Sau 'biển lửa' ở Dnipro, Kiev tố Moscow tiếp tục kế hoạch tấn công mới, 'câu giờ' để giành thế đàm phán; phương Tây cạnh tranh tài nguyên ở Ukraine

Nhật báo The Independent (Anh) dẫn lời các quan chức Kiev cho biết Nga đang chuẩn bị một cuộc tấn công mới dọc theo tiền tuyến Ukraine để tăng cường vị thế của Điện Kremlin trong các cuộc đàm phán ngừng bắn.

Lực lượng cứu hộ Ukraine làm việc tại hiện trường. (Nguồn: EPA)

Lực lượng cứu hộ Ukraine làm việc tại hiện trường. (Nguồn: EPA)

Các nhà phân tích quân sự và chính phủ Ukraine cho biết Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công dọc theo tuyến đầu dài 621 dặm ở Sumy, Kharkiv và Zaporizizhia.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói: "Họ đang kéo dài các cuộc đàm phán và cố gắng đẩy Mỹ vào các cuộc thảo luận vô tận và vô nghĩa về các 'điều kiện' giả mạo chỉ để câu giờ và sau đó cố gắng chiếm thêm đất".

Theo báo trên, một khách sạn và nhà hàng đã chìm trong biển lửa sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào Dnipro khiến bốn người thiệt mạng và ít nhất 19 người khác bị thương.

Lực lượng Nga đã phóng hơn 20 máy bay không người lái vào thành phố phía Đông Nam Ukraine chỉ sau một đêm, gây ra hỏa hoạn khắp khách sạn và một tòa nhà chung cư cao tầng.

Các cảnh quay cho thấy ngọn lửa và cột khói bốc lên trời, đường phố Dnipro ngổn ngang mảnh kính vỡ và gạch đá.

Ông Zelensky cho biết vào tối ngày 29/3 rằng Ukraine mong đợi "phản ứng nghiêm túc" từ các chính phủ phương Tây đối với các cuộc tấn công.

Về phần mình, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy một thỏa thuận tài nguyên mới quan trọng với Kiev, theo đó Mỹ sẽ kiểm soát toàn bộ tài sản năng lượng và khoáng sản quý hiếm của Ukraine.

Theo ông Donald Trump, Thỏa thuận về kim loại đất hiếm (REM) sẽ sớm được ký kết giữa Washington và Kiev. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố có ý định ký kết một thỏa thuận tương tự với Ukraine. Tuy nhiên, theo nhận định của trang mạng “vz.ru”, châu Âu trên thực tế có khả năng tìm thấy những yếu tố then chốt phục vụ cho nền công nghiệp hiện đại của mình ở gần hơn nhiều so với Ukraine.

Các số liệu địa chất cho thấy, Trung Quốc, Brazil, Việt Nam và Nga sở hữu phần lớn trữ lượng REM toàn cầu, trong khi châu Âu (bao gồm Ukraine) chỉ chiếm 2,75%. Trước nhu cầu lớn từ các ngành công nghiệp công nghệ cao, các chuyên gia mở rộng khái niệm REM sang nhiều kim loại quý hiếm khác như lithium, nickel, tungsten, titanium…

Cuộc cạnh tranh địa chính trị và thương mại đang làm phức tạp vấn đề khai thác REM. Mỹ muốn kiểm soát nguồn tài nguyên của Ukraine, trong khi EU tránh phụ thuộc vào Nga và tìm kiếm giải pháp thay thế để bảo đảm nguồn cung.

Tây Ban Nha nổi lên như một ứng viên quan trọng, với nhiều khu vực giàu REM được xác định qua dự án EURARE do EU tài trợ. Nếu sản xuất đạt 35.000 tấn/năm, Tây Ban Nha có thể trở thành nhà cung cấp hàng đầu châu Âu, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Ngoài ra, Na Uy cũng được cho là sở hữu mỏ REM lớn nhất châu Âu, giúp lục địa này giảm sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Trong bối cảnh đó, việc EU muốn ký thỏa thuận REM với Ukraine được cho là động thái cạnh tranh chính trị với Mỹ, thay vì một chiến lược thực tế về khai thác tài nguyên.

(tổng hợp)

Xuân Nhi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sau-bien-lua-o-dnipro-kiev-to-moscow-tiep-tuc-ke-hoach-tan-cong-moi-cau-gio-de-gianh-the-dam-phan-phuong-tay-canh-tranh-tai-nguyen-o-ukraine-309371.html
Zalo