Lên phương án ứng phó lũ kéo dài 1 tháng
'Chúng tôi đã lên kịch bản ứng phó chi tiết với từng điều kiện thiên tai, kể cả tính đến việc mưa lũ có thể kéo dài một tháng', Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Mưa lũ suốt gần một tuần qua khiến nhiều tỉnh miền Trung có nguy cơ kiệt quệ cả về lương thực dự trữ và nguồn nhân lực ứng phó. Ba tỉnh, thành phố là Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã phải xin hỗ trợ khẩn cấp hàng hóa dự trữ quốc gia (gạo, mỳ tôm, lương khô, rau củ...) để tiếp tục ứng phó với thiên tai.
Lũ lụt diện rộng chưa có hồi kết. Thiên tai còn có xu hướng ngày càng cực đoan do miền Trung liên tiếp hứng chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây mưa lớn.
Trao đổi với Zing, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng diễn biến mưa lũ những ngày tới có thể gây ra hệ lụy khó lường. Các biện pháp ứng phó mặc dù đang phát huy hiệu quả nhưng nếu lũ lụt kéo dài, sức chịu đựng của hạ tầng, người dân và chính quyền có thể chạm đến giới hạn.
Lo ngại dân quá sức chịu đựng
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, đợt mưa lũ những ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và của cho các tỉnh Trung Trung Bộ. Ngoài triển khai phương án khắc phục hậu quả, việc mà cả lãnh đạo và người dân địa phương cần làm là tiếp tục theo dõi dự báo tình hình thời tiết trong vòng 5 ngày tới.
“Vài ngày tới, Quảng Nam và Quảng Ngãi là nơi có nguy cơ cao nhất hứng chịu các đợt mưa lớn kéo dài gây ra ngập lụt diện rộng. Chúng tôi đang đặc biệt lưu tâm đến 2 địa phương này”, ông Hiệp nói.
Ngoài ra, ảnh hưởng của bão số 7 trên Biển Đông có thể gây ra đợt mưa lớn cho các tỉnh Bắc Trung Bộ. Các dự báo cho thấy lượng mưa tích lũy những ngày tới ở Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình rất lớn.
Không còn là nguy cơ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng miền Trung chuẩn bị đối mặt với ngập lụt diện rộng.
Trong 10 ngày tới, cơ quan khí tượng dự báo mưa lũ miền Trung chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu tình trạng kéo dài, ông Hiệp cho rằng cả hạ tầng và con người đều quá sức chịu đựng.
“Các địa phương đều có phương án sẵn sàng ứng phó và chủ động từ sớm theo thông tin dự báo. Nhưng nếu bão lũ xuất hiện diện rộng và lâu như đợt này, mọi thứ sẽ diễn biến rất cực đoan”, Thứ trưởng Hiệp nhận định.
Phân tích thêm về yếu tố cực đoan, ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho rằng thực trạng các hồ chứa khu vực Trung Trung Bộ đã đầy, không còn hoặc còn ít khả năng cắt lũ. Đất cũng đã ngâm trong nước nhiều ngày, gây ra tình trạng bão hòa nước.
Mưa lớn tiếp diễn trong khi nước lũ chưa kịp rút khiến tính tổn thương trước thiên tai bão, mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt là khu vực Trung Trung Bộ cao hơn.
"Trọng tâm của mưa lũ những ngày tới vẫn là các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Lũ trên các sông phổ biến ở báo động 2 và báo động 3, nhiều khả năng tiếp tục ghi nhận các số liệu lịch sử về mực nước lũ", Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nói.
Nói thêm về nguyên nhân của đợt mưa lũ này, ông Long cho biết đây là diễn biến điển hình của sự kết hợp giữa dải hội tụ nhiệt đới đi ngang qua Trung Bộ và không khí lạnh. Tương tự dải mây Fron Mei-yu gây mưa lũ lịch sử ở Trung Quốc cách đây chưa lâu, hình thái gây mưa cho miền Trung thời kỳ này có năm hoạt động yếu, có năm lại mạnh.
Năm nay, dải hội tụ nhiệt đới này hoạt động mạnh, kèm theo tương tác của nhiều hình thái cực đoan trên Biển Đông khiến tình hình diễn biến xấu.
Dự báo mưa lớn suốt tháng 10
Nhận định về biện pháp ứng phó với thiên tai, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng các địa phương đã triển khai phương án hiệu quả. Hiện, một số sông ở Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã vượt đỉnh lũ năm 2017 nhưng mọi thiệt hại đều giảm hơn, do người dân chủ động và chính quyền quyết tâm.
