Thành phố Huế chính thức trực thuộc Trung ương từ 1/1/2025
Từ ngày 1/1/2025, Thành phố Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với diện tích gần 5.000 km2, và quy mô dân số hơn 1,2 triệu người của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay...
Sáng 30/11, Quốc hội khóa XV đã quyết định thông qua Nghị quyết thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, với đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết thành. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, Thành phố Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2, và quy mô dân số là 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quyết định việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc Thành phố Huế bảo đảm có hiệu lực thi hành cùng thời điểm với Nghị quyết này.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh tỉnh Thừa Thiên Huế được đổi tên để hoạt động với tên gọi Thành phố Huế kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Huế kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành) và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này; sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của Nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.
Trường hợp Hội đồng nhân dân quận thuộc Thành phố Huế không đủ 2/3 tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thì Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Huế chỉ định Quyền Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Huế thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 3 Điều 138 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Huế chỉ định Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân quận lâm thời và quyết định thành lập cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận lâm thời.
Ủy ban nhân dân quận lâm thời thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân quận theo quy định của pháp luật và hoạt động cho đến khi Ủy ban nhân dân quận nhiệm kỳ 2026 - 2031 được thành lập.
Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, ngoài các chế độ, chính sách đối với thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ chế, chế độ, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục được thực hiện trên địa bàn Thành phố Huế cho đến hết giai đoạn áp dụng, hoặc đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trước khi Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, cho biết tất cả ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội đều tán thành cao với chủ trương thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Một số ý kiến góp ý cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và thấy rằng việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương có ý nghĩa hết sức quan trọng, ghi nhận và đánh dấu thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị của cả nước.
Đối với ý kiến còn băn khoăn về tỷ lệ số đơn vị hành chính đô thị trực thuộc Thành phố Huế, và chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước còn thấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng Thành phố Huế được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm là để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận.
Nên về nguyên tắc, sẽ không nhấn mạnh yêu cầu về tỷ lệ đô thị hóa mà chú trọng nhiều hơn cho việc bảo đảm chất lượng, và tính bền vững trong phát triển đô thị.
Việc thành lập Thành phố Huế sẽ là động lực để Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt, có phương hướng và kế hoạch đầu tư, phát triển cụ thể.
Qua đó, nhằm tăng cường chất lượng đô thị, phát triển nhanh, mạnh và bền vững kinh tế đô thị, từng bước nâng cao thu nhập bình quân đầu người, và các chỉ tiêu phát triển khác trên địa bàn Thành phố Huế.
Cùng với việc tán thành chủ trương thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, các đại biểu Quốc hội cũng nêu một số kiến nghị, đề xuất đối với thành phố sau khi được thành lập.
Chẳng hạn như cần bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Huế; vấn đề thu, chi ngân sách và đầu tư công; vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu; việc đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân; các chính sách đổi mới khoa học, công nghệ.
Chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bảo vệ đất rừng phòng hộ; việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản hiện hữu, bản sắc văn hóa Huế; việc thay đổi mô hình quản lý nhà nước…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội, cùng với sự đồng thuận và quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân địa phương, diện mạo đô thị Thừa Thiên Huế đã có sự tiến bộ vượt bậc cả về chất và lượng, tạo nhiều dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện chất lượng đời sống của Nhân dân.
Do đó, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, sau khi Thành phố Huế trực thuộc Trung ương được thành lập, đề nghị Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương tiếp tục có biện pháp cải thiện và nâng cao trình độ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút các nguồn vốn đầu tư đa dạng trên địa bàn, thúc đẩy quá trình phát triển ổn định, bảo đảm cân đối, hài hòa dựa trên nguyên tắc vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Thành phố Huế.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu phát triển của Thành phố Huế trực thuộc trung ương để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Trong quá trình phát triển, để việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đạt hiệu quả cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc chính quyền Thành phố Huế triển khai nghiêm túc các chủ trương, yêu cầu nói trên; các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội cũng có trách nhiệm trong việc giám sát thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.