Lệnh cấm đi lại liệu có ngăn chặn được sự lan truyền của biến thể Omicron?

Việc áp đặt lệnh cấm đi lại đối với quốc gia phát hiện ra biến thể mới có thể khiến các nước dè chừng trong việc thông báo về sự xuất hiện của các biến thể đáng lo ngại trong tương lai.

Biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi được cho là có khả năng lây truyền và kháng vaccine cao hơn các biến thể trước đó đang khiến cả thế giới lo lắng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại Omicron là biến thể đáng lo ngại vì nó có số lượng đột biến chưa từng có, một số đột biến liên quan đến việc tăng khả năng né tránh hệ miễn dịch và có thể làm giảm hiệu quả của vaccine.

Người dân xếp hàng lên chuyến bay của Air France đến Paris tại sân bay OR Tambo ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 26/11. Ảnh: AP

Người dân xếp hàng lên chuyến bay của Air France đến Paris tại sân bay OR Tambo ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 26/11. Ảnh: AP

Cấm đi lại có ngăn được biến thể mới?

Một số quốc gia và khu vực như Mỹ, Canada, Anh, Australia và Liên minh châu Âu đã ngay lập tức áp đặt hạn chế đi lại hoặc cấm du khách đến từ một số nước ở miền Nam châu Phi để ngăn chặn biến thể Omicron.

Người dân Australia trở về từ miền Nam châu Phi sẽ phải cách ly tại khách sạn và xét nghiệm SARS-CoV-2. Những người trở về từ 9 nước bao gồm Nam Phi, Namibia, Zimbabwe, Botswana, Lesotho, Eswatini, Seychelles, Malawi và Mozambique trong 14 ngày qua cũng sẽ phải cách ly.

Ca nhiễm biến thế Omicron cũng đã được phát hiện ở các nơi khác như Anh, Đức, Israel, Hong Kong (Trung Quốc) và Bỉ. Vì vậy, dù lệnh hạn chế đi lại đối với các nước châu Phi có thể làm chậm sự lan truyền của virus và có thêm thời gian để phản ứng, nhưng điều này khó có thể ngăn chặn hoàn toàn biến thể.

Biến thể Omicron được xác định vào ngày 22/11 tại Nam Phi, từ mẫu xét nghiệm thu thập của một bệnh nhân vào ngày 9/11.

Các nhà virus học Nam Phi đã có những hành động nhanh chóng trước sự xuất hiện của biến thể mới như trao đổi với các đồng nghiệp thông qua Mạng lưới Giám sát Bộ gen, liên lạc với chính phủ và thông báo cho WHO vào ngày 24/11.

Mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron vẫn chưa được xác định rõ ràng. Một số chuyên gia cho rằng, khả năng lây truyền của biến thể Omicron thậm chí có thể cao hơn so với biến thể Delta. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có bằng chứng về khả năng lây truyền cao của biến thể này.

Các nhà khoa học và chính trị gia châu Phi đã bày tỏ sự thất vọng về những phản ứng vội vàng từ các quốc gia áp đặt lệnh cấm đi lại. Họ cho rằng lệnh cấm sẽ có những tác động tiêu cực đáng kể đối với nền kinh tế Nam Phi, nơi có truyền thống đón khách du lịch toàn cầu vào giai đoạn cuối năm.

Các chuyên gia Nam Phi lưu ý rằng, chưa rõ liệu biến thể Omicron có nguồn gốc từ Nam Phi hay không, ngay cả khi nó được xác định lần đầu tiên ở nước này. Biến thể Omicron đã được phát hiện ở một số nơi khác, do đó nó có thể lưu hành ở các khu vực không nằm trong danh sách cấm đi lại.

CNA nhận định rằng, việc áp đặt lệnh cấm đi lại đối với quốc gia phát hiện ra biến thể mới có thể khiến các nước dè chừng trong việc thông báo về sự xuất hiện của các biến thể đáng lo ngại trong tương lai.

WHO không khuyến khích việc ban hành lệnh cấm các chuyến bay hoặc các hình thức cấm đi lại khác. Thay vào đó, WHO cho rằng nên ưu tiên các biện pháp phòng dịch đã được chứng minh có hiệu quả như tiêm chủng, rửa tay thường xuyên, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và lắp đặt hệ thống thông gió tốt.

Để đối phó với các biến thể đáng lo ngại, WHO kêu gọi tất cả các nước tăng cường giám sát và giải trình tự gen, báo cáo các ca nhiễm mới và tiến hành các cuộc điều tra để biết thêm về khả năng lây truyền của biến thể.

Trong khi các nghiên cứu sâu rộng hơn được thực hiện, có thể kiểm soát biến thể Omicron bằng cách xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, cách ly, áp dụng các biện pháp phòng dịch và liên tục giám sát biến thể.

Tiêm vaccine vẫn là “chìa khóa vàng”

Những quốc gia giàu có như Australia nên hỗ trợ các nước châu Phi và các quốc gia khác trong việc chia sẻ các cảnh báo sớm về mối đe dọa của dịch bệnh và giúp giảm thiểu những mối đe dọa này.

CNA cho rằng vaccine vẫn là biện pháp chính để tránh khỏi những tác động nghiêm trọng nhất của đại dịch Covid-19.

Biến thể Omicron chứa những đột biến liên quan đến khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine, nhưng vẫn chưa xác định được mức độ. Pfizer cho biết, họ có thể phát triển một loại vaccine chống lại biến thể Omicron trong vòng 100 ngày hoặc lâu hơn.

Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp một phần là do tỷ lệ tiêm chủng chênh lệch ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở những nơi kém phát triển nhất. Chỉ 24% dân số trưởng thành ở Nam Phi đã tiêm chủng đầy đủ. Đối với toàn bộ châu Phi, tỷ lệ này giảm xuống còn 7,2%.

Các tổ chức và các nhà lãnh đạo châu Phi, với sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế, đã thảo luận về các cơ sở sản xuất vaccine mRNA tại châu Phi. Điều này sẽ khắc phục các vấn đề của chuỗi cung ứng và ứng phó với các mối đe dọa dịch bệnh.

Tuy nhiên, các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với những rào cản đáng kể để có được quyền sở hữu trí tuệ về việc phát triển và sản xuất vaccine Covid-19.

Trong khi vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về khả năng lây truyền và tác động của biến thể Omicron, cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ cho các quốc gia chia sẻ thông tin kịp thời và minh bạch về các biến thể mới./.

CTV Mai Trang/VOV.VN (biên dịch) Theo CNA

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/lenh-cam-di-lai-lieu-co-ngan-chan-duoc-su-lan-truyen-cua-bien-the-omicron-908458.vov
Zalo