Nùng Trí Cao - anh hùng tiêu biểu cho hùng khí đất Cao Bằng

Vào khoảng thế kỷ X, thế kỷ thứ XI, Cao Bằng đã là một 'nước'. Đầu tiên, chỉ là một thủ lĩnh bộ tộc không chịu thần phục triều đình phong kiến, để tự xác lập quyền tự trị của mình, sau đó xưng đế, xưng vương thực sự. Khoảng thời gian đó, vùng đất biên giới Việt - Trung do các thủ lĩnh bộ tộc nắm giữ. Các dòng họ có thế lực lớn, phải thân phục nhà Tống ở Trung Quốc, nhà Lý bên Việt Nam, nhưng dần dà họ đứng lên dựng cờ độc lập.

Đền Kỳ Sầm tại Bản Ngần, xã Vĩnh Quang (Thành phố) tưởng nhớ ơn đức của Nùng Trí Cao.

Đền Kỳ Sầm tại Bản Ngần, xã Vĩnh Quang (Thành phố) tưởng nhớ ơn đức của Nùng Trí Cao.

Tại Cao Bằng, lúc đó là châu Quảng Nguyên, có Nùng Tồn Phúc là một con người dũng lược. Mấy anh em ông cùng chiếm cứ các châu: Nùng Tồn Lộc (em ruột Nùng Tồn Phúc) cầm đầu châu Vạn Nhai, Đương Đạo (em vợ) cầm đầu châu Vũ Lặc. Nùng Tồn Phúc tìm cách thôn tính đất đai của các châu, tự lập thành vua đặt tên nước do mình thành lập là Trường Sinh quốc, tự xưng là Chiêu Thánh Hoàng đế, cho vợ là A Nùng làm Minh Đức Hoàng hậu, cho con trai trưởng là Nùng Trí Thông làm Nam Diễn Vương. Nùng Tôn Phúc đã cố tổ chức và xây dựng nước Trường Sinh cho có bề thế. Ông đã thiết lập thành trì, sắp đặt việc cai trị và đặc biệt là sửa sang giáp binh để có thể đương đầu với lực lượng bên ngoài.

Như vậy là lần thứ hai, sau nước Nam Cương, Cao Bằng trở thành một nước có tên là Trường Sinh. Tuy chưa phải là một quốc gia thật sự, nhưng Trường Sinh đã có hướng vươn lên nhất định. Nhưng Nùng Tồn Phúc không đứng được lâu. Vua nhà Lý cho quân đến đánh dẹp. Nùng Tồn Phúc không giữ nổi, phải bỏ chạy rồi bị bắt, cả gia đình bị giết. Chỉ có bà vợ A Nùng và người con thứ là Nùng Trí Cao trốn thoát đến ở nhờ nhà chú. Lớn lên Nùng Trí Cao dâng biểu về triều đình xin được dung thứ. Vua Lý chấp nhận cho Nùng Trí Cao làm quan đến chức Thái bảo và cho quản lý tất cả các châu Do Lôi, Tư Lang và các động Lôi Bình, An Hà… Có thể thấy rằng, thế lực Nùng Trí Cao lớn lắm, nên nhà Lý mới dành cho con của người phản loạn đã bị chém cái đặc ân như vậy. Nùng Trí Cao lại xin với nhà Lý đem quân đi đánh châu Ung của đất Tống và chiếm được cả châu An Đức.

Cùng cố địa vị vững vàng rồi, Nùng Trí Cao lại muốn theo con đường của cha. Đầu tiên ông đổi tên các châu thành nước Đại Lịch, rồi lại đổi tên thành nước Nam Thiên, xưng làm vua, lấy niên hiệu là Cảnh Thụy. Nùng Trí Cao là người có tài, giỏi bình pháp, cầm quân luôn luôn thắng lợi. Ông cho sắp xếp triều đình, đặt bộ máy liêu thuộc, luyện quân gọi là mười vạn hùng sư. Tiếp đó, ông từ châu Uất Lâm đi đánh phá trại Hòa Bình, chiếm luôn cả Ung Châu của Trung Quốc. Lần này, ông tự xưng là Nhân Hậu Hoàng đế, lấy quốc hiệu là Đại Nam (lần đầu tiên có quốc hiệu Đại Nam, mãi sau này - thể kỷ XIX vua Minh Mạng mới dùng tên Đại Nam thay cho Đại Việt). Ông đem quân đi đánh khắp nơi, vây hãm đến chín châu của Trung Quốc, nhưng vẫn giữ Cao Bằng làm nơi trung tâm, ông lấy nàng Thẩm, quê ở châu Thạch Lâm làm hoàng hậu. Nhiều tướng giỏi của nhà Tống đều bị đánh tan, thanh thế của ông rất lớn.

Vua Tống rất lo sợ, đã toan cầu viện nhà Lý. Một số quan lại nhà Tống cũng xin với triều đình, nên nhờ quân Đại Việt giúp, nhưng tướng Tống là Địch Thanh không đồng ý, sợ rằng quân Đại Việt lại nhân cơ hội ấy mà đánh Tống. Vua Tống cho Địch Thanh làm nguyên soái, đánh nhau với Nùng Trí Cao. Địch Thanh lập mẹo, nhân dò biết Nùng Trí Cao đang lập hội vui quân, không kịp đề phòng, nên Địch Thanh đã thắng. Bị thất thế, Nùng Trí Cao cho người về Thăng Long cầu cứu. Vua Lý cho đại tướng là Vũ Nhữ đem quân về cứu viện, nhưng chưa đến nơi thì Nùng Trí Cao đã bị thua, từ đó, phong trào Nùng Trí Cao bị dập tắt.

Nùng Trí Cao được nhân dân Cao Bằng kính mộ, ông được xem là một anh hùng dân tộc họ Nùng, tiêu biểu cho hùng khí đất Cao Bằng. Như vậy, Cao Bằng đã có một thời là đô thành của một nước, nước Đại Nam (chữ dùng của Nùng Trí Cao).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều di tích Nùng Chí Cao, như: Bản Ngần, xã Vĩnh Quang, Nà Hoàng, phường Sông Bằng (Thành Phố); Sóc Hà (Hà Quảng); thị trấn Quảng Uyên (Quảng Uyên), các địa phương khác như: Bảo Lạc, Phục Hòa, Thạch An đều có những dấu tích cuộc chiến đấu của Nùng Chí Cao chống quân xâm lược phương Bắc. Riêng Đền Kỳ Sầm tại Bản Ngần, xã Vĩnh Quang (Thành phố) đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 43-VH/QĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ngày 16/1/1993. Hằng năm, Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 9 - 10 tháng giêng âm lịch, gồm phần lễ và phần hội với quy mô khá lớn. Phần nghi thức lễ được tiến hành từ đêm mùng 9 tháng giêng, phần hội mang đậm nét văn hóa truyền thống với các trò chơi dân gian và các hình thức sinh hoạt văn nghệ dân ca phong phú, sinh động, đặc sắc. Lễ hội Kỳ Sầm là điểm đến hấp dẫn của khách tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh đông vui, náo nhiệt trong dịp trẩy hội mùa xuân Non nước Cao Bằng.

H.C

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nung-tri-cao-anh-hung-tieu-bieu-cho-hung-khi-dat-cao-bang-3176689.html
Zalo