Ông Hiệp cho rằng có 2 yếu tố quan trọng giúp công tác ứng phó đạt hiệu quả. Thứ nhất, người dân đã có kinh nghiệm trong các đợt lũ lịch sử trước đó. Khi mưa trút xuống, nước lũ dâng cao, người dân hoàn toàn chủ động trong việc kê cao tài sản, di dời tránh lũ. Đây là yếu tố quan trọng.
"Tôi gọi đó là kinh nghiệm trận mạc. Kể cả tài sản chỉ có một chiếc xe máy thì nếu có kinh nghiệm, người dân cũng sẽ biết phải kê nó lên như thế nào khi mưa lũ trút xuống, thay vì lúng túng không kịp ứng phó", ông Hiệp phân tích.
Yếu tố thứ hai là sự chỉ đạo của chính quyền bám sát với các kịch bản đã được đưa ra. Theo đó, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã đưa ra các kịch bản chi tiết đến từng địa phương, dự báo về lượng mưa và mực nước lũ cùng các phương án ứng phó. Lực lượng chức năng sẽ bám vào đó và triển khai xuống từng cơ sở, từng hộ dân.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, trong các kịch bản được tính đến, Ban chỉ đạo cũng phải đưa ra phương án ứng phó trong trường hợp mưa lũ miền Trung kéo dài một tháng.
"Trước đó, Trung Quốc đã trải qua đợt mưa lũ diện rộng kéo dài đến 2 tháng. Ở Việt Nam, trước mắt, chúng tôi chỉ tính đến trường hợp cực đoan là mưa lũ trong một tháng và thậm chí còn phải lên kịch bản cho tình huống vừa mưa lũ, vừa dịch bệnh", ông Hiệp nói.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, với tình huống rất cực đoan là mưa lũ kéo dài đi kèm với diễn biến dịch Covid-19 phức tạp trở lại, nhà chức trách phải tính toán đến các yếu tố di dời dân cư làm sao vừa đảm bảo sức khỏe, vừa đảm bảo an toàn cho người dân. Dù vậy, đây vẫn chỉ là phương án dự phòng.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho rằng trong vòng 10 ngày tới, trạng thái mưa lũ ở miền Trung chưa có dấu hiệu chấm dứt do liên tục chịu ảnh hưởng của 2 xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông.
Xa hơn nữa, sự kết hợp của các hình thái gây mưa lớn cho khu vực Trung Bộ được dự báo duy trì trong suốt tháng 10. Chuyên gia cho biết còn quá sớm để nhận định được thời điểm kết thúc đợt mưa lũ ở miền Trung, do các dự báo càng xa càng có nhiều sai số.
Nguy cơ từ hồ chứa, đập thủy điện
Nói thêm về nguy cơ thiên tai thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng các địa phương cần đặc biệt chú trọng đảm bảo an toàn hồ đập.
Hơn 2.300 hồ đập trải dọc Trung Trung Bộ hiện đã tích được 50-60% dung tích nước trong đợt mưa lũ vừa qua. Các địa phương và chủ hồ chứa có thể lạc quan khi dung tích chứa nước ở các hồ vẫn còn.
"Dù vậy, nguy cơ cao nhất lại đến từ các hồ nhỏ, đặc biệt nhiều hồ thủy điện hiện đã đầy nước. Việc xả lũ từ các hồ chứa này có thể gây nguy cơ lũ chồng lũ", ông Hiệp nói.
Ngoài ra, nhiều chủ hồ lại có suy nghĩ "tiếc nước", không muốn xả thì khi mưa lũ về dồn dập sẽ gây nguy cơ mất an toàn hồ đập. Do đó, lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu chủ các hồ chứa, hồ thủy điện cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về việc xả lũ, thực hiện nghiêm theo lệnh, không tự ý xả lũ hay đóng cửa xả khi chưa có chỉ đạo.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 3 ngày tới, tình hình mưa lũ ở Trung Bộ còn diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của bão số 7 khả năng đổ bộ ngày 15/10.
Ngày 12-13/10, lượng mưa ghi nhận được ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế dao động 200-400 mm, có nơi trên 500 mm. Các tỉnh, thành phố như Quảng Bình, Đà Nẵng có mưa lớn 100-200 mm. Mưa cũng mở rộng ra Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi với lượng 80-150 mm.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong vòng 5 ngày qua, mưa lũ ở miền Trung đã làm 23 người chết và 14 người mất tích. Quảng Trị đang là nơi ghi nhận thiệt hại về người nặng nề nhất với 7 người chết và 6 người mất tích.
Mưa lũ cùng làm hơn 382 nhà đổ sập và hư hỏng, 109.000 ngôi nhà bị ngập. Sạt lở xảy ra tại 108 điểm trên quốc lộ, làm hư hỏng hơn 8,6 km đường giao thông địa phương.