Bốn ngân hàng tại Anh bị phạt tiền vì chia sẻ thông tin nhạy cảm
Các khoản tiền phạt sẽ cao hơn đáng kể nếu những ngân hàng không thực hiện các bước đi bất thường để đảm bảo rằng điều này không xảy ra nữa.

Biểu tượng ngân hàng HSBC tại London, Anh. AFP/TTXVN
Cơ quan quản lý của Vương quốc Anh đã tuyên phạt bốn ngân hàng đang hoạt động tại nước này với tổng số tiền lên tới hơn 100 triệu bảng (127 triệu USD) do vi phạm các quy định chia sẻ thông tin nhạy cảm về nợ chính phủ của Anh mà họ đang mua bán.
Citi, HSBC, Morgan Stanley và Royal Bank of Canada (RBC) đã đồng ý nộp phạt. Trong khi đó, Deutsche Bank cũng là đối tượng bị điều tra từ năm 2018, nhưng ngân hàng này đã được miễn trừ khi báo cáo hành vi của mình cho cơ quan quản lý.
Trong cuộc điều tra kéo dài, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA) của Anh phát hiện ra rằng, từ năm 2008 đến năm 2013, một số nhà giao dịch tại các ngân hàng đã chia sẻ thông tin nhạy cảm trong những cuộc trao đổi với hãng tin Bloomberg liên quan đến việc mua và bán trái phiếu chính phủ Anh vào những ngày cụ thể.
Sau khi CMA công bố các lỗi vi phạm, do RBC, Morgan Stanley và HSBC đã hợp tác giải quyết vụ việc nên ba ngân hàng này đã được giảm 10% tiền phạt và lần lượt phải nộp phạt là 34,2 triệu bảng, 29,7 triệu bảng và 23,4 triệu bảng.
Riêng Citi bank chỉ bị phạt 17,2 triệu bảng vì đã sớm hợp tác giải quyết vụ việc.
Ngày 21/2, bà Juliette Enser, Giám đốc điều hành thực thi cạnh tranh tại CMA, cho biết các khoản tiền phạt được áp dụng hôm nay phản ánh cam kết của CMA trong việc xử lý những hành vi vi phạm luật cạnh tranh và ngăn chặn hành vi chống cạnh tranh.
Các khoản tiền phạt sẽ cao hơn đáng kể nếu những ngân hàng không thực hiện các bước đi bất thường để đảm bảo rằng điều này không xảy ra nữa.