Lễ hội Xuân 2025: Ứng dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm

Mùa lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025, nhiều địa phương phía Bắc đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ giúp tối ưu hóa công tác tổ chức, đồng thời nâng cao trải nghiệm của du khách, mang đến một mùa lễ hội an toàn, văn minh và thuận tiện hơn.

Không còn “cò” vé, “cò” đò...

Những ngày đầu xuân, dòng người hành hương về chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) trong tâm thế thư thái, không còn cảnh chen lấn, xô đẩy hay xếp hàng dài trước những cổng soát vé như nhiều năm trước nhờ việc áp dụng vé có mã QR. Ông Bùi Văn Triều, Trưởng ban Quản lý Khu di tích chùa Hương, cho biết, nếu như trước đây, người dân đi lễ hội thường không vui bởi chịu cảnh phe vé, cò vé nâng giá, thì nay toàn bộ quy trình này đã được số hóa. Không còn cảnh chen lấn do vé hiện đã tích hợp giữa vé thắng cảnh và dịch vụ đò xuồng thông qua mã QR. Khi khách đến bến đò Yến Vĩ, chỉ cần quét mã QR để lên thuyền, mọi thao tác diễn ra nhanh chóng và thuận tiện. Ngay cả với người lái đò, việc sắp xếp tự động cũng giúp đảm bảo được công bằng.

Các tuyến đường vào chùa cũng thông thoáng hơn nhờ hệ thống phân luồng thông minh. Nhiều người bày tỏ sự hài lòng khi việc đi lễ chùa Hương nay trở nên nhẹ nhàng hơn, không còn cảnh chờ đợi mệt mỏi hay lo lắng bị chèo kéo, làm phiền. Chị Ánh Linh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Chỉ cần vài giây để quét mã QR rồi qua cửa, xuống đò… cảm giác thoải mái hơn rất nhiều”. Sự thay đổi này không chỉ giúp người dân có những trải nghiệm tốt hơn mà còn góp phần xây dựng hình ảnh văn minh, hiện đại trong mùa lễ hội.

 Du khách đến với lễ hội chùa Hương, Mỹ Đức, TP Hà Nội

Du khách đến với lễ hội chùa Hương, Mỹ Đức, TP Hà Nội

Trên mỗi con đò tại chùa Hương đều có một mã QR để du khách có thể đánh giá thái độ phục vụ, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo sự minh bạch. Ông Bùi Văn Triều cũng cho biết, Ban Quản lý Khu di tích chùa Hương đang thử nghiệm bán vé điện tử, nếu vận hành hiệu quả sẽ là bước tiến quan trọng để giảm phiền hà cho du khách và góp phần điều tiết lượng khách, tránh tình trạng ùn, nghẽn trong những ngày, giờ cao điểm của mùa lễ hội.

Tương tự, để giảm thiểu tình trạng chen lấn, xô đẩy trong các nghi lễ quan trọng, lễ hội đền Trần (Nam Định) năm nay lần đầu tiên áp dụng hình thức phát trực tiếp (livestream) lễ khai ấn. Trước đây, tình trạng hàng ngàn người chen lấn để xin ấn trong đêm khai ấn thường gây mất trật tự và ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách. Ông Trần Đức Minh, đại diện Ban tổ chức lễ hội đền Trần, cho biết: “Việc phát trực tiếp buổi lễ giúp giảm áp lực rất nhiều cho ban tổ chức. Người dân không cần chen lấn nhưng vẫn theo dõi được toàn bộ nghi lễ. Đây là một giải pháp văn minh và phù hợp với thời đại số”.

Bên cạnh đó, công tác phân luồng giao thông và đảm bảo an ninh ở nhiều lễ hội cũng được tăng cường nhờ ứng dụng công nghệ. Các hệ thống ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích lưu lượng người đã giúp điều phối du khách theo từng khung giờ, hạn chế tình trạng ùn tắc, chen lấn. Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng triển khai hệ thống đặt lịch tham quan trực tuyến, giúp du khách chủ động sắp xếp thời gian và tránh quá tải vào giờ cao điểm. Khi công nghệ và văn hóa kết hợp hài hòa, nhiều người kỳ vọng mùa lễ hội xuân sẽ trở thành một dịp trải nghiệm đáng nhớ, văn minh và hiện đại hơn.

PGS-TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Chuyển đổi số trong tổ chức và quản lý lễ hội là xu hướng tất yếu để biến di sản thành tài sản, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa. Nhiều quốc gia đã ứng dụng thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) giúp du khách có trải nghiệm phong phú hơn, và Việt Nam cũng đang triển khai mô hình này ở một số nơi. Bên cạnh đó, việc xây dựng một hệ sinh thái du lịch thông minh, kết hợp thương mại điện tử với các sản phẩm lưu niệm số hóa sẽ góp phần tạo động lực phát triển bền vững.

Để lễ hội trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt

Lễ hội truyền thống mùa xuân từ lâu đã là một nét đẹp văn hóa, mang giá trị tâm linh, tín ngưỡng và cộng đồng sâu sắc trong đời sống người Việt. Tuy nhiên, trong quá khứ, không ít lễ hội trở thành “điểm nóng” do tình trạng chen lấn, xô đẩy, “chặt chém” du khách, mất an toàn, thậm chí có cả những hình ảnh phản cảm, bạo lực. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản chất tốt đẹp của lễ hội mà còn tạo ra những dư luận trái chiều trong xã hội.

 Du khách đến với chùa Hương

Du khách đến với chùa Hương

Lễ hội truyền thống vẫn là một phần không thể tách rời của di sản văn hóa Việt Nam, phản ánh bản sắc dân tộc và có sức hút lớn đối với du khách trong nước cũng như quốc tế. Vì thế, việc bảo tồn giá trị truyền thống song song với phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại là điều cần thiết. Ứng dụng công nghệ hiện đại vào tổ chức lễ hội đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện trải nghiệm của du khách, đảm bảo an toàn và nâng cao giá trị kinh tế. Một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc đã tiên phong trong việc kết hợp công nghệ với lễ hội truyền thống, giúp du khách có thể trải nghiệm từ xa. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi và áp dụng các mô hình này để nâng cao sức hấp dẫn của lễ hội truyền thống.

Một yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng lễ hội là sự tham gia của doanh nghiệp trong việc đầu tư công nghệ và dịch vụ. Các công ty du lịch có thể cung cấp các ứng dụng hướng dẫn thông minh, bản đồ số hóa và dịch vụ trực tuyến, giúp du khách có trải nghiệm thuận tiện hơn. Đồng thời, việc kết hợp thương hiệu doanh nghiệp với các lễ hội lớn cũng sẽ tạo ra mô hình kinh tế sáng tạo, mang lại nguồn thu ổn định cho cả ngành du lịch và công nghiệp văn hóa.

Để nâng tầm lễ hội truyền thống thành một sản phẩm đặc biệt của công nghiệp văn hóa, cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh quảng bá giúp lễ hội giữ vững giá trị truyền thống mà vẫn phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Khi lễ hội không chỉ là nơi hành hương mà còn là một sản phẩm du lịch đẳng cấp, nó sẽ trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/le-hoi-xuan-2025-ung-dung-cong-nghe-nang-cao-trai-nghiem-post781086.html
Zalo