Liên kết sản xuất lúa giúp nông dân Long An tự tin làm chủ trên đồng ruộng, vươn ra thị trường lớn

Long An, một trong những vựa lúa trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long, đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa. Đóng góp không nhỏ vào sự thay đổi tích cực này chính là mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới đang ngày càng khẳng định vai trò là cầu nối vững chắc giữa nông dân và thị trường, giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và từng bước vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Mới đây, Liên minh Hợp tác xã (LMHTX) tỉnh Long An tổ chức Hội nghị ký kết hợp đồng hợp tác với Công ty Chơn Chính về việc bao tiêu sản phẩm lúa thương phẩm cho các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh.

Liên kết 3 nhà sản xuất lúa, gạo

Lễ ký kết hợp đồng ghi nhớ giữa LMHTX tỉnh Long An và Công ty TNHH Chơn Chính đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc tăng cường hợp tác giữa HTX và doanh nghiệp, nhằm nâng cao vị thế, vai trò của kinh tế tập thể và HTX trong nền kinh tế, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm lúa thương phẩm của các HTX; đồng thời, tạo mối quan hệ hợp tác bền vững giữa các bên.

Lễ ký kết hợp đồng ghi nhớ giữa LMHTX tỉnh Long An và Công ty TNHH Chơn Chính đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc tăng cường hợp tác giữa HTX và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An.

Lễ ký kết hợp đồng ghi nhớ giữa LMHTX tỉnh Long An và Công ty TNHH Chơn Chính đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc tăng cường hợp tác giữa HTX và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An.

Sở dĩ nói đây là bước ngoặt là bởi trước đây, điệp khúc "được mùa, mất giá" hay nỗi lo đầu ra bấp bênh luôn là bài toán nan giải đối với người trồng lúa Long An. Việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết khiến nông dân thường xuyên bị ép giá, lợi nhuận thu về không tương xứng với công sức bỏ ra. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, với sự định hướng và hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền, đặc biệt là vai trò của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Long An, nhiều nông dân đã tự nguyện tham gia vào các HTX. Chính sự liên kết này đã tạo nên sức mạnh tập thể, giúp thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và quan trọng nhất là đảm bảo đầu ra ổn định cho hạt gạo Long An.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, các HTX trồng lúa trên địa bàn tỉnh Long An đã không ngừng tìm kiếm, kết nối với các doanh nghiệp uy tín để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững. Thay vì để nông dân tự "bơi" như trước, các HTX đứng ra làm đầu mối, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp ngay từ đầu vụ. Điều này không chỉ giúp nông dân yên tâm sản xuất mà còn đảm bảo giá bán ổn định, tránh tình trạng bị thương lái ép giá khi vào vụ thu hoạch rộ.

Một ví dụ điển hình cho sự thành công của mô hình liên kết này là HTX Dịch vụ, Sản xuất và Thương mại Nông nghiệp Hương Trang (huyện Mộc Hóa). HTX đang sản xuất lúa theo mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Ông Trần Văn Sửa, giám đốc HTX cho biết, HTX đang sản xuất lúa theo mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Với 600ha lúa, HTX Dịch vụ, Sản xuất và Thương mại Nông nghiệp Hương Trang hiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa, đồng bộ cơ giới hóa 100% từ khâu làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản lúa. Đồng thời, HTX thực hiện chặt chẽ chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra ổn định cho các thành viên.

Các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa, giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng phân bón hữu cơ sinh học,... góp phần thay đổi tập quán canh tác và được nông dân mạnh dạn áp dụng, mang lại hiệu quả sản xuất cao.

Một thành viên của HTX cho biết, trước đây, gia đình sản xuất theo kiểu truyền thống, năng suất bấp bênh, thường xuyên bị thương lái ép giá. Từ khi tham gia HTX và triển khai sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, năng suất ổn định hơn trước, giảm chi phí sản xuất, lại được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Do đó, gia đình mạnh dạn đầu tư, nhân rộng trồng lúa ứng dụng công nghệ cao trên toàn bộ 6ha của gia đình.

