Liên kết chuỗi - trợ lực để tăng sức cạnh tranh

Việc tăng cường hợp tác giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước, cũng như mở rộng liên kết giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân chính là giải pháp để vượt qua khó khăn.

Petrovietnam đã liên tiếp ký các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác với nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước khác. Ảnh: A.N/BNEWS

Petrovietnam đã liên tiếp ký các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác với nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước khác. Ảnh: A.N/BNEWS

Trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động khó lường đang gây nhiều tác động bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam, việc tăng cường hợp tác giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước, cũng như mở rộng liên kết giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân chính là giải pháp để vượt qua khó khăn, tận dụng lợi thế lẫn nhau để cùng phát triển và nâng sức cạnh tranh.

Ngay sau khi chính thức chuyển định danh mới là Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), tập đoàn kinh tế nhà nước này đã liên tiếp ký các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác với nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước khác tại Việt Nam cũng như các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn.

Theo đó, Petrovietnam đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vào ngày 10/4; ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vào ngày 15/4. Tiếp đó ngày 21/4, Petrovietnam đã có buổi làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát) để thống nhất việc nghiên cứu nhằm xúc tiến các hoạt động hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau, tận dụng ưu thế để khai thác tốt nhất thế mạnh và tiềm năng của hai tập đoàn. Cũng trong ngày 21/4, Petrovietnam đã có buổi làm việc với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), một trong “big four” tại Việt Nam nhằm bảo đảm nguồn vốn ổn định, linh hoạt cho các dự án trọng điểm như dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2 hay dự án khí điện Lô B - Ô Môn, tạo cơ sở để xây dựng hệ sinh thái tài chính - công nghiệp hiện đại.

Chủ tịch Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết, việc chuyển đổi mô hình không đơn thuần là thay đổi tên gọi mà là cuộc “cách mạng” trong tư duy phát triển, cấu trúc và định vị chiến lược của Petrovietnam. Theo định hướng mới, Petrovietnam xây dựng 3 trụ cột phát triển gồm: năng lượng (cốt lõi), công nghiệp và dịch vụ; trong đó, trụ cột năng lượng bao gồm cả năng lượng truyền thống và năng lượng mới, năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, năng lượng biển, lưu trữ CO₂, hydrogen, amoniac xanh...

Petrovietnam xây dựng 3 trụ cột phát triển. Ảnh: A.N/BNEWS

Petrovietnam xây dựng 3 trụ cột phát triển. Ảnh: A.N/BNEWS

"Bên cạnh việc xây dựng hơn 30 chuỗi liên kết đầu tư và sản xuất, góp phần hình thành hệ sinh thái công nghiệp hiện đại và đồng bộ, với sứ mệnh và tầm nhìn mới, Petrovietnam tiếp tục triển khai hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân hàng đầu của đất nước, cũng như các đối tác nước ngoài, không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà ở cả các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ khác. Việc hợp tác này giúp tối ưu hóa nguồn lực, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tăng cường hợp tác, liên kết, phát huy thế mạnh, mở rộng dư địa kinh doanh, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và của Petrovietnam", ông Lê Mạnh Hùng chỉ rõ.

Nhìn nhận những lợi ích to lớn của việc liên kết chuỗi doanh nghiệp, Chủ tịch TKV Ngô Hoàng Ngân cho biết, TKV và Petrovietnam là hai trụ cột năng lượng quốc gia nên sẽ cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hợp tác thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Với vai trò quan trọng trong lĩnh công nghiệp, năng lượng của đất nước, TKV đang là nhà cung cấp than lớn nhất Việt Nam, giữ vai trò then chốt trong lĩnh vực khai thác, chế biến và kinh doanh than - khoáng sản, đặc biệt là cung ứng than cho sản xuất điện.

Trong giai đoạn tới, TKV đặt mục tiêu phát triển thành tập đoàn kinh tế mạnh, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhà nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Theo Chiến lược phát triển đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, TKV tập trung vào các lĩnh vực chính: công nghiệp than; công nghiệp bô xít - alumin - nhôm; công nghiệp khoáng sản khác và công nghiệp điện. Vì vậy, việc hợp tác toàn diện với Petrovietnam không chỉ là sự gắn kết của hai tập đoàn năng lượng trụ cột mà còn là bước đi thiết thực, cụ thể hóa định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả liên kết giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước trong các hoạt động chuyển đổi năng lượng, phát triển xanh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Trong khi đó, với vai trò là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nền tảng của đất nước, việc hợp tác toàn diện giữa Petrovietnam và Vinachem được kỳ vọng sẽ giúp hai tập đoàn này phát huy những lợi thế và nguồn lực hiện có, mở ra cơ hội cùng bứt phá trên cơ sở đổi mới công nghệ, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo đó, Petrovietnam và Vinachem thỏa thuận cùng nghiên cứu, sản xuất các nguyên liệu, vật liệu và hóa chất chuyên dụng phục vụ ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp bán dẫn - lĩnh vực đòi hỏi hàm lượng khoa học công nghệ tiên tiến và đang được cả thế giới quan tâm. Vinachem với thế mạnh về công nghệ hóa sẽ phối hợp cùng Petrovietnam - đơn vị có năng lực tài chính và kinh nghiệm quản lý dự án lớn - xây dựng chuỗi cung ứng nội địa, góp phần đặt nền móng cho ngành bán dẫn Việt Nam.

Không chỉ dừng ở đó, hai tập đoàn cũng hướng tới sản xuất các sản phẩm công nghệ cao phục vụ các ngành năng lượng mới, điện tử và tự động hóa, cũng như thống nhất thúc đẩy hợp tác đầu tư, góp vốn vào các dự án trọng điểm trong nhiều lĩnh vực nhằm mở rộng quy mô hoạt động và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Mặc dù liên kết chuỗi doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích to lớn, nhưng theo các chuyên gia hiện Việt Nam vẫn thiếu chính sách đặc thù thúc đẩy các hình thức liên kết doanh nghiệp, nhất là chính sách ưu đãi về thuế, tiếp cận vốn, bảo lãnh tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh theo mức độ tham gia liên kết chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Quy định hiện hành chưa đủ thuận lợi cho hoạt động tiếp cận các hình thức cấp vốn theo chuỗi giá trị.

Vì vậy, tại “Diễn đàn Doanh nghiệp 2025: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức nâng cao năng lực cạnh tranh" mới diễn ra, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) Trần Thị Hồng Minh khẳng định, việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, pháp luật, môi trường kinh doanh để thúc đẩy liên kết chuỗi doanh nghiệp là thực sự cần thiết.

Cũng theo bà Minh, các giải pháp đồng bộ cần sớm thực hiện chính là tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, tập trung vào thực hiện một số giải pháp đồng bộ như phát triển nền tảng số của Việt Nam để thúc đẩy kết nối doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chia sẻ thông tin, tìm kiếm đối tác và tận dụng nguồn lực chung; tập trung xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu, giúp doanh nghiệp dễ dàng truy cập thông tin thị trường, xu hướng ngành và cơ hội hợp tác...

Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lien-ket-chuoi-tro-luc-de-tang-suc-canh-tranh/372129.html
Zalo