranh bất khuất. Chống đến cùng, quét sạch quân thôn tính, xâm lược ngay từ lúc dân số Đại Việt ta có mấy triệu người, đến 25 triệu người thời chống Pháp và 50 triệu người thời chống Mỹ cứu nước.
Thật ít có một dân tộc nào chống xâm lược như Đại Việt - Việt Nam, càng đánh giặc càng tăng cường lực lượng; đồng thời xuất hiện những vị anh hùng cái thế lãnh đạo nhân dân dẹp giặc, lập quốc.
Ngày 30/4/1975 đã kết thúc cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại dài nhất suốt 30 năm. Nhân dân ta đã đương đầu với hai đội quân hùng mạnh nhất thế giới là Pháp và Mỹ với vũ khí hiện đại nhất, nhưng ta có Bác Hồ và Đảng lãnh đạo tuyệt vời nhất, đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác và tiến đến thắng lợi hoàn toàn, kết thúc chiến tranh tại Sài Gòn vào ngày 30/4/1975.
2. Ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng của ngày 30/4/1975 có nhiều nét khác với những ngày lịch sử trước đó.
Ngày 19/8, ngày cuộc Cách mạng tháng Tám thành công trong cả nước. Tiếp đó là ngày Quốc khánh 2/9 nước ta hưởng được độc lập có 29 ngày, thì giặc Pháp gây hấn đánh lại ta, tạo ra cuộc chiến kéo dài, hết Pháp tới Mỹ đến 30 năm vô cùng ác liệt. Ngày 10 tháng 10, giải phóng Thủ đô Hà Nội, mới giải phóng được nửa nước, còn nửa nước ở miền Nam đau thương. Miền Nam đi trước về sau!
Tháng 4/1975, ta đã giải phóng Plâyku, Đà Nẵng, Huế. Nhưng phải đợi đến trưa ngày 30/4/1975, khi xe tăng quân Giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, lá cờ xanh đỏ sao vàng bay phần phật trên kỳ đài Dinh Độc Lập, mới thật sự là miền giải phóng. Khi đất nước còn nỗi đau chia cắt hai miền, vì miền Nam ruột thịt, miền Bắc hậu phương lớn của miền Nam “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Thanh niên “3 sẵn sàng”, phụ nữ “3 đảm đang” thay nam giới đi cày ruộng. Hàng triệu thanh niên miền Bắc đã rầm rập xẻ dọc Trường Sơn anh dũng, vào miền Nam chiến đấu. Nghĩa trang liệt sĩ khắp các tỉnh miền Nam có rất đông liệt sĩ quê miền Bắc. Máu đào của thanh niên miền Bắc đã nhuộm đỏ đất miền Nam, biểu hiện cao nhất của tình ruột thịt!

Lực lượng tham gia hợp luyện diễu binh được sự chào đón từ người dân TP Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/Báo Tin tức và Dân tộc
Bởi vậy đại thắng 30/4/1975 tại hang ổ cuối cùng của giặc, kết thúc quyết chiến, chiến lược quân dân cả nước tại Sài Gòn là linh thiêng, xứng đáng dấu mốc vàng son chói lọi cuối cùng của cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc anh hùng.
Ngày 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đất nước mới trọn vẹn ngày thống nhất, Bắc nam sum họp một nhà, Tổ quốc hoàn toàn độc lập, dân tộc hoàn toàn tự do, sống trong hòa bình, hạnh phúc, ra sức xây dựng cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa.
3. Kỷ niệm đặc biệt trọng thể 50 năm giải phóng miền Nam hợp lòng trời và hợp lòng người.

Biên đội máy bay trực thăng mang theo cờ Tổ quốc và cờ Đảng trên bầu trời TP Hồ Chí Minh, chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức và Dân tộc
Lâu nay. để chuẩn bị những ngày lễ lớn, thường được chuẩn bị sớm từ nửa tháng trước. Lần này, chuẩn bị đại lễ 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh đã chộn rộn, tự động chuẩn bị từ Tết Ất Tỵ.
Không chờ có chủ trương, các đơn vị quận, huyện, sở ngành nào cũng tự động xây dựng đề án công trình chào mừng. Lực lượng thiếu nhi TP Hồ Chí Minh cũng có công trình chào mừng. Niềm vui, hân hoan, chờ đón tin vui từng ngày bay đến. Lực lượng diễn binh, diễu hành của quân dân ta luyện tập ròng rã từ mấy tháng nay. Nhà dân, cơ quan, trụ sở, xí nghiệp treo cờ Tổ quốc từ ngày 15/4. Cả Thành phố rợp cờ đỏ sao vàng.
Thời gian như trôi nhanh hơn. Các cơ quan đơn vị tranh thủ họp tổng kết cho kịp những ngày cuối tháng 4. Cuộc họp nào cũng gắn “50 năm”. Dòng xe trên các đường đông hơn, có vẻ khẩn trương hơn…

Màn diễn tập bắn đại bác tại Công viên Bến Bạch Đằng. Ảnh: An Hiếu/Báo Tin tức và Dân tộc
Lần đầu tiên có 15 khẩu pháo quyết thắng đã dàn sẵn ở bến Bạch Đằng. Một sự chuẩn bị kỳ công, hoành tráng chưa từng có. Hàng tháng nay, nhân dân ở các tỉnh thành trong cả nước đã đổ về Thành phố mang tên Người.
Dù chưa khai lễ, niềm phấn khởi, tự hào vô biên đã nâng cao lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Lòng tự hào hòa cùng nỗi phấn khởi lớn lao của Đảng đang làm cuộc cách mạng sắp xếp hệ thống tổ chức, tinh gọn bộ máy chánh quyền đang diễn tiến từng ngày, hợp lòng dân mong đợi.