Lễ Nguyên đán thời Nguyễn
Nguyên đán là một điển lễ triều hội của Triều Nguyễn, xưa lễ này gọi là 'tiết Nguyên đán' (tết Nguyên đán). Theo quy định được tổ chức tại những địa điểm quan trọng gọi là 'Ngự tiền' (là khu vực phía trước vua ngự - cụ thể là ở điện Thái Hòa và điện Cần Chánh). Lễ Nguyên đán còn tổ chức ở Từ Cung (sau này là cung Diên Thọ, nơi ở của thân mẫu nhà vua), ở điện Khôn Đức (sau này là cung Khôn Thái, nơi ở của hoàng hậu), ở Thanh Cung (nơi ở của Hoàng thái tử). Lễ tổ chức vào ngày mồng 1 Tết với những nghi tiết gắn liền điển lệ cung đình.
Trong các lễ ấy thì lễ Nguyên đán ở Ngự tiền là quan trọng nhất. Trong năm, triều đình tổ chức ba tiết lớn ở Ngự tiền, đó là tiết Nguyên đán (đón năm mới), tiết Đoan dương (tức tết Đoan ngọ) và tiết Vạn thọ (mừng sinh nhật vua).
Trong các nghi lễ triều hội, một nghi thức không thể thiếu là bắn thần công chào mừng. Đối với lễ Nguyên đán, điều này càng có ý nghĩa đặc biệt vì đó là sự kiện mở đầu năm mới với những ước vọng tốt đẹp. Việc triển khai bắn thần công ở lễ Nguyên đán diễn ra tại Ngọ Môn rất trang nghiêm và rầm rộ. Theo lệ, cứ hằng năm vào ngày tiết Nguyên đán và đêm Trừ tịch đều bắn pháo ở trước sân Ngọ Môn. Theo một tài liệu Châu bản còn lưu giữ đã ghi nhận, rằng vào tiết Nguyên đán, đêm Trừ tịch đều theo lệ bắn đại bác ở sân trước lầu Ngọ Môn 500 phát.
Trước khi diễn ra, Bộ Lễ chuẩn bị các nghi vệ, tự khí đặt Đại triều ở điện Thái Hòa, đặt Thường triều ở điện Cần Chánh. Tại các lễ, các quan sẽ dâng biểu chúc mừng nhà vua. Các quan Truyền chỉ ban ân của vua trong dịp Nguyên đán với các nghi thức trang nghiêm… Đầu tiên là những nghi thức tại điện Thái Hòa. Nhà vua xa giá từ điện Cần Chánh, ra Đại Cung Môn và lên điện Thái Hòa để thân hành chứng lễ…
Sau khi mọi việc chuẩn bị đều đã được sắp đặt xong, bấy giờ vua trong trang phục hoàng bào, đeo đai ngọc, đội mũ cửu long, cầm hốt ngọc khuê bắt đầu ra khỏi khu vực Tử Cấm Thành. Một viên Quản vệ loan giá cầm đai vàng rồi chuyển cho đội Hộ vệ bày loan giá (kiệu vua). Đội hộ giá đưa kiệu đến trước điện Cần Chánh, thỉnh nhà vua lên kiệu và bắt đầu khởi giá từ điện Cần Chánh (lúc này tại lầu Ngũ Phụng ở Ngọ Môn, một hồi chuông trống trỗi lên). Đoàn hộ giá rước vua ra khỏi cửa Đại Cung Môn, nhà vua bước xuống kiệu, Đại nhạc nổi lên, trống chuông dừng hẳn. Vua vào điện Thái Hòa, lên ngự tọa ở ngai vàng. Lư trầm hương trong điện được đốt lên, Đại nhạc ngưng tiếng.
Viên Tán lễ xướng: Tấu Lý bình chi chương, các ca công hát lời Lý bình. Bài nhạc chương Lý bình này luôn gắn với nghi tiết vua ngự đến điện, lên ngai vàng. Tiếp đến, viên Tán lễ xướng: Bài ban, tấu Túc bình chi chương, các ca công hát. Trong âm giai và nội dung đó, theo lời xướng: Bái - Hưng của viên Tán lễ, muôn quan lạy vua 5 lạy.
Sau khi các quan đã bình thân, viên Tán lễ xướng: Hành khánh hạ lễ (làm lễ Khánh hạ), Bách quan giai quỳ. Tất cả các quan đều quỳ xuống. Sau lời xướng: Tiến hạ biểu, một viên quan Nội các bước đến án đỏ bưng hộp Biểu mừng đặt lên án vàng ở gian giữa điện, rồi lui xuống. Quan Tuyên độc bước đến gian giữa, hướng vào ngai vua, quỳ xuống. Một viên quan tiến đến lấy biểu ở án vàng, quỳ xuống bên cạnh quan Tuyên độc, rồi mở biểu ra. Sau lời xướng, quan Tuyên độc đọc biểu. Một bài biểu mừng Tết vua thường mở đầu như sau: “Gặp tết Nguyên đán, Tam dương tươi sáng; muôn vật sinh sôi. Non sông một cảnh tượng êm đềm, tiên bàn dâng Thụy; Cung khuyết ba sắc mây đầm ấm, giáp lịch mở đầu. Chúng thần thực lòng hoan hỷ, kính cẩn dâng biểu chúc mừng”.
