Báo Nga đánh giá về bối cảnh tình hình liên quan cuộc gặp Trump - Putin
Không chờ đến sau thời điểm Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1, những thông tin về cuộc gặp có thể diễn ra với Tổng thống Nga Putin đang dậy sóng trên truyền thông khiến không ít người liên tục quan tâm, dõi theo từng biến động dù nhỏ nhất.
Washington và Moskva đã bắt đầu thảo luận về cuộc gặp giữa ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin mà không cần chờ đến sau lễ nhậm chức của ông. Những đồn đoán này diễn ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ đang nỗ lực hoàn tất thỏa thuận giữa Israel và phong trào Hamas, trong khi Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian dự kiến sẽ có chuyến thăm Moskva vào ngày 17/1 để ký Hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Đây là những nội dung chiếm không ít giấy mực của nhiều tờ báo Nga và truyền thông thế giới trong những ngày qua.
Cách đây ít ngày, Cố vấn An ninh Quốc gia đề cử của ông Trump, ông Mike Waltz đã tiết lộ công tác chuẩn bị cho cuộc gặp Trump-Putin đang được tiến hành. Bên cạnh đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng ông Putin sẽ sẵn sàng gặp ông Donald Trump mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
Tuy vậy, Moskva vẫn thể hiện sự thận trọng về triển vọng “tiếp cận” với Tổng thống đắc cử Mỹ trong tương lai. Sự thận trọng này không chỉ xuất phát từ cuộc đối đầu đang diễn ra trong quan hệ Mỹ-Nga mà còn từ cách thức tiếp cận trước đây với chính quyền Trump nhiệm kỳ thứ nhất. Trong giai đoạn đó, Mỹ đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với Nga, rút khỏi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng và tuyên bố một kỷ nguyên mới về cạnh tranh chiến lược với cả Nga và Trung Quốc.
Ông Dmitry Suslov, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu toàn diện châu Âu và quốc tế tại Trường Kinh tế cao cấp của Nga đánh giá rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể mang lại nhiều cơ hội hơn để có thể triển khai các thỏa thuận với Nga. "Đầu tiên, vì lần này không còn cáo buộc dai dẳng nào về cái gọi là sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ, cũng như các tuyên bố về sự ‘thông đồng’ giữa Điện Kremlin và nhóm của ông Trump. Ông ấy hiện được coi là một tổng thống được bầu hợp pháp. Thứ hai, nhóm mới nổi của ông Trump dự kiến sẽ có được sự thống nhất trong nội bộ hơn, không giống như trong nhiệm kỳ đầu tiên khi một số cá nhân ‘tích cực phá hoại’ chính sách đối ngoại của ông, bao gồm cả các quyết định liên quan đến Nga. Thứ ba, đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát Quốc hội trong ít nhất 2 năm tới", ông Suslov giải thích.
Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo không nên mong đợi bất kỳ đột phá đáng kể nào. Ông vẫn hoài nghi về khả năng Moskva và Washington đạt được thỏa thuận về Ukraine.
"Các điều khoản giải quyết xung đột Ukraine mà Nga có thể tối thiểu chấp nhận được sẽ xuất hiện với Mỹ như một thất bại thảm hại. Trong bối cảnh này, bất kỳ nhượng bộ nào đối với Nga - chẳng hạn như về vấn đề quan trọng là phi quân sự hóa Ukraine - có khả năng sẽ gây ra sự thù địch từ cả những người theo chủ nghĩa diều hâu của Đảng Cộng hòa và Dân chủ, cũng như các đồng minh của Mỹ ở châu Âu", ông Suslov kết luận.
Lệnh ngừng bắn Israel - Hamas đạt được trước khi ông Trump nhậm chức?
Theo hãng tin Axios dẫn lời một quan chức Israel, các quan chức Mỹ đang cố gắng làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Israel và phong trào Hamas trong những ngày tới, thậm chí trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1. Nỗ lực này được cho là do Đặc phái viên đề cử về Trung Đông của chính quyền Trump, Steve Witkoff, dẫn đầu. Ông Steve Witkoff đã tham gia các cuộc đàm phán tại các phiên họp tại Israel và Qatar về vấn đề đề này trong thời gian gần đây.
Vào ngày 12/1, một phái đoàn Israel đã đến Qatar để đàm phán về một thỏa thuận triển vọng nhằm đảm bảo việc thả các con tin do Hamas giam giữ. Tờ Jerusalem Post trích dẫn nguồn tin cho biết rằng quyết định cử phái đoàn đến Doha được thúc đẩy bởi những tiến triển trong vòng đàm phán trước đó.
