Liêm chính học thuật không thể chỉ đến từ một phía
Ngày 07/11/2023, Chuyên đề Công an TPHCM đăng bài viết của tác giả Lưu Vĩnh Hy 'Liêm chính khoa học nhìn từ trường hợp của PGS.TS Đinh Công Hướng'. Sau khi báo phát hành, tòa soạn nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả, nhất là các nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học (KH). Chuyên đề Công an TPHCM xin chuyển đến bạn đọc một số nội dung của vấn đề đang được quan tâm, với hy vọng góp thêm những cách nhìn đa diện để nền KH nước nhà ngày càng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước; trong đó, công lao của các nhà KH cần được tôn vinh xứng đáng.
Vụ một phó giáo sư (PGS) Toán học bị tố cáo vi phạm liêm chính học thuật và phải nộp đơn xin ra khỏi hội đồng KH của một tổ chức tài trợ hoạt động KH công nghệ nổi tiếng trong nước gây xôn xao dư luận những ngày qua. Nhiều ý kiến cho rằng vị PGS chỉ làm mỗi việc là đổi chất xám lấy tiền, có thể vi phạm điều này, điều nọ trong nội quy hoặc quy chế của trường này, viện nọ, nhưng không thể bị coi là không tôn trọng liêm chính học thuật. Cũng có ý kiến cho rằng đã biết mình không có quyền mà vẫn làm thì rõ ràng là sai cả về lý cũng như về đạo đức.
Thật ra nếu đã đăng ký làm việc toàn thời gian ở một nơi mà viết bài đăng báo lại ghi nhận mình là người làm việc toàn thời gian ở một nơi khác thì không thể được coi là trung thực, nghĩa là có vấn đề về liêm chính. Đáng lý ra, vị PGS ấy có thể ghi nhận trên bài báo mình là giảng viên (GV) thỉnh giảng của trường X, Y gì đó. Tuy nhiên, ghi như thế thì trường liên quan không được quyền tính bài báo là của trường mình. Trường chỉ chấp nhận trả thù lao cho bài báo mà tác giả được ghi nhận là giảng viên cơ hữu (GVCH). Chính số tiền thù lao là động cơ để người viết nói dối.
Vị PGS bộc bạch rằng phải làm như thế để cải thiện thu nhập, trang trải chi phí cuộc sống cho bản thân và gia đình. Thu nhập GVCH thấp, trong khi nguồn năng lượng KH để tạo thu nhập quá dồi dào, không được chi trả để khai thác một cách thỏa đáng bởi trường chủ quản, áp lực mưu sinh đã đẩy người ta đến chỗ làm sai.
Có điều ít người để ý, là cho đến nay, dư luận chỉ tập trung bàn về hành vi của người viết và bán các bài báo, xem đó có vi phạm liêm chính học thuật hay không. Chưa ai đặt vấn đề tôn trọng liêm chính học thuật của chính các trường đã trả tiền cho vị PGS ấy để người này chấp nhận ghi tên trường đó như trường mà vị này là GVCH.
Không thể bán nếu không có ai mua. Trường đại học (ĐH) có nhu cầu được ghi nhận về thành tích công bố KH để có được vị trí khả quan trên các bảng xếp hạng, qua đó có được diện mạo bắt mắt đối với xã hội (XH) và có lợi thế trong cạnh tranh về tuyển sinh, mở ngành mới, triển khai chương trình đào tạo (ĐT) ở trình độ cao. Nhu cầu đó là chính đáng và hoàn toàn có thể được đáp ứng bằng con đường chính đáng: động viên, khuyến khích GV, nhà KH cơ hữu nghiên cứu KH và thực hiện công bố trên các diễn đàn học thuật có uy tín. Nhưng thay vì làm như thế, trường lại kêu gọi người bên ngoài thực hiện công bố KH dưới tên tuổi của trường và trả thù lao cho tác giả. Kiểu "mua" bài như thế thực sự là hành vi vi phạm liêm chính học thuật mà nhà trường là thủ phạm.
Trong mấy năm nay, rất nhiều lần báo chí phanh phui những vụ mua bán công bố KH thực hiện có hệ thống và có tổ chức. Rất nhiều những cái tên được gọi là "đầu nậu" công bố quốc tế đã được chỉ ra, cả trong nước lẫn ngoài nước: Một mặt, những người này bán công bố KH của bản thân cho nhiều trường; mặt khác, họ giữ vai trò trung gian kết nối những người có nhu cầu công bố các bài viết với những tạp chí gọi là "có uy tín quốc tế", tất nhiên với điều kiện được trả thù lao.
