Linh thiêng Đền Khe Rồng

Đền Khe Rồng (hay còn gọi là đền Đức Ông) nằm ở khu phố Vĩnh Long 1, thị trấn Bến Sung (Như Thanh). Sở dĩ di tích có tên là Khe Rồng bởi đền nằm trên bờ sông có tên Khe Rồng chảy uốn lượn như con rồng.

Đền Khe Rồng.

Đền Khe Rồng.

Theo sách “Tên làng xã Thanh Hóa“, tập 1: "Đền Khe Rồng được xây dựng từ thời Hậu Lê (cuối thế kỷ XV), là nơi thờ đạo Mẫu. Tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Khe Rồng là Mẫu Tam Phủ.

Hệ thống thờ tự trong thần điện gồm: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn. Ngoài ra, còn thờ nhân vật có tôn hiệu Đức Ông. Truyền thuyết vào những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống giặc Minh, theo kế hoạch của Nguyễn Chích, Bình Định vương Lê Lợi tiến quân vào Nghệ An làm chỗ đứng quân để tiến ra Bắc quét sạch quân Minh. Khi tiến vào Nghệ An, nghĩa quân dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bình Định vương Lê Lợi đã liên tiếp giành thắng lợi lớn".

Tại làng Đa Căng (nay là xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống ngày nay), Lê Lợi đã trực tiếp chỉ huy hạ thành Đa Căng, giết hết hơn một nghìn tên giặc và buộc chúng phải rút về Tây Đô (Vĩnh Lộc). Trên đường rút chạy, trong đám tàn quân có tên chủ soái đã tổ chức lực lượng quay lại vây ráp nghĩa quân của Lê Lợi. Ở vào thế bị động, nghĩa quân và Lê Lợi đã tìm đường rút chạy về phía Tây Nam. Khi vua Lê chạy đến hồ Ông Quận (nay thuộc thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh) có một người câu cá đã cải trang làm vua để giặc Minh bắt. Vì lầm tưởng là chủ soái của nghĩa quân, giặc Minh đã đem ra giết ngay tại chỗ. Nhờ hành động hy sinh này mà Bình Định vương Lê Lợi cùng nghĩa quân thoát khỏi vòng vây kẻ thù. Từ đó, thuận đường nghĩa quân tiến vào Nghệ An và liên tiếp giành thắng lợi lớn. Khi đất nước sạch bóng thù, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế đặt niên hiệu là Thuận Thiên. Nhớ công lao người đã cứu mình, nhà vua đã cho lập đền thờ Đức Ông tại hồ và đặt tên là hồ Ông Quận (thuộc khu phố Hải Ninh, thị trấn Bến Sung ngày nay). Tương truyền, trước đây đền Khe Rồng là một công trình kiến trúc có quy mô lớn. Tuy nhiên, trải qua biến cố thời gian và các cuộc chiến tranh, có thời gian đền Khe Rồng chỉ còn dấu tích của công trình kiến trúc cũ như cột đá, chân tảng, bệ thờ đá...

Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Như Thanh Đinh Xuân Thắng, cho biết: "Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, năm 1995, đền Khe Rồng đã được Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh cấp tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân thị trấn Bến Sung nói riêng và người dân trong huyện nói chung, năm 2008 bằng nguồn ngân sách địa phương và các nhà hảo tâm, đền Khe Rồng đã được tu bổ, tôn tạo theo kiến trúc truyền thống với quy mô kiến trúc: cổng, đền, đền chính và nhà khách. Hệ thống thờ tự, gồm: cung cấm, trung đường, tiền đường".

Đền Khe Rồng là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân trong vùng và du khách thập phương. Kể từ khi được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh cấp tỉnh đến nay, UBND thị trấn Bến Sung, ban quản lý di tích đền Khe Rồng và người dân trong vùng đã thực hiện tốt công tác bảo tồn, tu bổ di tích, phát huy tốt giá trị của di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh cấp tỉnh.

Hằng năm, vào ngày mùng 1 tháng 3 âm lịch người dân thị trấn Bến Sung lại nô nức tổ chức lễ hội rước bóng đền Khe Rồng. Lễ hội được tổ chức với các nghi thức tế lễ, diễn xướng truyền thống, như: múa thiêng, hầu đồng, hát văn. Lễ hội rước bóng đền Khe Rồng là dịp để người dân và du khách thập đến dâng hương, vãn cảnh, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng bội thu...

Bài và ảnh: Khắc Công

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/linh-thieng-den-khe-rong-246789.htm
Zalo