Ông Sergey Balmasov, chuyên gia cấp cao tại Viện Trung Đông, ước tính khả năng ngừng bắn giữa Israel và Hamas vào ngày 20/1 là khoảng 10-15%. Ông tin rằng tình hình hiện tại ở Trung Đông có lợi cho Israel, xét đến tình hình suy yếu của phong trào Hezbollah có mối liên kết với Hamas ở Liban và ảnh hưởng giảm sút của Iran ở Syria sau sự sụp đổ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Bà Lyudmila Samarskaya, nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế thể hiện sự đồng quan điểm với những đánh giá trên. Bà lưu ý rằng trong quá khứ đã có nhiều dự đoán lạc quan về một thỏa thuận giữa Israel và Hamas, tuy nhiên các cuộc đàm phán lại thường sụp đổ vào phút cuối do những khác biệt không thể giải quyết trong lập trường của các bên.
Trong khi đó, ông Balmasov lập luận rằng mục tiêu chính khi cử một phái đoàn Israel do Giám đốc cơ quan tình báo Mossad dẫn đầu, đến Doha nhằm mục đích tạo chiến thuật “nghi binh” với phía Mỹ và phe đối lập trong nước. Điều này cho phép quân đội Israel có điều kiện tập hợp và tăng cường các cuộc tấn công ở Dải Gaza. Những cảnh báo của Trump về “địa ngục” sẽ bùng nổ ở Trung Đông nếu không đạt được thỏa thuận nào trước ngày 20/1 cho thấy chính quyền Nhà Trắng mới có thể đã “gỡ điểm nghẽn” cho Israel và sẵn sàng cung cấp thêm nguồn lực quân sự cho đồng minh. Các nguồn lực này có khả năng sẽ được chuyển hướng từ mặt trận Ukraine và có thể gây ra những hậu quả khó lường cho Trung Đông nói chung.
Moskva, Tehran lên kế hoạch ký Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian sẽ đến thăm Moskva vào ngày 17/11 để hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và ký kết Hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện. Văn bản mới này sẽ thay thế thỏa thuận được ký kết vào năm 2001 và nâng tầm mối quan hệ giữa Moskva và Tehran trong bối cảnh căng thẳng leo thang với phương Tây. Một nguồn tin ngoại giao Iran đã trao đổi với tờ Kommersant rằng một trong những ưu tiên chính của Iran sẽ là hợp tác với Moskva trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng.
"Một phần quan trọng của thỏa thuận sẽ tập trung vào hợp tác thương mại, kinh tế và năng lượng, cùng với quan hệ đối tác trong các vấn đề quốc phòng và an ninh", một nguồn tin ngoại giao Iran cho biết.
"Việc phát triển thỏa thuận này bắt đầu từ năm 2014 và tiếp tục qua nhiều chính quyền Iran. Văn bản chuẩn bị ký kết về cơ bản là phiên bản nâng cấp của thỏa thuận hợp tác dài hạn được 2 nước hoàn thiện vào cuối năm 2001. Từ năm 2003, khi thỏa thuận này có hiệu lực, nó vẫn có hiệu lực trong 10 năm cho đến năm 2013, sau đó được tự động gia hạn thêm 5 năm. Hiện tại, văn bản này vẫn đóng vai trò là nền tảng cho quan hệ đối tác Iran-Nga. Tuy nhiên, khi Iran và Nga mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong 2 hoặc 3 thập kỷ qua, chúng tôi nhận thấy cần phải cập nhật văn bản trước đó để phù hợp với thực tế mới và phạm vi mở rộng của mối quan hệ của chúng tôi", nguồn tin từ Iran trao đổi với tờ Kommersant.
Nga và Iran đang có những bước đi mới nhằm hướng tới mối quan hệ bền chặt hơn ngay trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người đã ám chỉ khả năng tiến hành cuộc chiến với Iran, bao gồm cả các cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của nước này. Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng ông Trump đang cân nhắc các cuộc không kích phủ đầu vào Iran để ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân.
Tờ báo trên lưu ý rằng rất có khả năng Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện sắp tới giữa Nga và Iran sẽ sớm phải đối mặt với nhiều thách thức và trở thành điểm gây tranh cãi lớn trong quan hệ của cả hai nước với Mỹ và phương Tây.