Lễ rước kiệu đặc sắc tại Chùa Phượng Vũ, Thái Bình
Trong 2 ngày 6 và 7/2/2024 (tức ngày mùng 9 và 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Lễ hội chùa Phượng Vũ (xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) được tổ chức đã thu hút đông đảo khách thập phương. Điểm nhấn của lễ hội này là nghi thức rước kiệu đi dưới nước, gồm ba kiệu là Song Loan, Long Đình và Kiệu Lễ.
Quần thể di tích lịch sử văn hóa Đền - Chùa Phượng Vũ được xây dựng từ đời nhà Lý, vào khoảng năm Đinh Tỵ, cách nay hơn 900 năm, là nơi tôn thờ đức Đệ Tam Thánh Tổ Lý triều Quốc sư Từ Đạo Hạnh và Vua Lý Thần Tông - người đã có công giúp dân trồng lúa, trồng dâu, cơi đê gieo hạt, đắp đê trị thủy, trừ đạo ôn hại lúa và chữa bệnh cứu người; truyền kinh giảng đạo, cứu độ chúng sinh. Người đã cùng với các vua nhà Lý, khuyến khích muôn dân, trăm họ trong việc phát triển nông nghiệp trên đất Kỳ Bố Hải Khẩu xưa, nay là vùng đất thuộc tỉnh Thái Bình.
![Trụ trì Chùa Phượng Vũ - Đại đức Thích Thẩm Vi cùng Chủ hội và các phù giá (người khênh kiệu) tại Lễ khai mạc chuẩn bị cho màn rước kiệu đặc sắc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_59_51419087/ce864a54731a9a44c30b.jpg)
Trụ trì Chùa Phượng Vũ - Đại đức Thích Thẩm Vi cùng Chủ hội và các phù giá (người khênh kiệu) tại Lễ khai mạc chuẩn bị cho màn rước kiệu đặc sắc
![Mỗi kiệu có đoàn phù giá (người khênh kiệu) gồm 8 người là trai tráng trong làng từ 18 tuổi trở lên được tuyển chọn từ hơn 100 ứng viên đăng ký rước kiệu. Họ phải làm lễ xin đài âm dương hôm mùng 6 tháng Giêng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_59_51419087/19b38761be2f57710e3e.jpg)
Mỗi kiệu có đoàn phù giá (người khênh kiệu) gồm 8 người là trai tráng trong làng từ 18 tuổi trở lên được tuyển chọn từ hơn 100 ứng viên đăng ký rước kiệu. Họ phải làm lễ xin đài âm dương hôm mùng 6 tháng Giêng.
![Màn rước kiệu xuất phát từ Đình làng, được rước qua nhiều ao hồ, ruộng đồng, sông nước và qua nhà các đời chủ hội để lên Chùa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_59_51419087/132bbcf985b76ce935a6.jpg)
Màn rước kiệu xuất phát từ Đình làng, được rước qua nhiều ao hồ, ruộng đồng, sông nước và qua nhà các đời chủ hội để lên Chùa
Đức Từ Đạo Hạnh quê ở làng Láng, quận Đống Đa, Hà Nội. Sau khi cùng hai người bạn tâm giao là Đỗ Giác Hải và Nguyễn Minh Không (tức Đức thánh hiện thờ tại chùa Keo và chùa Lạng, huyện Vũ Thư) sang Tây Trúc học đạo và khổ công tu luyện. Từ Đạo Hạnh đã đạt tới lục trí thần thông, sau này trở thành Quốc sư Nhà Lý.
Từ đất phật Tây phương trở về, Từ Đạo Hạnh tiếp tục tu luyện tại chùa Quán Đính, núi Không Lộ tỉnh Sơn Tây xưa, nay là chùa Thầy tọa lạc trên núi Sài Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Người đã chọn nơi hành đạo là đất Phượng Vũ (Chùa Phượng Vũ, thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Những năm tháng tu luyện, hành đạo tại Phượng Vũ Tự, Đức Từ Đạo Hạnh đã vi hành khắp nơi. Đi tới đâu người cũng giúp dân cấy lúa, trồng dâu, trừ đạo ôn hại lúa, chữa bệnh cứu người và hoằng dương phật pháp.
