Liêm chính khoa học ở bậc phổ thông phải được làm nghiêm

Trong trường hợp dự án đạt giải bị hủy kết quả và giải thưởng bị thu hồi nhà trường, giáo viên hướng dẫn có thể vi phạm ra sao?

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã ký Quyết định số 1034/QĐ-BGDĐT về việc hủy kết quả đạt giải Nhất Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông năm 2024 - 2025.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định hủy kết quả đạt giải Nhất và thu hồi giải thưởng của dự án “Hệ thống phân loại rác thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo và cảm biến âm thanh", lĩnh vực Hệ thống nhúng, đơn vị dự thi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên trong Cuộc thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông năm 2025.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định hủy kết quả đạt giải Nhất và thu hồi giải thưởng của dự án “Hệ thống phân loại rác thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo và cảm biến âm thanh" đã nhận được sự ủng hộ của dư luận, cũng như là lời cảnh báo đến các dự án tham gia dự thi thiếu trung thực trong các năm sau.

 Dự án bị hủy kết quả. Ảnh: Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân.

Dự án bị hủy kết quả. Ảnh: Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân.

Thầy Nguyễn Quốc Đạt ở Hà Nội chia sẻ: “Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định hủy kết quả đạt giải Nhất và thu hồi giải thưởng của dự án “Hệ thống phân loại rác thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo và cảm biến âm thanh" hoàn toàn chính xác, được giáo viên, học sinh ủng hộ.

Tôi có theo dõi các cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật các cấp, của các địa phương, sau khi công bố kết quả có rất nhiều bình luận trái chiều, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông.

Tôi thấy nhiều dự án có hàm lượng chất xám, hàm lượng khoa học kỹ thuật "quá tầm" so với bậc phổ thông, thầy cô hướng dẫn cũng khó hiểu rõ chứ chưa nói tới kiến thức của học sinh.

Nếu còn duy trì cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, cần phải yêu cầu cao hơn về vấn đề liêm chính khoa học, không để xảy ra tình trạng cứ sau mỗi cuộc thi lại có lùm xùm như thời gian qua.

Kết quả cuộc thi có thể giúp học sinh làm đẹp hồ sơ xin học bổng du học, tuyển thẳng đại học …. Chính vì thế, không ít giáo viên, học sinh đã "lơ" quy định về sự trung thực, yếu tố tiên quyết trong nghiên cứu khoa học".

Trong trường hợp dự án đạt giải bị hủy kết quả và giải thưởng bị thu hồi nhà trường, giáo viên hướng dẫn có thể vi phạm những quy định nào?

Theo tìm hiểu của người viết, giáo viên hướng dẫn dự án thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật không trung thực có dấu hiệu vi phạm nhiều quy định liên quan.

Thứ nhất, dấu hiệu vi phạm quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 69 Luật Giáo dục: Nhiệm vụ của nhà giáo

2. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, điều lệ nhà trường, quy tắc ứng xử của nhà giáo.

3. Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.

4. Học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học.

Giáo viên hướng dẫn dự án thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật không trung thực là không gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, tuân thủ quy định của pháp luật, chưa giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo, nêu gương tốt cho người học.

Thứ hai, dấu hiệu vi phạm về phẩm chất chính trị, đạo đức nhà giáo.

Căn cứ Khoản 2 Điều 6 Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về đạo đức nhà giáo ghi rõ: "Không gian lận, thiếu trung thực trong học tập, nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục".

Giáo viên hướng dẫn dự án thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật không trung thực là phản giáo dục, gian lận, thiếu trung thực trong học tập, nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục.

Thứ ba, dấu hiệu vi phạm quy định của Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Điểm b Khoản 1 Điều 31 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ghi rõ một trong những điều không được làm của giáo viên là: "Gian lận trong kiểm tra, thi, tuyển sinh; gian lận trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén nội dung dạy học, giáo dục".

Giáo viên hướng dẫn dự án thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật không trung thực là gian lận trong thi; nếu học sinh dùng kết quả thi để tuyển thẳng đại học, vô hình trung giáo viên tiếp tay cho gian lận trong tuyển sinh.

Giáo viên hướng dẫn cho học sinh thực hiện dự án tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật là vi phạm rất nhiều quy định liên quan trong lĩnh vực giáo dục. Vì vậy, mỗi người cần có tinh thần tự tôn, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình.

Giáo viên hướng dẫn dự án thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật không trung thực có dễ “qua mặt” được lãnh đạo nhà trường không? Với kinh nghiệm nhiều năm hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi này, người viết nhận thấy giáo viên rất khó có thể "qua mặt" được lãnh đạo nhà trường. Dự án thực hiện như thế nào lãnh đạo nhà trường là người nắm rất rõ.

Lãnh đạo nhà trường nắm rõ tiến trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật của giáo viên và học sinh, nên lãnh đạo biết rõ dự án học sinh dự thi có trung thực hay không. Tuy nhiên, có lãnh đạo vì thành tích của nhà trường nên có thể "không rõ".

Vì vậy, lãnh đạo nhà trường khó có thể vô can khi dự án đạt giải bị hủy và thu hồi giải thưởng.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-giao-duc-2019-367665.aspx

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-32-2020-TT-BGDDT-Dieu-le-truong-trung-hoc-co-so-truong-trung-hoc-pho-thong-443627.aspx

Sơn Quang Huyến

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/liem-chinh-khoa-hoc-o-bac-pho-thong-phai-duoc-lam-nghiem-post251023.gd
Zalo