Lễ Mpú Tôh Kông của dân tộc Ê Đê
Trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, hôm nay 20.4, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Tây Sơn, Hà Nội) đã tái hiện nghi lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê.

Với dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên, các nghi lễ vòng đời đóng vai trò hết sức quan trọng, trong đó có nghi lễ cúng trưởng thành
Đối với dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên, các nghi lễ vòng đời đóng vai trò hết sức quan trọng, là thành tố chính, cấu thành nên bản sắc văn hóa của dân tộc này.
Các nghi lễ vòng đời không chỉ phản ánh rõ nét đặc điểm văn hóa tộc người mà còn có vai trò quan trọng trong đời sống cá nhân và cộng đồng.

Đối với người đàn ông Ê Đê, lúc sinh ra đến lúc trở thành một chàng trai, thành người đàn ông thì lễ cúng trưởng thành rất quan trọng
Đối với người đàn ông Ê Đê, lúc sinh ra đến lúc trở thành một chàng trai, thành người đàn ông biết gánh vác mọi công việc của gia đình, của buôn làng thì lễ cúng trưởng thành rất quan trọng.
Tiếng Ê Đê, lễ trưởng thành (Mpú Tôh Kông) có nghĩa là lễ thôi cồng. Đây là một nghi lễ quan trọng khẳng định thời điểm người đàn ông đã được cộng đồng thừa nhận đã là người trưởng thành.

Lễ trưởng thành khẳng định thời điểm người đàn ông đã được cộng đồng thừa nhận đã là người trưởng thành
Lễ được tổ chức to hay nhỏ, thời gian làm lễ ở độ tuổi trưởng thành sớm hay muộn cúng từ một lần hay năm lần trong một ngày hay năm ngày.
Lễ vật cúng là gà hay heo hay trâu, một ché rượu, ba ché rượu hay nhiều ché rượu còn tùy thuộc vào từng gia đình.

Trước ngày diễn ra lễ cúng trưởng thành, bố mẹ sẽ đưa người con trai của mình đến gặp thầy cúng để nhờ giúp đỡ
Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam,người dân và du khách được tìm hiểu thêm về tập tục văn hóa độc đáo lâu đời thể hiện sự kết nối với các bậc thần linh, cộng đồng theo tín ngưỡng của đồng bào Ê Đê qua phần tái hiện lễ cúng trưởng thành của chàng trai Y Thoan Niê (xã Krông Jing, huyện M’Drắk, Đắk Lắk).
Theo phong tục của người Ê Đê, trước ngày diễn ra lễ cúng trưởng thành, người mẹ gọi là Amí, người bố gọi là Ama sẽ đưa người con trai của mình là Y Thoan đến gặp thầy cúng để nhờ giúp đỡ.

Lễ vật trong lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê
Sau khi bàn bạc, thầy cúng thống nhất với gia đình về thời gian, lễ vật cúng trưởng thành cho Y Thoan thì gia đình đã mời đội chiêng của buôn làng và thông báo cho họ hàng buôn xa, buôn gần về chung vui với gia đình
Trước khi tiến hành lễ cúng, thầy cúng sẽ kiểm tra lại lễ vật một lần nữa. Lễ vật mà gia đình chuẩn bị cho lễ cúng trưởng thành của Y Thoan gồm có: 3 ché rượu, 3 chén cơm, 3 chén thịt heo luộc, và 3 chén nước.

Khi kiểm tra đầy đủ lễ vật, thầy cúng sẽ ngồi vào vị trí làm lễ
Khi kiểm tra đầy đủ lễ vật, thầy cúng sẽ ngồi vào vị trí và châm nước vào 3 ché rượu, người được cúng trưởng thành là Y Thoan mặc trang phục truyền thống, ngồi trước lễ vật, tiếng chiêng vang lên rộn rã báo hiệu lễ cúng bắt đầu.
Lễ trưởng thành trải qua hai lần cúng, gồm: cúng mời thần linh, mời ông bà tổ tiên về dự lễ; cúng đeo vòng đồng, khấn cầu sức khỏe người được làm lễ.
Trong quá trình lễ cúng diễn ra, người Ê Đê cấm kỵ mọi người đi qua lại, nhằm giữ gìn sự thiêng liêng của buổi lễ.

