Đặt tên xã, phường sau sáp nhập: Lắng nghe dân để kịp thời thay đổi
Lắng nghe ý kiến cử tri, nhiều tỉnh, thành phố đã thay đổi phương án đặt tên xã mới từ đánh số 1, 2, 3...hoặc theo phương hướng (đông - tây - nam - bắc) sang tên mang bản sắc, gắn liền với truyền thống, lịch sử, văn hóa.
Thời điểm này, các địa phương đang lấy ý kiến nhân dân đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường, trong đó có nội dung đặt tên mới sau sắp xếp.

Các địa phương đang đồng loạt triển khai lấy ý kiến cử tri về đề án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh
Phương án được nhiều địa phương đưa ra là lấy tên huyện/quận rồi đánh số thứ tự 1, 2, 3… để đặt cho xã, phường mới. Song, nhiều ý kiến cho rằng, phương án này mang tính cơ học, cứng nhắc, không thể hiện được chiều sâu bản sắc lịch sử, văn hóa, truyền thống. Người dân mong muốn chọn những địa danh giàu bản sắc, đặc tính địa phương để đặt tên cho xã, phường mới nhằm kế thừa và phát huy được giá trị của các địa danh lịch sử, văn hóa, giữ gìn hồn cốt quê hương.
Thuận theo nguyện vọng của nhân dân, tính đến ngày 22/4, một số tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị…đã kịp thời điều chỉnh tên gọi xã, phường mới theo địa danh lịch sử, văn hóa, truyền thống thay vì dùng tên số theo thứ tự như phương án ban đầu.
Ở Quảng Nam, ngày 18/4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh quyết nghị thông qua nội dung cơ bản các dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh này. Theo đó, dự kiến sẽ sắp xếp 233 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh còn 88 đơn vị hành chính cấp xã. Về tên gọi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam tên gọi theo nguyên tắc: Tên huyện, thị xã + số thứ tự.
Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình lấy ý kiến cử tri tại một số địa phương, rất nhiều kiến nghị đặt tên xã, phường theo các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương. Trước những kiến nghị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã chỉ đạo UBND tỉnh rà soát địa danh lịch sử, văn hóa truyền thống và đề xuất tên gọi mới phù hợp.
Đến ngày 21/4, Tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất không áp dụng cách đặt tên theo số thứ tự hay hướng địa lý như dự kiến ban đầu. Thay vào đó, tỉnh sẽ ưu tiên sử dụng tên gọi gắn liền với các di tích lịch sử, trầm tích văn hóa có tính đại diện của mỗi vùng đất.
Rất nhiều tên đất, tên làng cũ đã đi vào lịch sử và đi vào đời sống của bao thế hệ người con xứ Quảng được dùng để đặt tên xã, phường mới như: Gò Nổi (thị xã Điện Bàn); Chu Lai (huyện Núi Thành); Hương Trà, Bàn Thạch (thành phố Tam Kỳ); Thanh Châu, Thanh Hà (thành phố Hội An); Thượng Đức (huyện Đại Lộc); Việt An (huyện Hiệp Đức); A Vương, Bến Hiên (huyện Đông Giang)… Ngoài ra, những cái tên thân thuộc như Mỹ Sơn, Vu Gia, Thu Bồn, Bến Giằng, Chợ Được, Bình Dương... cũng được đặt tên cho các xã mới.

