Nga khóa van dòng chảy khí đốt qua Ukraine

Nga chính thức ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu dựa trên đường ống chạy qua lãnh thổ Ukraine, khiến các nước EU phải trả giá tức thì nguy cơ xảy ra một cú sốc giá năng lượng trong khu vực rình rập.

Được biết, các dòng chảy khí đốt của Nga đến một số nước châu Âu đã dừng lại vào ngày 1/1/2025 sau khi công ty Naftogaz của Ukraine từ chối gia hạn hợp đồng với công ty dầu khí Nga Gazprom.

Việc Ukraine không muốn gia hạn hợp đồng đã kéo dài 5 năm với Nga, một mặt nhằm mục đích ngăn chặn nguồn thu ngân sách của Nga nhưng mặt khác cũng sẽ mang đến những tác động không nhỏ tới nhu cầu năng lượng ở châu Âu.

EU điêu đứng vì cú sốc giá năng lượng

Trong phiên giao dịch ngày 3/1 vừa rồi, giá khí đốt giao sau trên sàn giao dịch điện tử TTF của Hà Lan - giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu - có thời điểm đạt mức 50,4 euro/megawatt giờ, mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2023. Cuối phiên, giá khí đốt trên sàn này giảm về ngưỡng 49,5 euro/megatwatt giờ, nhưng vẫn tăng khoảng 6,5% trong vòng 1 tháng trở lại đây. Nếu tính từ giữa tháng 9, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng xấp xỉ 40%. Mức giá thấp nhất của năm 2024 là hơn 29 euro/megawatt giờ ghi nhận vào tháng 3.

Đường ống dẫn khí đốt của Gazprom tại Kasimov, Nga.

Đường ống dẫn khí đốt của Gazprom tại Kasimov, Nga.

Được biết, ngay sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra năm 2022, giá khí đốt đã tăng vọt - đôi khi tăng hơn 20 lần so với thường lệ, buộc một số nhà máy ở châu Âu phải cắt giảm sản lượng và nhiều doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa. Giá khí đốt sau đó đã được hạ nhiệt hơn nhiều bởi các cuộc đàm phán cấp cao. Tuy nhiên, giá vẫn cao hơn so với thời kỳ trước khủng hoảng, buộc doanh nghiệp và người dân phải thắt chặt chi tiêu năng lượng. Theo Ủy ban châu Âu, các khoản chi phí bổ sung là gánh nặng đáng kể: gần 11% công dân Liên minh châu Âu (EU) phải chật vật thì nhà cửa mới đủ sưởi ấm vào năm 2023.

Giờ đây, khi dòng chảy năng lượng từ Nga vào châu Âu bị khóa van càng làm cho tình trạng này trở nên trầm trọng. Bởi lẽ, sự kiện này đánh dấu việc EU chính thức mất đi nguồn cung 5% trong tổng lượng khí đốt nhập khẩu. Trong khi đó, lượng dự trữ khí đốt của khu vực này đang giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2021, hiện chỉ còn khoảng 75% công suất do thời tiết lạnh sâu trong mùa đông năm nay, đẩy nhu cầu năng lượng cho việc sưởi ấm lên cao.

Mặc dù tình hình này đã được các nước châu Âu nắm bắt từ trước, có thời gian để chuẩn bị trước cơn bão lớn, thế nhưng tác động tiêu cực từ việc Nga dừng cung cấp khí đốt là điều không thể tránh khỏi. Châu Âu cũng đã và đang tìm kiếm những nguồn cung khác để bù đắp vào khoảng trống của Nga vẫn khá khó khăn. Việc nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) từ các nhà cung cấp như Mỹ và Qatar cũng đang trở nên đắt đỏ hơn do các nhà nhập khẩu châu Âu phải cạnh tranh với các đối thủ ở châu Á để giành giật các lô hàng.

Dù vậy, điều khiến giới theo dõi thị trường lo ngại không phải là các quốc gia châu Âu sẽ hết khí đốt, mà là hoạt động cung cấp sẽ phức tạp và tốn kém hơn. Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu cao hơn khoảng 4 lần so với giá ở Mỹ. Natasha Fielding, Giám đốc định giá khí đốt châu Âu tại Argus Media, một công ty nghiên cứu thị trường, cho biết: "Tác động thực sự mà tôi nhận thấy là chi phí bỏ ra cho các nguồn cung khí đốt thay thế sẽ cao hơn ở các quốc gia như Slovakia, Áo và Cộng hòa Séc".

Quốc gia nào phải chịu đòn đau nhất?

Các quốc gia châu Âu từng phụ thuộc nguồn cung từ Nga có Áo, Slovakia, Italy, Hungary, Croatia, Slovenia và Moldova. Hầu hết đều đã đa dạng nguồn mua và triển khai biện pháp cắt giảm nhu cầu. Croatia không nhập khẩu nhiều khí đốt từ Nga, trong khi hợp đồng giữa công ty khí đốt Geoplin của Slovenia và Gazprom đã kết thúc từ cuối năm 2023. Áo có thể nhập khẩu từ Italy và Đức. Italy đang nhập khí đốt từ Azerbaijan và Algeria. Hungary vẫn mua được khí đốt Nga qua TurkStream. Slovakia tuyên bố "đã chuẩn bị" cho tình huống và không có nguy cơ thiếu khí đốt.

Moldova được coi là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi mất nguồn khí đốt Nga. Moldova đã nhập khẩu hầu hết khí đốt từ thị trường châu Âu để thay thế, nhưng vùng ly khai Transnistria ở miền đông nước này vẫn phụ thuộc hoàn toàn khí đốt từ Nga qua Ukraine, nhập khoảng 2 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ năm 2022. Transnistria sử dụng khí đốt Nga để sản xuất điện và bán lại cho các khu vực do chính phủ Moldova kiểm soát. Nhà máy điện lớn nhất Moldova là Kuciurgan nằm ở vùng ly khai này. Việc bị cắt nguồn khí đốt Nga khiến vùng ly khai Transnistria không thể tiếp tục sản xuất điện để bán cho các khu vực khác ở Moldova, khiến nước này ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì thiếu năng lượng.

Đứng trước nguy cơ khủng hoảng năng lượng, một số nước châu Âu đã lên tiếng kêu gọi Liên minh châu Âu áp trần giá khí đốt. EU đưa ra trần giá khí đốt vào cuối năm 2022 để ngăn đà leo thang chóng mặt của giá khí đốt sau khi Nga ngừng cung cấp năng lượng này qua các đường ống Yamal-Europe và Nord Stream 1. Trần giá khí đốt của EU sẽ hết hạn vào cuối tháng 1 này và sẽ chỉ được kích hoạt nếu giá khí đốt giao sau trên sàn TTF vượt 180 euro/megawatt giờ - mức giá chưa xuất hiện trở lại kể từ mùa hè năm 2022 đến nay.

Tuy nhiên giới chuyên gia vẫn đánh giá đây là một mức giá quá cao, EU nên xem xét lại hạ tiêu chuẩn áp giá trần xuống mức 50-60 euro/megawatt giờ giúp giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp và người dân trong điều kiện khí hậu mùa đông ngày càng khắc nghiệt, cùng những bất ổn kinh tế chính trị đang rình rập tại khu vực.

Vân Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nga-khoa-van-dong-chay-khi-dot-qua-ukraine-i756462/
Zalo