Thầy cúng làm lễ tháo vòng đồng và đeo vòng đồng mới cho người được làm lễ
Sau khi thầy cúng khấn xong sẽ tiếp tục châm nước vào ba ché rượu ngụ ý muốn cho mọi người hiểu rằng thần linh đã về dự lễ cúng trưởng thành của Y Thoan và đã chứng giám cho Y Thoan.
Tiếp theo thầy cúng mời Y Thoan hưởng lộc từ thần linh bằng cách ăn các lễ vật đã được các thần linh dùng bữa.
Khi Y Thoan ăn các lễ vật xong thì thầy cúng tiếp tục mời Amí, Ama Thoan ăn các lễ vật của thần linh để lấy lộc.

Nghi thức múa khiên để thể hiện khí phách của người đàn ông trưởng thành
Người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ nên ở bất cứ nghi thức nào người phụ nữ cũng là người được mời trước rồi mới đến người đàn ông.
Tiếp theo thầy cúng sẽ làm lễ tháo vòng đồng 7 khấc và đeo vòng đồng mới cho Y Thoan. Theo phong tục của người Ê Đê thì mỗi em bé trai khi sinh ra sẽ được đeo một chiếc vòng đồng vòng 7 khấc vào tay.
Chiếc vòng này sẽ đeo trên tay người con trai cho đến khi làm lễ cúng trưởng thành mới được tháo ra đeo vòng đồng mới. Số lượng vòng đồng được đeo vào tay người được cúng trưởng thành tương ứng với số ché rượu là lễ vật mà gia đình đã chuẩn bị.

Khi thực hiện xong nghi thức múa khiên mọi người uống rượu cần và chúc mừng chàng trai
Nếu cúng 1 ché thì đeo 1 vòng đồng, 3 ché thì đeo 3 vòng đồng hay 5,7 ché thì đeo 5,7 vòng đồng. Và đặc biệt số ché rượu dâng lên thần linh theo phong tục của người ê đê thì luôn là số lẻ.
Sau khi thực hiện nghi thức đeo vòng đồng thì người được cúng trưởng thành sẽ thực hiện nghi thức “Kdǒ Khil” có nghĩa là nghi thức múa khiên để thể hiện khí phách của người đàn ông trưởng thành.

Những người uống rượu cần rượu uống nối tiếp nhau liên tục
Khi thực hiện xong nghi thức múa khiên chàng trai sẽ trở về vị trí ban đầu, lúc này tiếng cồng chiêng đã dứt, thầy cúng sẽ mời chàng trai đến uống rượu nhận lời chúc mừng từ gia đình, họ hàng và bà con trong buôn theo khi thức “Mnăm ring” tức là uống rượu nối tay, những người uống rượu theo nghi thức này sẽ cầm cần rượu uống nối tiếp nhau liên tục.
Tiếng cồng chiêng được xem là ngôn ngữ thiêng liêng, cầu nối giữa con người và thần linh. Âm thanh trầm bổng của cồng chiêng như những lời mời gọi sự chứng giám của thần linh.

không gian văn hóa cồng chiêng trở thành một phần không thể thiếu, thậm chí là linh hồn của các nghi lễ truyền thống
Chính vì thế, không gian văn hóa cồng chiêng trở thành một phần không thể thiếu, thậm chí là linh hồn của các nghi lễ truyền thống.
Cứ như vậy bà con trong buôn ăn uống chúc mừng cho Y Thoan cho đến lúc tàn tiệc.
Trải qua nhiều đời nay, nghi lễ trưởng thành luôn được gìn giữ và là một nghi lễ quan trọng trong đời sống tinh thần của người Ê Đê.