Xét Giáo sư 2025: Có được thay 2 nghiên cứu sinh bằng 6 bài báo khoa học?

Nhiều thắc mắc của thầy cô dự kiến xét giáo sư, phó giáo sư về các quy định liên quan đến giảng dạy, minh chứng hồ sơ, văn bằng,... đã được HĐGSNN giải đáp.

Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2025, nhiều thầy cô đã gửi câu hỏi liên quan đến các điều kiện giảng dạy, minh chứng hồ sơ, văn bằng và hướng dẫn học viên cao học/nghiên cứu sinh,... tới Hội đồng Giáo sư Nhà nước và được giải đáp tại Chuyên mục Hỏi - Đáp trên trang thông tin điện tử chính thức của Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Định mức giờ giảng: Thỉnh giảng và cơ hữu được tính ra sao?

Cô T.N.N.A nêu trường hợp đã giảng dạy liên tục 7 năm (2018-2025), trong đó có 3 năm làm giảng viên thỉnh giảng và 4 năm là giảng viên cơ hữu, mỗi năm đảm nhận từ 400-500 tiết giảng dạy. Cô A. băn khoăn liệu trường hợp này có đủ điều kiện “cứng” về giờ giảng để được xét công nhận chức danh phó giáo sư hay không.

Tương tự, thầy H.V.N - một nghiên cứu viên đang thỉnh giảng tại 1 trường đại học, hỏi liệu chỉ cần giảng đủ 50% định mức giờ chuẩn mỗi năm có đủ điều kiện nộp phó giáo sư không.

Về vấn đề này, Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết: Ứng viên cần đối chiếu với quy định tại Khoản 3, Điều 4 của Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg, trong đó nêu rõ: Ứng viên phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và thực hiện đủ số giờ chuẩn giảng dạy theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có ít nhất 1/2 số giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp. Đối với giảng viên thỉnh giảng, yêu cầu tối thiểu là thực hiện 50% định mức giờ giảng so với giảng viên cơ hữu.

Tuy nhiên, để biết cụ thể một năm giảng bao nhiêu tiết là “đủ” theo quy định, thầy cô cần tham khảo thêm các văn bản hướng dẫn chi tiết về chế độ làm việc của giảng viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, gồm: Quyết định 64/2008/QĐ-BGDĐT; Thông tư 47/2014/TT-BGDĐT; Thông tư 20/2020/TT-BGDĐT.

Về xác nhận nhiệm vụ đào tạo - nghiên cứu khoa học, thầy H.M.T đặt nhiều câu hỏi xoay quanh Mẫu số 02 - Bản nhận xét kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học đối với giảng viên.

Về nội dung này, Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, nếu ứng viên từng là giảng viên thỉnh giảng rồi chuyển sang làm giảng viên cơ hữu trong cùng một trường thì chỉ cần nộp một bản xác nhận duy nhất theo Mẫu số 02, do chính cơ sở giáo dục đó cấp.

Đối với các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở đã thực hiện tại đơn vị công tác cũ, ứng viên cần có văn bản xác nhận theo quy định tại Khoản 5 và Khoản 8, Điều 9 của Quyết định 37/2018/QĐ-TTg, bao gồm: Bản nhận xét của người đứng đầu đơn vị về kết quả nghiên cứu (Khoản 5); Bản sao quyết định/hợp đồng giao nhiệm vụ khoa học và biên bản nghiệm thu hoặc quyết định công nhận kết quả (Khoản 8).

Trường hợp ứng viên từng hướng dẫn học viên cao học ở trường khác cũng cần có xác nhận phù hợp, theo Khoản 5, 6 và 7 của điều luật trên, tức là phải có: Nhận xét của người đứng đầu cơ sở đào tạo (Khoản 5); Bản sao quyết định giao hướng dẫn (Khoản 6); Và bản sao bằng cấp của học viên sau khi hoàn thành (Khoản 7).

Với giờ giảng thỉnh giảng tại các trường khác, mỗi trường phải có xác nhận riêng theo Mẫu số 02.

Trong trường hợp chỉ còn bản scan các giấy tờ liên quan đến giảng dạy hoặc nghiên cứu, ứng viên cần quay lại đơn vị đã ban hành để xin xác nhận hoặc chứng thực hợp lệ, nhằm đảm bảo tính pháp lý của hồ sơ.

Hồ sơ minh chứng, bản sao và các văn bằng bị mất

Về hồ sơ minh chứng, bản sao và trường hợp bị mất văn bằng, thầy T.T.N đặt câu hỏi: Với các văn bằng do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp như bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, ứng viên có cần nộp bản sao y hay chỉ cần bản scan là đủ?