Tương tự, HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm thành lập năm 2017 tại ấp Gò Xoài, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, đã và đang đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, góp phần giảm nghèo, làm giàu cho các thành viên.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngay từ khi thành lập, HTX Cây Trôm đã tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ nông nghiệp như tưới tiêu, thu mua lương thực, cung cấp giống cây trồng, kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. HTX cũng dồn lực đầu tư vào cơ giới hóa với việc xây dựng thêm trạm bơm, nâng cấp hệ thống máng tưới nội đồng và sử dụng máy bay để phun thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, quy trình sản xuất được cơ giới hóa đến 90%, giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất.

HTX đã thiết lập mối quan hệ với các công ty như An Nông, Con Cò Vàng, Olam Agri Việt Nam và Farm Angle để đảm bảo đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia các trang thương mại điện tử và đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc để quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Nhờ việc xây dựng chuỗi giá trị sản xuất hiệu quả và bền vững, thu nhập của các thành viên HTX đã tăng lên khoảng 15-30% so với trước khi tham gia HTX. Việc sản xuất theo hướng hữu cơ cũng giúp tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận thêm khoảng 4-5 triệu đồng/ha.

Điểm tựa giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu

Sự liên kết này không chỉ dừng lại ở cấp độ HTX với doanh nghiệp mà còn mở rộng ra liên kết giữa các HTX với nhau để tạo thành những vùng sản xuất lớn, đồng nhất về chất lượng. Điều này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của hạt gạo Long An trên thị trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng thương hiệu gạo địa phương.

Các HTX còn chủ động tham gia các hội chợ, triển lãm nông nghiệp để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác mới, mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhiều HTX đã đầu tư vào hệ thống sấy, kho chứa để bảo quản lúa sau thu hoạch, giảm thiểu tổn thất và nâng cao giá trị sản phẩm.

Long An đang là 1 trong 12 tỉnh, thành phố Vùng Ðồng bằng sông Cửu Long thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu long đến năm 2030.

Long An đang là 1 trong 12 tỉnh, thành phố Vùng Ðồng bằng sông Cửu Long thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu long đến năm 2030.

Sự ra đời và phát triển của các HTX nông nghiệp kiểu mới như trên đã thực sự trở thành điểm tựa vững chắc cho hàng ngàn hộ nông dân trồng lúa ở Long An. Tham gia vào HTX, nông dân không chỉ được đảm bảo về đầu ra sản phẩm mà còn được hưởng nhiều lợi ích thiết thực khác.

Về mặt kinh tế, thu nhập của các thành viên HTX được cải thiện rõ rệt. Nhờ có hợp đồng bao tiêu, giá lúa ổn định ở mức cao hơn so với việc bán tự do cho thương lái. Bên cạnh đó, việc áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, sử dụng giống chất lượng cao giúp tăng năng suất và chất lượng lúa, từ đó tăng thêm lợi nhuận.

Anh Nguyễn Văn Minh, một thành viên của HTX Nông nghiệp Gò Gòn (huyện Tân Hưng), phấn khởi cho biết: "Trước đây, làm lúa vất vả mà lời lãi chẳng được bao nhiêu, có khi còn lỗ vì giá cả bấp bênh. Từ khi vào HTX, được hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu đầu ra, năng suất lúa tăng, giá bán cũng cao hơn. Gia đình tôi không chỉ thoát nghèo mà còn có của ăn của để, con cái được học hành đàng hoàng."

Về mặt kỹ thuật và kiến thức, các HTX thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới cho thành viên. Nông dân được tiếp cận với các phương pháp canh tác hiện đại, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, giúp giảm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường. Việc sản xuất theo quy trình chung cũng giúp tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, dễ dàng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.

