Linh hoạt thích ứng để phát triển và nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe người dân
Những năm qua, ngành Y tế Vĩnh Phúc luôn nỗ lực triển khai các giải pháp linh hoạt, sáng tạo và phù hợp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh và các yếu tố tác động từ sự thay đổi môi trường sống ngày càng phức tạp.
Kinh tế phát triển, Vĩnh Phúc có điều kiện thuận lợi để thực hiện các chính sách y tế. Sở Y tế chủ động tham mưu tỉnh ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch phát triển hệ thống y tế theo hướng hiện đại, bền vững.
Đến nay, hệ thống y tế công lập của tỉnh phát triển mạnh mẽ với 21 đơn vị từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Các cơ sở y tế trực thuộc bộ, ngành và ngoài công lập cũng không ngừng phát triển.
Hằng năm, Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan triển khai các dự án đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm; mua sắm, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các đơn vị y tế.
Năm 2021, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh quy mô 500 giường bệnh hoàn thành và đưa vào sử dụng; năm 2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đưa vào sử dụng với quy mô 1.000 giường bệnh. Nhiều trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện cũng được xây dựng, nâng cấp như TTYT huyện Tam Đảo (giai đoạn 3), TTYT thành phố Phúc Yên (giai đoạn 2), TTYT huyện Lập Thạch (giai đoạn 1).
Hiện, đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Giao thông vận tải, TTYT huyện Tam Dương, TTYT huyện Vĩnh Tường (giai đoạn 4).
Mạng lưới y tế cơ sở không ngừng được củng cố và hoàn thiện, 136/136 trạm y tế tuyến xã có bác sĩ làm việc; 58/136 xã, phường, thị trấn đủ điều kiện đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
Xác định con người là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, ngành Y tế tỉnh chú trọng phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân lực trình độ cao về làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.


Cùng với việc tích cực đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh không ngừng nâng cao kỹ thuật chuyên môn, ứng dụng kỹ thuật số trong khám, chữa bệnh và quản lý bệnh viện.
Ảnh: Trà Hương
Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, y bác sĩ được quan tâm và đổi mới mạnh mẽ. Ngành Y tế tăng cường ký kết hợp tác và thực hiện nhiều chương trình đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ; phối hợp với các bệnh viện tuyến trên tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, chuyển giao kỹ thuật hiện đại, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu khoa học y tế và y sinh học, đặc biệt là trong các lĩnh vực có tiềm năng lớn.
Trong công tác chuyên môn, ngành Y tế Vĩnh Phúc đã mở rộng các dịch vụ y tế, đặc biệt là các dịch vụ y tế chất lượng cao. Đồng thời tích cực đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức, xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn và văn minh, hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người bệnh.
Các đơn vị điều trị tổ chức tốt việc thu dung, điều trị cho người bệnh. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật tiên tiến được chuyển giao thành công; tiêu biểu như lĩnh vực hồi sức cấp cứu thực hiện được các kỹ thuật siêu lọc máu, thay huyết tương, ECMO tim phổi nhân tạo…; lĩnh vực tim mạch can thiệp đã thực hiện thường quy các kỹ thuật đặt stent động mạch vành, chụp và can thiệp mạch máu não, nút mạch máu u xơ tử cung, nút mạch u gan, ứng dụng thành công kỹ thuật hybrid trong điều trị bệnh lý mạch máu phức tạp… đã cứu sống nhiều người bệnh nặng.
Việc luân phiên cán bộ từ tuyến tỉnh về tuyến huyện và tuyến huyện về tuyến xã giúp nâng cao chất lượng điều trị, chuyển giao kỹ thuật và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Đáp ứng yêu cầu trong thời đại công nghệ 4.0, ngành Y tế tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám, chữa bệnh. Việc triển khai bệnh án điện tử và hệ thống đăng ký khám bệnh qua căn cước công dân gắn chip đã giảm thiểu thời gian chờ đợi của bệnh nhân và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Hệ thống y tế từ tỉnh đến xã luôn được kết nối, liên thông, hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật vừa tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận dịch vụ y tế vừa nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho người dân và giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.
Công tác dự phòng được triển khai tích cực, kịp thời, hiệu quả. Ngành Y tế chủ động, kịp thời tham mưu tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh, quản lý bệnh không lây nhiễm, an toàn vệ sinh thực phẩm, dân số...
Các đơn vị y tế chủ động phòng, chống và thực hiện tốt công tác giám sát dịch tễ, không để dịch bệnh bùng phát thành dịch lớn. Các chương trình tiêm chủng, xét nghiệm và tuyên truyền phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm được triển khai tích cực. Ngành cũng chú trọng truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng ngừa bệnh tật và duy trì lối sống lành mạnh.
Với sự linh hoạt và sáng tạo, ngành Y tế Vĩnh Phúc ngày càng phát triển. Cơ sở hạ tầng y tế được cải thiện và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân được nâng cao. Vĩnh Phúc đạt 44,33 giường bệnh/vạn dân; 16,8 bác sĩ/vạn dân; hơn 97% người dân được khám và quản lý sức khỏe cá nhân; số lượng bệnh nhân được khám và điều trị kịp thời tăng lên, giảm thiểu tình trạng quá tải tại các bệnh viện; tình hình dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả; chất lượng sống của người dân được nâng lên...
Hướng đến xây dựng ngành Y tế Vĩnh Phúc đứng tốp 10 cả nước về tất cả chỉ số y tế, ngành Y tế tỉnh tiếp tục phát huy thuận lợi và khắc phục khó khăn, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, thích ứng với sự phát triển của ngành, của tỉnh và sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân.