Lệnh ngừng bắn ở Biển Đen: Nga hay Ukraine được lợi nhiều hơn?

Nhà Trắng ngày 25/3 cho biết Ukraine và Nga đã đạt được lệnh ngừng bắn trên Biển Đen sau 12 giờ đàm phán ở Saudi Arabia. Truyền thông gọi đây là bước tiến quan trọng đầu tiên hướng tới nền hòa bình vững chắc cho Ukraine mà chính quyền ông Trump đang theo đuổi, nhưng có vẻ như Kiev không nghĩ như vậy.

Lợi thế nghiêng về phía Nga

Trong khi Nhà Trắng vui mừng thông báo vê lệnh ngừng bắn tại Biển Đen sau cuộc đàm phán kéo dài 12 giờ tại Riyadh, bầu không khí ở Ukraine lại khá trầm lắng.

Kiev và Moscow ngày 25/3 đã đồng ý ngừng bắn ở Biển Đen nhằm "loại bỏ việc sử dụng vũ lực" và ngăn chặn tình trạng lợi dụng tàu thương mại cho mục đích quân sự. Đổi lại, Mỹ cam kết hỗ trợ khôi phục xuất khẩu phân bón và nông sản của Nga, giảm chi phí bảo hiểm hàng hải và tạo điều kiện cho Moscow tiếp cận các cảng cũng như hệ thống thanh toán cho các giao dịch như vậy.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng những điều khoản này có thể đặt Ukraine vào thế bất lợi nếu Nga lợi dụng thỏa thuận để củng cố vị thế kinh tế và quân sự của mình. Thỏa thuận cũng được cho là chưa đáp ứng được các yêu cầu cấp thiết của Ukraine về đảm bảo an ninh hàng hải. Cụ thể, các bên tham gia đàm phán chưa thống nhất về những biện pháp bảo vệ cảng biển Ukraine trước các cuộc tấn công tương lai của Nga cũng như khả năng dỡ bỏ phong tỏa cảng Mykolaiv - một trong những trung tâm vận tải trọng yếu của Ukraine.

Ông Zelensky (trái) và ông Putin (phải). Ảnh: Getty

Ông Zelensky (trái) và ông Putin (phải). Ảnh: Getty

“Đây chắc chắn không phải là điều Ukraine cần”, ông Serhiy Vovk, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Giao thông tại Kiev, nhận định.

Ông Vovk cũng nhấn mạnh: "Điều cấp thiết đối với chúng tôi lúc này là bảo vệ cơ sở hạ tầng cảng khỏi tên lửa và máy bay không người lái nhưng tuyên bố của Nhà Trắng hoàn toàn không đề cập đến vấn đề này”.

Từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào đầu năm 2022, 385 cơ sở hạ tầng cảng của Ukraine đã bị hư hại hoặc phá hủy, khiến hoạt động giao thương ở các cảng biển này trở nên bất ổn. Các cảng tại tỉnh Odessa – khu vực cảng biển cuối cùng còn hoạt động của Ukraine – đã liên tục bị tấn công với cường độ trung bình ba ngày một lần, trong giai đoạn từ tháng 1/2025 đến tháng 2/2025. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng nếu không có sự đảm bảo an ninh từ các cường quốc phương Tây, những cuộc tấn công này có thể tiếp tục leo thang, gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Ukraine và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, Nga đã phong tỏa cảng Mykolaiv từ năm 2022 – một trong những cảng lớn nhất Ukraine – làm gia tăng chi phí hậu cần đối với ngành nông nghiệp. Hiện nay, nông dân Ukraine chỉ có thể xuất khẩu hàng hóa qua ba cảng biển là Pivdennyi, Chornomorsk và Odesa. Điều này làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của Ukraine trên thị trường quốc tế, buộc nước này phải phụ thuộc nhiều hơn vào các tuyến vận tải đường bộ và đường sắt - vốn có chi phí cao hơn và rủi ro nhiều hơn do chiến sự.

Khả năng triển khai thỏa thuận ngừng bắn

Thời điểm lệnh ngừng bắn có hiệu lực vẫn còn gây tranh cãi. Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố lệnh này bắt đầu "từ hôm nay", trong khi Điện Kremlin khẳng định chỉ thực thi khi các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm của Nga được dỡ bỏ. Một số quan chức Ukraine lo ngại rằng Moscow có thể sử dụng điều khoản này như một cái cớ để trì hoãn việc thực thi thỏa thuận, trong khi tiếp tục củng cố sự hiện diện quân sự tại Biển Đen.

Sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7/2023, Ukraine đã tự thiết lập tuyến thương mại riêng qua Biển Đen, cho phép tàu hàng di chuyển an toàn dọc theo bờ biển Bulgaria và Romania dưới sự bảo vệ của Hải quân Ukraine. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine đã buộc hạm đội Nga phải lùi xa về phía đông, tạo thêm vùng đệm an toàn quanh các cảng Crimea. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng tình hình vẫn rất bấp bênh, bởi Nga có thể tìm cách giành lại thế kiểm soát tại đây nếu không có sự giám sát chặt chẽ từ phương Tây.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov, cảnh báo rằng Nga sẽ vi phạm thỏa thuận nếu tiếp tục di chuyển tàu chiến về phía Tây, đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ bị coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Ukraine.

“Nếu hải quân Nga quay trở lại Sevastopol, tới Crimea, chúng tôi sẽ gặp nhiều rủi ro liên quan đến sáng kiến chung chống mìn của chúng tôi. Chúng tôi cố gắng rà phá các tuyến đường biển của mình cùng với sự hợp tác của Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ và Romania”, ông Umerov nói, đồng thời nhấn mạnh rằng sự tham gia của các quốc gia này vào đàm phán là điều cần thiết để đảm bảo an toàn hàng hải khu vực.

Mỹ và Nga đã tiến hành đàm phán mà không có sự tham gia của các đồng minh châu Âu, bất chấp những lo ngại từ các quốc gia Biển Đen là Romania và Bulgaria rằng hạm đội Nga có thể trở lại Biển Đen một lần nữa. Việc loại trừ các nước này khỏi bàn đàm phán khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về tính bền vững của thỏa thuận, cũng như khả năng đảm bảo lợi ích cho Ukraine và các đối tác khu vực.

Ông Andrii Pidhainyi, đồng Giám đốc Thực hành Giao thông và Cơ sở hạ tầng tại công ty luật Arzinger (Ukraine), bày tỏ lo ngại rằng thỏa thuận này có thể trở thành một phần của trò chơi địa chính trị rộng lớn hơn nếu vắng bóng phương Tây.

Hi vọng le lói

Từ khi triển khai tuyến hành lang hàng hải riêng, Ukraine đã có thể xuất khẩu không chỉ nông sản mà còn cả sắt thép, giúp duy trì ngành luyện kim đang trên đà suy yếu. Hiệp hội Công nghiệp Khai thác Quốc gia Ukraine cho biết việc không thể tiếp cận đường biển đã khiến ngành luyện kim mất lợi thế cạnh tranh, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Ukraine và nguồn cung toàn cầu. Điều này đặt ra một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách của Kiev trong việc tìm kiếm các giải pháp thay thế bền vững.

Theo Trung tâm Công nghiệp Vận tải, hành lang hàng hải mới đã giúp Ukraine nâng sản lượng xuất khẩu lên 60% so với thỏa thuận ngũ cốc trước đây, đạt 92 triệu tấn vào năm 2024; trong đó có 33,7 triệu tấn quặng sắt, tăng gần 90% so với năm 2023.

Tàu Nga đi qua khu vực Biển Đen. Ảnh: Reuters

Tàu Nga đi qua khu vực Biển Đen. Ảnh: Reuters

Ông Bogdan Kostetskyi, đối tác điều hành tại dịch vụ tư vấn Barva Invest, nhận xét rằng việc vận chuyển hàng hóa qua tuyến hành lang hiện tại nhanh và hiệu quả hơn nhiều so với những cơ chế trước đây. Ông lưu ý rằng cước phí vận chuyển đường biển và bảo hiểm cho hàng rời gần bằng với cảng Constanta lân cận của Romania.

Dù không thấy nhiều lợi ích rõ ràng cho Ukraine, ông Kostetskyi đánh giá tích cực việc thỏa thuận mới không yêu cầu Nga quay trở lại kiểm tra tàu thuyền tại Bosphorus. Trước đây, các thanh tra viên Nga thường kéo dài quá trình kiểm tra, gây tắc nghẽn giao nghiêm trọng. Đến tháng 10/2022, hơn 100 tàu bị kẹt chờ tại Bosphorus, khiến nông dân Ukraine phải chịu thêm 10-15 USD chi phí lưu tàu cho mỗi tấn hàng.

Thỏa thuận an ninh trên Biển Đen được đánh giá là khác biệt đáng kể so với kế hoạch ngừng bắn đầy tham vọng kéo dài 30 ngày từng được Mỹ khởi xướng trong cuộc hội đàm với Ukraine tại Jeddah trước đó. Tuy nhiên, nhà báo James Landale của đài BBC nhận định, thỏa thuận mới này đi kèm với nhiều điều kiện phức tạp từ phía Nga.

Bên cạnh đó, vẫn còn những lo ngại về tính bền vững của thỏa thuận, trong khi Nhà Trắng chưa đưa ra dấu hiệu rõ ràng rằng họ đang đàm phán vì lợi ích của Ukraine. Chính quyền Kiev khẳng định bất kỳ động thái nào cho thấy tàu chiến Nga đang hướng về phía Tây cũng sẽ bị coi là vi phạm thỏa thuận.

Dù vậy, ông Zelensky vẫn tỏ ra thận trọng lạc quan, gọi thỏa thuận này là "những bước đi đúng đắn" trên con đường hướng tới hòa bình.

Theo phóng viên BBC Frank Gardner, hai bên đều có lý do riêng để tiếp tục cuộc chiến nhưng tại thời điểm này, đây có thể là cơ hội tốt nhất để đặt nền móng cho một lệnh ngừng bắn toàn diện hơn.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo The Kyiv Independent, BBC

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/lenh-ngung-ban-o-bien-den-nga-hay-ukraine-duoc-loi-nhieu-hon-post1187418.vov
Zalo