Sau khi đọc xong, trao lại cho viên quan bên cạnh dâng trở lại tại án vàng, cả hai sau đó đều lui về vị trí cũ. Viên Tán lễ xướng: Phủ phục, Hưng. Tất cả các quan lạy 1 lạy rồi đứng lên. Viên Tán lễ xướng: Tấu Khánh bình chi chương, các ca công hát. Bài nhạc chương Khánh bình này luôn gắn với nghi tiết trăm quan làm lễ Khánh hạ. Trong âm giai và nội dung đó, theo lời xướng: Bái - Hưng của viên Tán lễ, muôn quan lạy vua 5 lạy rồi đứng ngay ngắn như cũ.
Tiếp đó, viên Bộ Lễ bước tới giữa hướng về ngai vàng, quỳ tâu: Thỉnh truyền Chỉ. Quan Truyền chỉ bước lên vái vào ngai vua, rồi lùi xuống sang một bên, quay về bách quan, đứng tuyên: Có chỉ. Quan Phụng chỉ đọc to: Phúc lành đầu năm, Trẫm với các khanh cùng hưởng, sẽ ban yến phân theo thứ bậc. Viên Tán lễ xướng: Phủ phục, Hưng. Tất cả các quan lạy 1 lạy rồi đứng lên. Viên Tán lễ xướng: Hành Tạ ân lễ. Tấu Di bình chi chương, các ca công hát. Bài nhạc chương này luôn gắn với nghi tiết trăm quan làm lễ Tạ ân. Trong âm giai và nội dung đó, theo lời xướng: Bái - Hưng của viên Tán lễ, muôn quan lạy vua 5 lạy rồi ngay ngắn như cũ.
Quan Bộ Lễ ra giữa sân triều, hướng về ngai vàng, quỳ xuống tâu: Khánh hạ lễ thành (Lễ Khánh hạ đã hoàn tất), rồi lui xuống. Viên Tán lễ xướng: Tấu Hòa bình chi chương, các ca công hát. Bài nhạc chương này luôn gắn với nghi tiết vua hồi cung từ điện Thái Hòa. Trong âm giai và nội dung đó, theo lời xướng: Bái - Hưng của viên Tán lễ, muôn quan lạy vua 5 lạy và buổi lễ hoàn tất.
Trong âm thanh của nhạc chương Hòa bình, vua bắt đầu hồi cung. Đội hộ giá thỉnh vua lên kiệu, Đại nhạc nổi lên, vua vào Đại Cung Môn, lên điện Cần Chánh và vào ngự tọa. Các Thân phiên, hoàng thân và quan văn (từ Ngũ phẩm trở lên), quan võ (từ Tứ phẩm trở lên) theo đội ngự giá vào đứng chầu tại sân Cần Chánh. Các viên Thái giám đưa các nhi hoàng đệ (em của vua còn nhỏ) vào điện Cần Chánh lạy vua 5 lạy; các viên Bộ Lễ dẫn các thân công đến trước sân lạy vua 5 lạy. Sau đó, vua truyền chỉ ban yến và ban thưởng tiền thưởng xuân. Đến đây, tất cả các nghi tiết liên quan đến lễ Nguyên đán tổ chức tại điện Thái Hòa và điện Cần Chánh kết thúc.
Tuy nhiên, tùy vào hoàn cảnh cụ thể khác nhau mà quy mô, nghi tiết của lễ Nguyên đán cũng có một số điều chỉnh, thay đổi để phù hợp. Những năm có nhật thực, dịch bệnh, giặc giã, tình hình đất nước không ổn định thì các nghi thức như dâng biểu mừng, ban yến tiệc... tại lễ Nguyên đán cũng có thể lược giảm.
Lễ Nguyên đán ngày xưa diễn ra với nhiều nghi tiết mang tính điển lệ. Sau các nghi thức ở điện Cần Chánh các cuộc yến tiệc vua ban sẽ diễn ra ở điện Cần Chánh và Tả Vu, Hữu Vu. Thân công, Hoàng tử cùng các quan từ Tứ phẩm trở lên dự yến vào ngày mồng 1 Tết. Các quan từ Ngũ phẩm trở xuống dự yến vào ngày mồng 2 Tết. Các quan phủ doãn, quan tỉnh thì dự tiệc yến ở Tả, Hữu Đãi Lậu Viện ở hai bên, trước điện Thái Hòa vào ngày mồng 2 Tết.
Từ năm 2021, lễ thiết triều Nguyên đán do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện được dàn dựng theo hình thức sân khấu hóa với mục tiêu giới thiệu những giá trị văn hóa lễ hội gắn liền với di sản, tái hiện không gian văn hóa gắn liền với di sản kiến trúc.