Một số trường ĐH được cho là có quan hệ qua lại mật thiết với những đầu nậu như thế. Lý do, như đã nói, là nhà trường cần có một số lượng nhất định công bố KH quốc tế được ghi nhận dưới tên của mình để được xếp vào thứ hạng khả quan trên các bảng xếp hạng, từ đó có điều kiện thực hiện các mục tiêu về tuyển sinh và tài chính. Điều đáng nói là mặc dù những đợt phanh phui được thực hiện và làm rùm beng, rốt cuộc mọi việc vẫn đâu vào đó: Các đầu nậu vẫn tiếp tục công việc làm ăn; những GV có nhu cầu vẫn tiếp tục thực hiện công bố KH thông qua "cai đầu dài"; các trường mua công bố KH vẫn tuyển sinh, mở ngành, mở chương trình mà không bị chế tài, xử phạt.
Tất cả những gì đang diễn ra ở Việt Nam cho phép ghi nhận có hẳn một hệ sinh thái nuôi dưỡng và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hoành hành của tệ nạn vi phạm liêm chính học thuật. Sự hình thành và lớn mạnh của hệ sinh thái đó không chỉ nhờ vai trò của các chủ thể nêu trên - GV không có thực tài, trường có nhu cầu tích lũy số lượng công bố KH của GVCH và các đầu nậu ngược xuôi trên các diễn đàn học thuật quốc tế. Nhà nước và XH cũng phải, thậm chí trước hết và trên hết, nhận thấy trách nhiệm của mình.
Các quy định "trên trời" về đánh giá cơ sở ĐT, chương trình ĐT, theo đó, cần đạt chuẩn này, chuẩn nọ thì cơ sở ĐT, chương trình ĐT mới vượt qua được cuộc kiểm định chất lượng, khiến các trường phải chạy hụt hơi để đối phó. Cách tốt nhất và bền vững nhất để đạt chuẩn là đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ GV. Nhưng muốn thực hiện cách này thì phải có thời gian, chứ không chỉ trong ngày một, ngày hai. Bởi vì cần đạt chuẩn sớm trong điều kiện thực lực chưa tốt, nhà trường chọn cách mua công bố KH và GVCH.
Về phần mình, XH, chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng trọng danh tiếng hơn thực chất, dung dưỡng thói quen đánh giá con người theo bằng cấp, học vị; đánh giá nhà KH theo số lượng công bố KH trên các diễn đàn có tên tuổi được quảng bá rầm rộ trên mạng; đánh giá trường ĐH dựa theo số lượng GVCH được gắn học vị cao, theo số lượng công bố KH mang tên tuổi của cơ sở ĐT. Bị cuốn vào vòng xoáy hư danh, con người trở nên dối trá như một tất yếu.
Muốn ngăn chặn, hạn chế, đi đến triệt tiêu sự dối trá, cần đi từ gốc.
Trước hết, nhà hoạch định chính sách, nhà làm luật cần tỉnh táo nhận diện thực trạng nền giáo dục (GD) nước nhà và đề ra các mục tiêu phấn đấu nâng cao chất lượng hệ thống GD một cách khả thi, bền vững. Không nhất thiết phải có nhiều trường ĐH thuộc top này, top nọ trong ngắn hạn và trung hạn; điều quan trọng là ĐT đáp ứng tốt nhu cầu XH. Để có được điều đó, cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường và cải cách chế độ đãi ngộ đối với GV để họ yên tâm làm việc, phấn đấu tự hoàn thiện theo yêu cầu của XH. Mặt khác, cần cổ vũ, khuyến khích việc đánh giá con người trong cuộc sống nghề nghiệp theo năng lực thực tế hơn là theo bằng cấp; bố trí, cất nhắc trong công việc dựa vào kết quả công tác cụ thể, chứ không dựa vào việc lấy bằng này, học vị nọ.
Chỉ có hệ sinh thái đặc trưng bởi các tiêu chí dạy thật, nghiên cứu thật và học thật thì liêm chính học thuật mới có điều kiện được nuôi dưỡng và phát triển bền vững.