Lịch sử tỉnh Quảng Bình: Phần đất thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam

Quảng Bình là một tỉnh ven biển phía nam vùng Bắc Trung Bộ, miền Trung của Việt Nam. Trong lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, Quảng Bình luôn là một phần đất thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam.

Bản đồ hành chính tỉnh Quảng Bình. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình)

Bản đồ hành chính tỉnh Quảng Bình. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình)

Quảng Bình là một tỉnh ven biển phía nam vùng Bắc Trung Bộ, miền Trung của Việt Nam. Tỉnh lỵ của tỉnh là thành phố Đồng Hới.

Nơi đây cũng là nơi có con sông Gianh - chia tách Đàng Trong, Đàng Ngoài và Lũy Thầy do chúa Nguyễn xây dựng trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh.

Vị trí địa lý

Tỉnh Quảng Bình nằm cách thủ đô Hà Nội 500km về phía Nam, cách thành phố Đà Nẵng 267km về phía Nam theo đường Quốc lộ 1.

Có vị trí địa lý phía bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía nam giáp tỉnh Quảng Trị, phía tây giáp tỉnh Khammuane, tỉnh Savannakhet, Lào với đường biên giới 201,87 km, phía đông giáp Biển Đông.

Quảng Bình nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa và luôn bị tác động bởi khí hậu của phía Bắc và phía Nam và được chia làm hai mùa rõ rệt.

Quảng Bình nằm trong khu vực đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn - nơi có khu hệ thực vật, động vật đa dạng, độc đáo với nhiều nguồn gen quý hiếm. Đặc trưng cho đa dạng sinh học ở Quảng Bình là vùng Karst Phong Nha - Kẻ Bàng.

Quảng Bình có vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 2 vạn km2. Ngoài khơi lại có các đảo Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm, Hòn Cỏ, Hòn Chùa nên đã hình thành các ngư trường với trữ lượng 10 vạn tấn hải sản các loại.

Bờ biển có nhiều thắng cảnh đẹp, cùng với thềm lục địa rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền tạo cho Quảng Bình có một ngư trường rộng lớn với trữ lượng khoảng 10 vạn tấn và phong phú về loài (1650 loài), trong đó có những loại quý hiếm như tôm hùm, tôm sú, mực ống, mực nang, san hô.

Phía Bắc Quảng Bình có bãi san hô trắng với diện tích hàng chục ha, đó là nguồn nguyên liệu quý cho sản xuất hàng mỹ nghệ và tạo ra vùng sinh thái của hệ san hô. Điều đó cho phép phát triển nền kinh tế tổng hợp vùng ven biển.

Với 5 cửa sông, Quảng Bình có vùng mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản khá lớn. Tổng diện tích 15.000 ha. Chế độ bán nhật triều vùng ven biển thuận lợi cho việc cấp thoát nước cho các ao nuôi tôm cua.

Lịch sử hình thành

Trong lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, Quảng Bình luôn là một phần đất thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam.

Thời kỳ Văn Lang-Âu Lạc:

Theo thư tịch và truyền thuyết, đất nước thời Văn Lang-Âu Lạc có 15 bộ tộc Lạc Việt sinh sống, chủ yếu ở miền Trung du và Châu thổ sông Hồng.

Theo sự phân chia bộ lạc dưới thời Văn Lang, Quảng Bình thuộc bộ Việt Thường, vốn dĩ tồn tại trong khu vực đã từng có sách chép là Việt Thường Thị - một tổ chức hành chính Nhà nước sơ khai có địa vực tương đồng với tọa độ địa lý của Bắc Trung Bộ hiện nay.

Bấy giờ cư dân Văn Lang trên địa vực Quảng Bình đã biết kế thừa và phát huy những thành tựu văn hóa của các thời kỳ trước để bước vào thời kỳ đồng thau nhằm mục đích phát triển kinh tế, chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi.

Bước vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn, ở Quảng Bình tìm thấy nhiều loại vũ khí như mũi tên, rìu, lưỡi giáp, dao găm bằng đồng; nhiều loại công cụ đồ dùng sinh hoạt như thạp đồng, thố đồng và cả trống đồng ở nhiều di chỉ khảo cổ khác nhau như Cồn Nền, Phù Lưu, Hóa Hợp...

Kinh tế nông nghiệp dưới thời đại đồ đồng đã có bước phát triển, đời sống tinh thần của cư dân phong phú hơn. Với các loại trang sức đa dạng về chủng loại, chất liệu, hoa văn, chứng tỏ cư dân ở đây đã chú ý đến cuộc sống tinh thần, thị hiếu thẩm mỹ.

Dấu mốc lịch sử xác định lãnh thổ

Năm 1075, Lý Thường Kiệt đổi tên Châu Bố Chinh thành Châu Bố Chính, Châu Địa Lý thành Châu Lâm Bình. Mảnh đất Quảng Bình từ đó chính thức được đưa vào bản đồ nước ta. Chính Lý Thường Kiệt là người có công đầu xác định và đặt nền móng đầu tiên của vùng đất Quảng Bình trọn vẹn cương vực lãnh thổ như ngày nay.

Có thể nói đây là mốc lịch sử quan trọng định hình địa vực cư trú của cộng đồng người Việt trên vùng đất Quảng Bình ngày nay.

Xuất hiện danh xưng Quảng Bình

Sau khi thiết lập cương vực ở phía Nam, thống nhất lại các đơn vị hành chính thuộc quyền, Nguyễn Hoàng (1525-1613) đã đặt tên mới cho vùng đất phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình. Danh xưng Quảng Bình chính thức đi vào lịch sử.

Dưới thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, châu Bố Chính chia thành Bắc Bố Chính và Nam Bố Chính. Bắc Bố Chính thuộc Nghệ An, Nam Bố Chính thuộc Quảng Bình ngày nay, lấy sông Gianh làm giới hạn.

Năm 1802, sau khi đàn áp phong trào Tây Sơn, lập ra triều Nguyễn, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long, Gia Long trở lại tên gọi vùng đất Quảng Bình hiện nay là Bố Chính nội, Bố Chính ngoại, nhằm phân biệt giữa Đàng Trong, Đàng Ngoài trong việc phong tước phẩm, định mức thuế đối với nhân dân hai bờ sông Gianh.

Năm 1832, đời vua Minh Mạng, Bố Chính trở về tên gọi là tỉnh Quảng Bình (tên tỉnh Quảng Bình là một đơn vị hành chính bắt đầu từ đây). Từ đây cho đến thời vua Thiệu Trị toàn tỉnh có 2 phủ, 6 huyện (phủ là đơn vị hành chính bao gồm nhiều huyện). Phủ Quảng Ninh có 3 huyện: Phong Lộc, Phong Đăng và Lệ Thủy (Đồng Hới thuộc phủ Quảng Ninh). Phủ Quảng Trạch gồm 3 huyện: Bố Trạch, Bình Chánh và Minh Chánh.

Thời kỳ Pháp thuộc từ năm đến năm 1945 tỉnh Quảng Bình về cơ bản có địa giới như cũ và tên tỉnh vẫn là tỉnh Quảng Bình.

 Thành phố Đồng Hới trình phương án sắp xếp đơn vị hành chính, từ 15 đơn vị hành chính xuống còn 3 phường, kết hợp mở rộng địa giới hành chính. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Thành phố Đồng Hới trình phương án sắp xếp đơn vị hành chính, từ 15 đơn vị hành chính xuống còn 3 phường, kết hợp mở rộng địa giới hành chính. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Từ 1945-1975: Tách huyện

Sau Cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Quảng Bình có 5 huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa và thị xã Đồng Hới (đến năm 1965 tách huyện Tuyên Hóa thành 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa cho đến tháng 9/1975).

Từ 1975-nay: Hợp nhất và phân tách

Năm 1976, Trung ương có quyết định nhập Quảng Bình với Quảng Trị và Thừa Thiên thành tỉnh Bình-Trị-Thiên, lấy thành phố Huế làm tỉnh lị.
Bắt đầu từ đây có sự sát nhập một số huyện ở Quảng Bình cũ: huyện Lệ Ninh (Quảng Ninh và Lệ Thủy), huyện Tuyên Minh (Tuyên Hóa và Minh Hóa).

Đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân Bình Trị Thiên, ngày 1/7/1989 Trung ương Đảng đã có quyết định tách 3 tỉnh về địa giới cũ. Quảng Bình phục hồi lại vị trí các huyện như trước khi nhập tỉnh.

Ngày 12/12/2004 thị xã Đồng Hới được Chính phủ ra Quyết định nâng cấp thành Thành phố loại 3 trực thuộc tỉnh.

Ngày 16/8/ 2004, chính phủ có nghị định chuyển thị xã Đồng Hới thành thành phố Đồng Hới.

Ngày 30/7/ 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1270/QĐ-TTg công nhận thành phố Đồng Hới là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Bình.

Ngày 24/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1242/NQ-UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2023-2025.

Tỉnh Quảng Bình có 8 đơn vị hành chính cấp huyện (6 huyện, 1 thành phố và 1 thị xã), 145 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 122 xã, 15 phường và 8 thị trấn).

Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị, lấy tên là tỉnh Quảng Trị, trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.

Địa danh nổi tiếng

Quảng Bình nổi tiếng với di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Hang Sơn Đoòng - Hang động tự nhiên lớn nhất thế giới.

Phong Nha-Kẻ Bàng

Phong Nha-Kẻ Bàng

Ngày 3/7/2003, tại kỳ họp thứ 27, Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) đã thông qua hồ sơ đệ trình của Việt Nam công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là Di sản Thế giới, với tiêu chí giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất địa mạo.

Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi, 300 hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ Thế giới.

Trải qua nhiều thay đổi lớn về địa tầng và địa mạo, địa hình khu vực này hết sức phức tạp. Phong Nha-Kẻ Bàng phô diễn các bằng chứng ấn tượng về lịch sử trái đất, giúp các nhà nghiên cứu hiểu được lịch sử địa chất và địa hình của khu vực.

Động Phong Nha là một động đẹp có sông ngầm và có bảy cái nhất: (1) Hang nước dài nhất; (2) Cửa hang cao và rộng nhất; (3) Bãi cát, đá rộng và đẹp nhất; (4) Hồ ngầm đẹp nhất; (5) Thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất; (6) Dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam; (7) Hang khô rộng và đẹp nhất.

 Hang Sơn Đoòng. (Nguồn: TTXVN)

Hang Sơn Đoòng. (Nguồn: TTXVN)

Hang Sơn Đoòng

Hang Sơn Đoòng cách Đồng Hới 70 km và là một dải kỳ quan nằm sâu trong lòng núi, cách đỉnh núi 800-900m. Dài 7729m, động có 14 hang do dòng sông ngầm dài 13.969 m hòa tan đá vôi tạo thành.

Trước đó, vào năm 1991, trong một chuyến đi rừng, người nông dân Hồ Khanh phát hiện ra miệng hang. Tuy nhiên, tiếng nước chảy xiết và luồng gió thổi mạnh khiến ông không dám tiếp tục đi vào hang. Những lần sau đó, ông không thể nhớ vị trí của "hang động bí ẩn."

Năm 2007, khi đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh tiến hành đợt tìm kiếm hang động mới tại Phong Nha-Kẻ Bàng, ông cũng đã đưa đoàn đi tìm hang hết 2 ngày nhưng không thấy.

Đến năm 2008, ông Khanh đã tìm lại được vị trí cửa hang và liên lạc với đội thám hiểm Anh. Qua đo đạc, các nhà thám hiểm xác nhận hang có chiều dài 5km.

Ngoài hệ thống sông hồ ngầm, hệ sinh thái rừng rậm phát triển, hóa thạch 400 triệu năm tuổi và những tầng địa chất ngoạn mục, hang Sơn Đoòng còn là nơi sinh sống của một số loài thực vật và động vật không tồn tại ở nơi nào khác trên Trái Đất.

Năm 2018, một nhóm chuyên gia Anh nghiên cứu về hang động phát hiện hang Sơn Đoòng rộng lớn hơn ít nhất 30% và sâu hơn nhiều so với thông tin trước đó./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lich-su-tinh-quang-binh-phan-dat-thieng-lieng-cua-lanh-tho-viet-nam-post1022569.vnp
Zalo