Lựa mua thực phẩm chay sao cho an toàn?
Sử dụng thực phẩm chay đang là lựa chọn của nhiều người trong các bữa ăn hằng ngày. Đặc biệt, trong thời điểm tháng Giêng âm lịch, thị trường sản phẩm này cũng sôi động hơn, với đa dạng chủng loại và nguồn gốc, xuất xứ.
Thị trường thực phẩm chay “đa dạng”
Xu hướng ăn chay ngày càng phổ biến khiến các cửa hàng bán đồ chay mọc lên tràn lan. Từ chợ truyền thống cho đến các trang thương mại điện tử, hay trong siêu thị đều có bán rất nhiều món đồ chay.
Từ nem, giò, chả,… tới thịt, cá, tôm, mực, được sản xuất và chế biến dưới dạng đồ chay đông lạnh, đồ chay khô, đóng hộp hoặc chế biến sẵn, với giá bán dao động từ vài chục nghìn đến mấy trăm nghìn/kg tùy loại.
Ngoài ra, thị trường còn có đầy đủ các loại gia vị chay như: sa tế, nước mắm, dầu hào chay, bột nêm rau củ... để người tiêu dùng thoải mái chế biến các món ăn thanh đạm tại nhà.
![Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua các thực phẩm chay từ chợ truyền thống...](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_522_51420348/db40cbe9f2a71bf942b6.jpg)
Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua các thực phẩm chay từ chợ truyền thống...
Theo chị Nguyễn Thị Thảo Trang (quận Bình Thạnh, TP HCM), thị trường thực phẩm chay hiện rất phong phú về chủng loại, gần như thực phẩm tươi sống có món gì thì thực phẩm chay có món đó.
“Trong các ngày rằm, 30, mùng 1, đặc biệt trong tháng Giêng, tháng 7 và tháng 10 âm lịch, gia đình tôi thường làm cơm chay để thắp hương ông bà, tổ tiên. Đơn cử, như các món: đậu hũ chiên sả ớt, canh chua, rau củ quả luộc... hoặc nem nướng, thịt gà được đóng gói sẵn, mua về chỉ việc chiên hoặc hấp lên... Nói chung, các món chay hiện chế biến rất nhanh và tiện lợi”, chị Trang cho hay.
Bà Nguyễn Thị Lan, chủ một quầy thực phẩm chay tại chợ Bình Tây (còn gọi là Chợ Lớn), quận 6, TP HCM cho biết, “đồ mặn có cái gì thì đồ chay đều có hết. Nào là sườn non 120.000 đồng/kg, heo lát và gà lát 140.000 đồng/kg, bò lát 150.000 đồng/kg, bóng cá 145.000 đồng/kg, thịt bằm 150.000 đồng/kg, gà cục 140.000 đồng/kg,... Khách hàng mua về có thể tùy ý chế biến thành những món mình ưa thích”.
Tại các chợ lẻ ở TP HCM như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Hòa Bình (quận 5), Bàn Cờ (quận 3), Rạch Ông (quận 8)…, phóng viên ghi nhận có rất nhiều sạp bán thực phẩm chay chế biến sẵn giống như đồ mặn với tên gọi đùi gà chay, heo quay, lẩu, pate, xúc xích, chả các loại... được đóng gói bằng ni-lon và bán với giá từ 80.000 -120.000 đồng/kg. Một số sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng, còn lại đa số đều không nhãn mác, không địa chỉ, không hạn sử dụng.
Khi phóng viên thắc mắc sản phẩm không nhãn mác, không hạn sử dụng có an toàn cho người dùng thì được người bán giải thích “có thịt cá thật gì đâu mà lo sợ bị hư hỏng”, “để cả năm sau cũng vẫn ăn được ngon lành”.
Thận trọng khi lựa chọn thực phẩm chay
Đứng trước thị trường thực phẩm chay đa dạng, người mua rất khó để xác định mức độ an toàn của những món ăn này.
Trên thực tế, nhiều vụ thực phẩm chay mất an toàn vệ sinh đã được các cơ quan chức năng phát hiện. Do đó, để chọn được sản phẩm chất lượng, an toàn cho sức khỏe, người tiêu dùng nên đến các nơi cung cấp có uy tín, thương hiệu, quan sát kỹ thông tin, thành phần trên bao bì sản phẩm. Tuyệt đối không mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm bị biến dạng, hàng không nhãn mác.
Riêng thực phẩm chay khô hoặc đã chế biến sẵn, người tiêu dùng nên tìm những thương hiệu có uy tín, lâu năm, đặc biệt là có giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng.
Việc sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ có nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Cùng với đó, thói quen mua hàng trên mạng của người dân và việc bán hàng trên mạng khiến cho việc quản lý và đảm bảo an toàn thực phẩm lại càng khó khăn hơn.
![...đến các trang mạng xã hội. Nguồn: IT](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_522_51420348/707467dd5e93b7cdee82.jpg)
...đến các trang mạng xã hội. Nguồn: IT
Theo các chuyên gia, thực phẩm chay khô và đóng gói thường có một lượng chất bảo quản nhất định. Đặc biệt, những thực phẩm chay “giả mặn” thường được làm từ bột, đậu, protein thực vật nên buộc phải thêm các loại phụ gia, để tạo mùi, màu, độ dai, giòn... cho giống với đồ mặn. Việc thêm chất phụ gia vào thực phẩm cần được kiểm soát trong ngưỡng quy định. Nếu dùng phụ gia không đúng liều lượng, nhất là sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc, được bán trôi nổi trên thị trường thì sẽ gây hại không nhỏ cho sức khỏe. Đáng nói là rất nhiều mặt hàng chay ngày nay không có nguồn gốc, xuất xứ hay thành phần.
Bởi vậy, các nhà hàng chay lâu năm rất hạn chế sử dụng những sản phẩm chế biến sẵn. Người làm đồ chay thậm chí còn phải hiểu về cách kết hợp các nguyên liệu với nhau, mới có thể đảm bảo một bữa ăn chay đủ dinh dưỡng và an toàn.
BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng từng khuyên rằng, cách ăn chay an toàn nhất đó là tự chế biến tại nhà, sử dụng rau củ tươi, các loại đậu, đỗ. Không nên lạm dụng các món đồ chay “giả mặn” có chứa phụ gia, phẩm màu giống với các món ăn mặn. Các nhà sản xuất cũng không nên vì trục lợi cá nhân mà chế biến món chay chứa phụ gia độc hại, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, tạo ra mối hiểm họa khôn lường cho xã hội.