Liên tiếp ghi nhận bệnh nhân nguy kịch vì ngộ độc rượu chứa methanol
Dù đã được cảnh báo rất nhiều, nhưng các vụ ngộ độc rượu chứa methanol (cồn công nghiệp) vẫn được ghi nhận rải rác trên địa bàn cả nước. Nạn nhân trong có trường hợp này thường có nguy cơ tử vong cao, hoặc bị ảnh hưởng sức khỏe nặng nề.
Gần đây nhất, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận 4 bệnh nhân ở Thường Tín và một bệnh nhân ở Thái Nguyên vào cấp cứu trong tình trạng ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) rất nặng. Cả 5 người này uống cùng một loại rượu.
Thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội, trước khi nhập viện, 4 bệnh nhân ở Thường Tín kể trên ăn tiệc cưới tại gia đình bà N.T.H. (thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín). Tiệc cưới có 15 mâm/90 người ăn, trong đó có rượu ngâm táo mèo. Loại rượu này được gia đình bà N.T.H. mua của ông P.Q.T. (ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) với số lượng 30 lít.
Đến chiều cùng ngày, 4 bệnh nhân này và một người đàn ông tên là Đ.V.C. (56 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) tiếp tục uống rượu còn lại trong tiệc cưới tại nhà của một người trong nhóm. Mỗi người uống khoảng 500ml đến 1.000ml. Sau đó, các bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu... được gia đình đưa vào bệnh viện điều trị.
Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm cho thấy 4 bệnh nhân ngộ độc methanol có nồng độ methanol trong máu từ 51mg/dL đến 188,8mg/dL. Rượu ngâm táo mèo cũng là rượu nghi ngờ gây ra vụ ngộ độc nói trên.
BS Nguyễn Hồng Tốt - khoa Hồi sức nội và chống độc, Trung tâm Hồi sức (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho biết: “Trên thị trường hiện nay có rất nhiều các loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha đang được lưu hành tự do dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu. Qua phân tích từ các vụ ngộ độc rượu cho thấy, rượu trắng pha cồn công nghiệp methanol là nguyên nhân hàng đầu gây ra ngộ độc. Đây là loại ngộ độc rất nguy hiểm với tỉ lệ tử vong cao, đặc biệt là các trường hợp đến muộn. Trong trường hợp nhập viện quá trễ, bệnh nhân có thể tử vong vì suy đa cơ quan và toan chuyển hóa nặng. Rượu nào cũng có hại đối với sức khỏe, ngay cả những loại rượu đạt chất lượng sản xuất theo quy định. Còn nếu không được nhập viện, điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong ở mức rất cao, một số trường hợp may mắn được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác”.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, người uống cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.
Trước vụ việc nói trên, Cục ATTP đã có công văn gửi Sở Y tế TP Hà Nội và Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên. Tại văn bản này, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế Thái Nguyên khẩn trương triển khai phối hợp với Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên dừng lưu thông ngay các sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc và các cơ quan chức năng trên địa bàn tiến hành truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc trong vụ việc trên, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP theo quy định (nếu có). Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội khẩn trương phối hợp với Sở Công thương thành phố Hà Nội điều tra, ngăn chặn việc sử dụng, lưu thông sản phẩm rượu này trên địa bàn.
Phối hợp với Sở Công thương và các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công; ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường.
Tăng cường thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu; tuyệt đối không sử dụng các loại động, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc để ngâm rượu uống, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường.
Nếu chỉ bằng các giác quan thông thường,không thể phân biệt xem rượu có chứa methanol hay không. Do vậy, cách tốt nhất để phòng ngộ độc methanol do uống rượu là không uống rượu. Nếu không thể từ chối thì uống hạn chế và chỉ uống rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không uống các loại rượu trôi nổi, rượu giả, rượu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Không uống rượu bán ở quán vỉa hè, không uống loại rượu rẻ tiền. Nên thử chút rượu trước khi uống, tốt nhất là trong trường hợp có nhu cầu uống rượu, nên uống ít và quan trọng nhất là lựa chọn sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi uống rượu thấy mệt và cảm giác say nhanh thì nên dừng ngay lập tức.