Về vấn đề này, Hội đồng Giáo sư Nhà nước khẳng định: theo Khoản 9 và Khoản 14, Điều 9 của Quyết định 37/2018/QĐ-TTg, các loại giấy tờ này bắt buộc phải có bản sao công chứng hoặc bản sao chứng thực theo đúng quy định pháp luật. Bản scan thông thường sẽ không đủ giá trị pháp lý.

Trường hợp thầy T.M.H bị mất bằng đại học và chỉ còn giấy xác nhận do trường cấp, cũng được Hội đồng Giáo sư Nhà nước giải đáp rõ: bằng đại học và bằng thạc sĩ là các thành phần bắt buộc trong hồ sơ xét chức danh, không thể thay thế bằng giấy xác nhận thông thường. Như vậy, thầy cần liên hệ đơn vị cấp để xin cấp lại hoặc xác nhận đúng hình thức pháp lý.

Đối với văn bằng nước ngoài, cô P.T.T.H thắc mắc liệu có cần nộp bản dịch công chứng nếu đã có Giấy công nhận văn bằng do Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cấp hay không.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước trả lời: chỉ cần nộp bản sao văn bằng gốc kèm Giấy công nhận của Cục Quản lý chất lượng, không cần bản dịch công chứng nữa.

Một lưu ý thêm từ Hội đồng Giáo sư Nhà nước: việc hướng dẫn học viên chỉ được tính nếu ứng viên nộp được bản sao bằng cấp của người học sau khi đã tốt nghiệp, có nghĩa là học viên phải có bằng thì phần hướng dẫn đó mới hợp lệ.

Xét giáo sư: Có được thay 2 nghiên cứu sinh bằng 6 bài báo khoa học?

 Ảnh minh họa: Giảng viên và sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội

Ảnh minh họa: Giảng viên và sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội

Về việc hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh và ngành đăng ký xét chức danh, nhiều thầy cô đặt ra những tình huống thực tế.

Thầy P.L hỏi về trường hợp một học viên cao học đã bảo vệ xong luận văn nhưng chưa được cấp bằng thạc sĩ do chưa đạt chuẩn ngoại ngữ. Thầy thắc mắc liệu có thể thay thế bằng bảng điểm hoặc quyết định của hội đồng chấm luận văn được không.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước trả lời rõ: chỉ khi học viên đã chính thức được cấp bằng thạc sĩ, thì việc hướng dẫn đó mới được công nhận trong hồ sơ. Đây là quy định tại Khoản 6, Điều 6 của Quyết định 37/2018/QĐ-TTg.

Cũng theo quy định này, ứng viên chức danh phó giáo sư cần hướng dẫn ít nhất 2 học viên thạc sĩ đã được cấp bằng, hoặc thay thế bằng việc hướng dẫn ít nhất 1 nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ. Trong trường hợp không đủ số lượng học viên hoặc nghiên cứu sinh như yêu cầu, ứng viên có thể thay thế 1 học viên thạc sĩ bằng 1 công trình khoa học quy đổi, như: Bài báo khoa học; bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; sách phục vụ đào tạo; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế.

Một câu hỏi khác từ giảng viên N.Q về chức danh giáo sư: nếu chưa hướng dẫn đủ 2 nghiên cứu sinh, thì có thể thay thế cả hai bằng 6 bài báo khoa học không?

Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết: quy định chỉ cho phép thay tối đa 1 nghiên cứu sinh bằng 3 bài báo hoặc công trình khoa học; ứng viên vẫn bắt buộc phải có ít nhất 1 nghiên cứu sinh đã được cấp bằng.

Một vấn đề khác được thầy T.T.S đặt ra liên quan đến việc lựa chọn ngành xét chức danh phù hợp với chuyên môn và các công trình đã công bố. Thầy S. chia sẻ: Bản thân có bằng tiến sĩ ngành Di truyền học và chủ yếu thực hiện các nghiên cứu, công bố bài báo trong lĩnh vực Di truyền y học. Các bài viết này được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành y học như Tạp chí Y học Việt Nam, Tạp chí Y Dược học Quân sự. Vì vậy, thầy băn khoăn nếu đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư ngành Sinh học thì liệu các bài báo nêu trên có được tính điểm hay không, và nên đăng ký xét tại hội đồng ngành Y hay ngành Sinh học để phù hợp hơn.

Hội đồng Giáo sư nhà nước không trả lời trực tiếp nhưng đưa ra khuyến nghị: ứng viên cần tìm hiểu kỹ về mã ngành, chuyên ngành và danh mục tạp chí được tính điểm của hội đồng ngành dự định đăng ký. Việc chọn sai chuyên ngành hoặc công bố ở tạp chí không được công nhận sẽ dẫn đến bài báo không được tính điểm, thậm chí có thể làm hồ sơ bị loại.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/xet-giao-su-2025-co-duoc-thay-2-nghien-cuu-sinh-bang-6-bai-bao-khoa-hoc-post251047.gd
Zalo