Điều chỉnh tên gọi đơn vị hành chính cấp xã dự kiến thành lập ở Quảng Nam
Tương tự, một số huyện ở Quảng Trị như Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh đã thay đổi cách đặt thành tên các địa danh lịch sử, văn hóa như Bến Hải, Cửa Việt, Cồn Tiên, Ái Tử…
Ông Trần Nhật Quang, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh cho biết, trước đó, khi làm đề án, tên xã mới lấy tên huyện hiện nay gắn với số thứ tự, để đảm bảo số hóa. Sau khi triển khai lấy ý kiến, một số bà con cử tri tham gia đề nghị lấy tên gắn với lịch sử truyền thống. Trên cơ sở đó, hiện nay các huyện trong tỉnh trước đây đặt tên theo số thứ tự hoặc theo phương hướng đều phải báo cáo lại. Huyện đang tiếp tục lấy ý kiến nhân dân theo hướng tên gọi mới gắn với thống nhất văn hóa địa phương.
Quảng Trị hiện có 119 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, dự kiến tỉnh sẽ còn 36 xã, phường và 1 đặc khu là Cồn Cỏ.
Tại TP Đà Nẵng, ngày 22/4, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cũng đã thống nhất thông qua Nghị quyết số 26 về điều chỉnh tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp tại Nghị quyết số 25 ngày 15/4/2025. Theo đó, thay vì phương án đặt tên bằng cách lấy tên quận huyện rồi thêm số thứ tự, Đà Nẵng sẽ lấy lại những tên đất, tên làng có địa danh gắn liền với chiều sâu văn hóa khơi gợi lòng tự hào và tạo ra sự gắn kết tự nhiên, khơi dậy khát vọng phát triển của cả cộng đồng, đó là các tên An Hải, Thạc Gián, Hải Vân, Sơn Trà...


Phương án điều chỉnh tên gọi đơn vị hành chính cấp xã dự kiến sau sắp xếp ở Đà Nẵng
Còn tại Hải Dương, trưa 22/4, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương chỉ đạo nghiên cứu, lựa chọn và đề xuất tên gọi đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp gắn với địa danh lâu đời, danh nhân tiêu biểu, phù hợp với các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Trước đó, theo đề án gửi lấy ý kiến cử tri, các xã mới dự kiến được đặt tên theo tên huyện, thành phố, thị xã gắn với số thứ tự.
Cũng trong chiều 22/4, sau khi nắm bắt dư luận xã hội, một số địa phương trên địa bàn TP Hải Phòng, như: huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy…đã thay đổi phương án tên gọi dự kiến các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp.
Theo đó, các địa phương sẽ đặt tên xã mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử của địa phương thay cho việc lấy lại tên huyện và gắn với số thứ tự như dự kiến ban đầu.

Phương án đặt tên các xã được huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) thay đổi sau khi tham khảo ý kiến nhân dân.
Theo phương án mới được các địa phương đưa ra, các đơn vị hành chính cấp xã mới tại huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) sẽ được đặt tên: Xã Vĩnh Am, xã Vĩnh Hải, xã Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Vĩnh Bảo, xã Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thịnh, xã Vĩnh Thuận.
Huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng) sẽ có các đơn vị hành chính sau sắp xếp, gồm các xã: Quyết Thắng, Tiên Lãng, Tân Minh, Tiên Minh, Chấn Hưng, Hùng Thắng…Tên các làng, xã cũ dự kiến sẽ được lựa chọn để đặt tên cho các thôn sau sắp xếp thôn, khu dân cư.
Tương tự, ở Nghệ An, ngoài huyện Tương Dương, thành phố Vinh, tại cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quỳ Hợp mở rộng tổ chức sáng 22/4 đã thảo luận và thống nhất bỏ phương án đặt tên xã có gắn số thứ tự, thay vào đó là phương án đặt tên xã theo hướng có bản sắc, gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử như Mường Ham, Mường Chọng, Quỳ Hợp…Trước đó, thành phố Vinh và một số huyện của tỉnh Nghệ An cũng đã thay đổi phương án đặt tên, không đánh số thứ tự như dự kiến trước đó nữa.
Theo ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu lịch sử, tên gọi không chỉ đơn giản là một ký hiệu hành chính để xác lập danh giới quản lý, mà còn là biểu tượng của ký ức, là nơi neo đậu cảm xúc, là hồn cốt của mỗi vùng đất. Một cái tên có thể gợi nhắc cả một chiều dài lịch sử, một dòng chảy văn hóa, hay đơn giản là tuổi thơ, là mái nhà, là nơi chôn nhau cắt rốn của biết bao thế hệ.
Lắng nghe ý kiến nhân dân để kịp thời thay đổi, đó cũng là cách thể hiện tinh thần trọng dân, vì dân, giúp họ tự hào và gắn bó hơn với quê hương của mình.