Doanh nghiệp dệt may thích ứng với chính sách thuế mới

Với mức thuế 10%, thời gian áp dụng trong 90 ngày được coi là 'thời gian vàng' để các doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời, những áp lực từ bên ngoài cũng đang tạo ra 'cú hích' cần thiết để các doanh nghiệp dệt may rời vùng an toàn, hướng tới một nền sản xuất thông minh, bền vững và chủ động hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Các doanh nghiệp dệt may cần mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các doanh nghiệp dệt may cần mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đa dạng hóa các thị trường

Ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dệt may là ngành chịu ảnh hưởng rất lớn từ thuế đối ứng của Mỹ. Năm 2024, dệt may Việt Nam xuất khẩu được 43,6 tỷ USD, trong đó 16,6 tỷ USD xuất sang Mỹ, chiếm 15% tổng lượng nhập khẩu dệt may của Mỹ, đứng thứ hai sau Trung Quốc.

Về nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành Dệt may, hiện mỗi năm nhập 24,8 tỷ USD, chủ yếu từ Trung Quốc với 62%. Do vậy, khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc xảy ra, dệt may Việt Nam sẽ ảnh hưởng rất lớn, vì đây đều là thị trường xuất khẩu và nhập khẩu lớn nhất.

“Mỹ áp thuế sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó lo ngại nhất là đầu tư nước ngoài. Hiện có đến 60% tỉ trọng xuất khẩu dệt may Việt Nam là của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Trong 50 doanh nghiệp lớn nhất xuất khẩu sang Mỹ, có trên 30 doanh nghiệp là đầu tư nước ngoài. Nghĩa là nếu chúng ta không đàm phán được mức thuế phù hợp, thì sẽ rất khó khăn vì số doanh nghiệp này sẽ hạn chế, thu hẹp sản xuất hoặc rút khỏi thị trường Việt Nam”, ông Cẩm thông tin.

Còn ông Đinh Trịnh Dũng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May II Hải Dương cho biết, doanh nghiệp này đã ký các đơn hàng, đủ việc làm đến hết tháng 8/2025. Trong đó, Mỹ là một trong những thị trường truyền thống của doanh nghiệp và chiếm khoảng 30%.

Việc Mỹ áp dụng thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam sẽ gây ra những ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Song, việc Chính phủ Mỹ hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày và giảm mức thuế này xuống 10% cũng là thời cơ để các doanh nghiệp chủ động sắp xếp lại hoạt động, sẵn sàng ứng phó với tình hình mới.

Để tránh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ chính sách thuế quan của Mỹ, đến nay, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt chuyển hướng tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới như Hàn Quốc, thị trường EU, Đông Bắc Á…

“Trước mắt, chúng tôi chủ động tăng cường xuất khẩu vào các thị trường còn lại như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức… để giảm thiểu những tác động từ thuế đối ứng của Mỹ. Còn về lâu dài, May II Hải Dương sẽ mở rộng thị trường, tiếp cận những thị trường mới để giữ nguyên được tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa ổn định. Tuy nhiên, việc chuyển đổi thị trường cũng phải mất từ 2 - 3 năm. Hiện, doanh nghiệp đã và đang tiến tới thị trường châu Âu, thử sức với những đơn hàng khó” , ông Dũng bày tỏ.

Làm chủ năng lực sản xuất, công nghệ và thị trường

Mức thuế tăng không đơn thuần chỉ là bài toán chi phí, mà còn là tín hiệu cảnh báo về tính bền vững trong cấu trúc thị trường xuất khẩu của ngành Dệt may Việt Nam. Sự phụ thuộc lớn vào một vài thị trường chủ lực khiến doanh nghiệp dễ bị tổn thương trước biến động địa chính trị và thay đổi chính sách từ bên ngoài. Do đó, ngoài việc tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh gọn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình quản trị và sản xuất, các doanh nghiệp cũng có thể chuyển dịch mô hình từ “làm theo đơn hàng” sang “thiết kế - sở hữu thương hiệu” để có vị thế đàm phán tốt hơn khi vào thị trường mới.

Theo nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, với mức thuế 10%, thời gian áp dụng trong 90 ngày được coi là “thời gian vàng” để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải bảo đảm chế độ tốt nhất cho người lao động nhằm gia tăng hiệu quả, có nguồn lực dự trữ, bù đắp cho khả năng bị sụt giảm đơn hàng sau này.

Đến thời điểm hiện tại, lượng đơn hàng may đang được duy trì và các doanh nghiệp cũng đang dồn lực sản xuất với tốc độ cao nhất nhằm hiện thực hóa kết quả cả năm càng sớm càng tốt. Sau giai đoạn này, có thể sẽ hình thành mặt bằng mới về thuế và giá, lúc đó doanh nghiệp phải chấp nhận sự biến động này.

Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực của dệt may Việt Nam nên mục tiêu phải duy trì, không chỉ đơn thuần là lợi nhuận, doanh thu mà còn là vị thế của dệt may Việt Nam tại thị trường Mỹ. Bởi đây là thị trường dẫn đầu, khi đã khẳng định được chỗ đứng, mở rộng thị phần, điều tất yếu vị thế của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được nâng cao và thu hút sự quan tâm từ các khách hàng lớn.

Theo ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ngay trong quý II này, toàn hệ thống dệt may triển khai nhanh các đơn hàng đã có bằng cách bố trí sản xuất tăng thời gian làm thêm giờ theo quy định, có giải pháp tăng năng suất nhằm tối đa hóa lợi nhuận quý II, làm khoản dự trữ cho nửa cuối năm khó dự báo.

Các đơn vị phải tận dụng triệt để thời cơ ngắn hạn trong 90 ngày để có đủ nguồn lực kiên định với những mục tiêu lâu dài. Việc hoàn thành tốt các đơn hàng trong giai đoạn này sẽ thể hiện rõ năng lực bứt phá, trách nhiệm cũng như những cam kết mạnh mẽ đối với khách hàng, tạo dựng uy tín và lợi thế cạnh tranh của ngành Dệt may Việt Nam trong giai đoạn tới.

“Bên cạnh chiến dịch sản xuất, Tập đoàn cũng chỉ đạo các bộ phận liên quan tìm hiểu chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, ưu tiên sử dụng nguồn vải của doanh nghiệp trong hệ thống nếu đạt yêu cầu về chất lượng, hỗ trợ doanh nghiệp phân loại từng mặt hàng, thị trường có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các chính sách thuế mới để có cơ sở đàm phán với khách hàng và tìm kiếm hướng đi phù hợp.

Tập đoàn cũng tập trung yêu cầu minh bạch về quy tắc xuất xứ cũng như tuân thủ quy định về chống gian lận thương mại. Đồng thời, định hướng doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường, khách hàng để tránh phụ thuộc vào một vài thị trường sẵn có”, ông Trường khẳng định.

Đến ngày 15/4, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 11,8 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2024; các thị trường xuất khẩu chính đều duy trì mức tăng trưởng tích cực (thị phần tại Mỹ tăng từ 36,3% lên 38%; Liên minh châu Âu từ 9,1% lên 9,4%; Nhật Bản từ 10,8% lên 11%…).

Nguyệt Hà

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/doanh-nghiep-det-may-thich-ung-voi-chinh-sach-thue-moi.html
Zalo