HTX còn là nơi để nông dân chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, tạo nên sự gắn kết cộng đồng. Thay vì mạnh ai nấy làm, các thành viên HTX cùng nhau bàn bạc, đưa ra các giải pháp tối ưu cho sản xuất, cùng nhau đối mặt và vượt qua khó khăn. Nhiều HTX còn đứng ra tín chấp cho thành viên vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng để đầu tư tái sản xuất, mở rộng quy mô.

Nâng cao vai trò ‘bà đỡ’ trong sản xuất nông nghiệp

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Long An, địa phương này đang là 1 trong 12 tỉnh, thành phố Vùng Ðồng bằng sông Cửu Long thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu long đến năm 2030.

Theo số liệu, Long An hiện đứng thứ 4 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng lúa, đạt hơn 2,7 triệu tấn/năm. Năm 2024, diện tích gieo trồng lúa ước đạt 530.900 ha, năng suất trung bình 59,1 tạ/ha, sản lượng dự kiến hơn 3,18 triệu tấn, vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao chiếm 72%, tương đương 2,29 triệu tấn. Tuy nhiên, tình trạng tiêu thụ lúa vẫn gặp khó khăn, đặc biệt về giá cả và đầu ra.

Trên địa bàn hiện có nhiều HTX đang tham gia sản xuất theo Đề án, điển hình là HTX Đồng Đưng (xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường) có 4ha lúa trong số 10ha lúa thực hiện mô hình điểm của tỉnh thuộc Đề án. Sau thời gian canh tác, hiệu quả mang lại khá tích cực, lượng giống, phân bón và thuốc đều giảm so với canh tác truyền thống. Năng suất lúa trong mô hình từ 8-9 tấn/ha, bằng năng suất lúa ngoài mô hình nhưng chi phí sản xuất thấp hơn từ 2-2,5 triệu đồng/ha”.

Giám đốc HTX Đồng Đưng - Nguyễn Minh Tâm cho biết, HTX cũng sẵn sàng thay đổi quan niệm canh tác, hướng tới sản xuất xanh, cho năng suất cao. HTX không đốt rơm trên đồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng được nguồn rơm để tụ dưới gốc cây mít, sầu riêng, dùng chế phẩm sinh học phân hủy làm phân bón cho cây trồng.

Được biết, để đảm bảo các mục tiêu đề ra, Liên minh HTX tỉnh Long An đã tích cực triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ các HTX. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, HTX trong phát triển kinh tế - xã hội. Liên minh HTX tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, các lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý HTX, kỹ năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX.

Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh còn đóng vai trò là cầu nối quan trọng giúp các HTX tiếp cận với các chính sách ưu đãi của nhà nước về vốn, đất đai, khoa học công nghệ. Tổ chức này thường xuyên phối hợp với các sở, ngành liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho HTX trong quá trình hoạt động. Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh rất chú trọng đến việc hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhiều HTX đã được hỗ trợ tham gia các chương trình OCOP, giúp nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng quá trình phát triển của các HTX trồng lúa ở Long An vẫn còn nhiều thách thức phía trước như vấn đề biến đổi khí hậu, yêu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng và an toàn thực phẩm, hay năng lực quản lý của một số HTX còn hạn chế.

Tuy nhiên, với sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp chính quyền, sự đồng hành của Liên minh HTX các cấp và đặc biệt là sự năng động, sáng tạo của chính các HTX và bà con nông dân, tin tưởng rằng mô hình kinh tế tập thể trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo ở Long An sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Những cánh đồng lúa liên kết, những hạt gạo chất lượng cao mang thương hiệu Long An sẽ không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn mang lại cuộc sống ấm no, sung túc cho người nông dân, đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh nhà. Con đường liên kết sản xuất thông qua HTX chính là hướng đi đúng đắn, giúp nông dân Long An tự tin làm chủ trên đồng ruộng của mình và vươn ra thị trường lớn.

Quốc Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/lien-ke-t-sa-n-xua-t-lu-a-giu-p-nong-dan-long-an-tu-tin-lam-chu-tren-dong-ruong-vuon-ra-thi-truong-lon-1106784.html
Zalo