![Thời tiết tại Thái Bình sáng ngày 6/2 khoảng 15 độ C, các phù giá vẫn có thể chân trần đi bộ, ngâm mình dưới nước kéo dài hàng giờ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_59_51419087/884d2e9f17d1fe8fa7c0.jpg)
Thời tiết tại Thái Bình sáng ngày 6/2 khoảng 15 độ C, các phù giá vẫn có thể chân trần đi bộ, ngâm mình dưới nước kéo dài hàng giờ
![Đông đảo người dân và du khách thập phương nô nức chạy theo các kiệu để xem những màn rước đặc sắc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_59_51419087/9a992b4b1205fb5ba214.jpg)
Đông đảo người dân và du khách thập phương nô nức chạy theo các kiệu để xem những màn rước đặc sắc
![Màn rước kiệu qua nhiều ao hồ, ruộng đồng, sông nước tạo nên những hình ảnh ấn tượng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_59_51419087/96435a9163df8a81d3ce.jpg)
Màn rước kiệu qua nhiều ao hồ, ruộng đồng, sông nước tạo nên những hình ảnh ấn tượng
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Đền - Chùa Phượng Vũ là nơi che chở, hội họp và hoạt động của lực lượng cán bộ, bộ đội, dân quân, du kích khắp vùng thuộc địa phận huyện Thư Trì. Từ địa điểm trú ẩn bí mật này, nhân dân Thọ Lộc, Minh Khai đã nuôi dấu, cứu chữa cán bộ, chiến sĩ của ta làm điểm đừng chân, nghe ngóng và lợi dụng sơ hở của quân Pháp cùng bọn mật thám khắp vùng chọn thời cơ thích hợp vượt tuyến đường 10, nơi có các đồn, bốt, chốt giữ ác ôn của giặc Pháp để tiếp tục đi hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng của địa phương.
Với bề dày lịch sử của khu Đền - Chùa cùng với công lao to lớn của Quốc sư Từ Đạo Hạnh và Vua Lý Thần Tông, Đền - Chùa Phượng Vũ đã được xếp hạng lịch sử văn hóa từ tháng 5/1993.
![Nhiều phù giá ngâm mình hàng tiếng đồng hồ trong thời tiết giá rét](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_59_51419087/832144f37dbd94e3cdac.jpg)
Nhiều phù giá ngâm mình hàng tiếng đồng hồ trong thời tiết giá rét
![Anh Nguyễn Văn Thùy (phù giá bên phải) chia sẻ, việc được trở thành phù giá là vinh dự của mỗi thanh niên trong làng trong mỗi dịp lễ hội đầu xuân. Để trở thành phù giá, các thanh niên trai tráng trong làng phải chuẩn bị đủ sức khỏe, sức bền để phục vụ lễ rước trong 4-5 tiếng đồng hồ. Mặc dù mệt, giá rét nhưng các phù giá vẫn rất vui vẻ và hy vọng một năm mới bình an.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_59_51419087/539e804cb902505c0913.jpg)
Anh Nguyễn Văn Thùy (phù giá bên phải) chia sẻ, việc được trở thành phù giá là vinh dự của mỗi thanh niên trong làng trong mỗi dịp lễ hội đầu xuân. Để trở thành phù giá, các thanh niên trai tráng trong làng phải chuẩn bị đủ sức khỏe, sức bền để phục vụ lễ rước trong 4-5 tiếng đồng hồ. Mặc dù mệt, giá rét nhưng các phù giá vẫn rất vui vẻ và hy vọng một năm mới bình an.
Trụ trì Chùa Phượng Vũ - Đại đức Thích Thẩm Vi cho biết, nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, hàng năm ngôi chùa mở hội dịp đầu Xuân vào ngày mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng để tưởng nhớ công ơn Đức Thánh, người có nhiều công lao to lớn với dân, với nước và cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.