Triều đại hoàng kim của đế quốc Ottoman

Với mục tiêu 'làm sống dậy một con người, một đế chế và một thời đại', nhà sử học André Clot đã dựng chân dung vị vua quyền lực của đế chế Ottoman trong cuốn 'Suleiman Vĩ đại'.

Nhắc đến cái tên Solomon, hẳn ai cũng biết đó là tên của vị vua vĩ đại lẫy lừng của dân Do Thái, người có trí tuệ sâu rộng và giàu có bậc nhất, được coi là một trong 48 nhà tiên tri quan trọng trong Kinh Talmud của Do Thái giáo, người được coi là có mối quan hệ với cả thần linh lẫn ma quỷ theo truyền thuyết. Tên của vị vua này được phiên âm theo tiếng Ả Rập là “Suleiman”.

Suleiman Vĩ đại - Vua Solomon của người Thổ Nhĩ Kỳ

Ở một đế chế vĩ đại sau này, một vị quốc vương đã có vinh hạnh được ban cho cái tên hoành tráng ấy lần đầu tiên. Chính xác thì cái tên của ông được lựa chọn theo ý Chúa bằng cách lật giở ngẫu nhiên các trang của cuốn Kinh Koran và vị hoàng tử mới sinh ấy “trúng” được cái tên này. Điều này như một điềm báo cho thời kỳ hoàng kim của Đế quốc Ottoman dưới triều đại của Suleiman I.

Không gắn liền với các truyền thuyết về thần thánh ma quỷ, nhưng cả thế giới châu Âu thời bấy giờ đều có thái độ kính nể và e sợ Suleiman đến mức họ gán cho ông danh xưng “the Magnificent”, có nghĩa là uy nghi, lộng lẫy, rực rỡ, huy hoàng - mà thường được dịch sang tiếng Việt ngắn gọn là “Vĩ đại”.

Danh xưng này không chỉ thể hiện sự kính nể của người châu Âu trước sự giàu có, khả năng tổ chức quân đội tinh nhuệ và chủ trương bảo trợ văn hóa - nghệ thuật của Suleiman, mà còn cho thấy sự e sợ trước khả năng bành trướng của Đế quốc Ottoman dưới sự dẫn dắt của ông khi chứng kiến các cuộc chinh phạt mà ông đã thực hiện ở Trung Âu, đặc biệt là trận đánh bại Vương quốc Hungary và cuộc vây hãm Vienna, những thành trì chủ chốt của châu Âu.

Chân dung của “Vua của các vị vua” và “Đế chế của các đế chế” được nhà sử học Pháp André Clot tái hiện trong cuốn Suleiman Vĩ đại. Sách được phát hành tại Việt Nam qua bản dịch của Lương Huỳnh Trọng Nghĩa, Nhà xuất bản Dân trí và Bachvietbooks phát hành.

Cuốn sách chia thành hai phần chính, một phần nói về Quốc vương Suleiman I, một phần nói về Đế quốc Ottoman. Mười sáu phụ lục ở cuối sách cung cấp cho bạn đọc các thông tin chi tiết và thú vị về luật pháp, văn hóa, nghệ thuật của quốc gia Hồi giáo này cũng như các câu chuyện ngoài lề về Suleiman.

 Sách Suleiman vĩ đại mới được phát hành tiếng Việt. Ảnh: BV.

Sách Suleiman vĩ đại mới được phát hành tiếng Việt. Ảnh: BV.

Cái nhìn sống động về một triều đại

Đế quốc Ottoman là tiền thân của nhà nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, nhưng đế quốc này bao phủ một vùng lãnh thổ rộng lớn hơn nhiều, và cũng bao gồm nhiều sắc tộc như người Hy Lạp, người Ả Rập, người Slav, người miền đông Tiểu Á chứ không chỉ có người Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngôn ngữ của Đế quốc Ottoman là tiếng Thổ Nhĩ Kỳ pha lẫn với tiếng Ả Rập và tiếng Ba Tư mà người ta thường gọi là tiếng Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman. Người dân của Đế quốc này cũng thường được gọi là người Thổ Ottoman hoặc người Ottoman. Ở cuối sách có danh mục các thuật ngữ tiếng Thổ quan trọng về thời Ottoman để bạn đọc tham khảo.

Quốc giáo của Ottoman là Hồi giáo, và hẳn bạn đã ít nhiều từng nghe về những cuộc thập tự chinh của các nước Cơ đốc giáo tiến đánh thế giới Hồi giáo trên phim ảnh và các chương trình truyền hình về lịch sử. Cuốn Suleiman Vĩ đại khắc họa bức tranh về một giai đoạn dữ dội của cuộc chiến lâu dài giữa người Hồi giáo và người Cơ đốc giáo. Ở thời kỳ này, Suleiman là người đứng đầu phe Hồi giáo, chủ trương chinh phạt toàn bộ châu Âu; còn Hoàng đế Charles V của Thánh chế La Mã, cũng đồng thời là Vua Tây Ban Nha, Áo và các quốc gia ở Tây Bắc châu Âu, là thế lực mạnh nhất trong công cuộc đánh đuổi người Ottoman và Hồi giáo ra khỏi châu Âu.

Cuốn Suleiman Vĩ đại còn liệt kê và trình bày cho bạn đọc về nhiều đặc điểm thú vị của Quốc gia Hồi giáo Ottoman. Có những đặc điểm mang lại nền tảng sức mạnh của đế chế này, nhưng cũng có những đặc điểm trở thành nguyên nhân làm đế chế này suy yếu sau thời Suleiman I, chẳng hạn việc Hậu cung can thiệp sâu sắc vào triều chính, chuyện làm cách nào mà cuối cùng Hậu cung lại trở nên không tách biệt với triều đình và can thiệp mạnh mẽ vào chính sự của Đế quốc Ottoman, trở thành một trung tâm quyền lực chính trị và văn hóa trong hoàng cung.

Ngoài ra, bạn cũng sẽ được biết những “chuyện lạ có thật” như việc Đế quốc Ottoman dùng cướp biển làm lực lượng hải quân chính hay “Luật Huynh đệ tương tàn” đầy tàn khốc, trong đó quốc vương có quyền giết hại anh em ruột cùng con cháu của họ để đảm bảo mục tiêu tối thượng là thống nhất đế chế, một điều luật khiến chúng ta sẽ thấy may mắn vì không sinh nhầm vào gia đình hoàng tộc của đế chế này.

Bạn cũng sẽ thấy ngạc nhiên khi biết người Thổ Ottoman luôn đào tạo nô lệ, đặc biệt là những người xuất thân từ Cơ đốc giáo rồi cải sang đạo Hồi, để về sau những nô lệ này trở thành quan chức hoặc binh lính tinh nhuệ trong triều đình Ottoman. Một số nô lệ thậm chí được giao phó những nhiệm vụ quan trọng như quản lý cung điện, cố vấn chính trị, hoặc bảo trợ nghệ thuật.

Có hai trường hợp tiêu biểu nhất là Đại Tể tướng Ibrahim và Chính cung Vương hậu thứ 2 của Suleiman Vĩ đại, Hürrem Sultan (Hoàng Hậu Vui Tươi) (còn gọi là Roxelana), đều xuất thân từ nô lệ và sau đó vươn lên đỉnh cao quyền lực của nhà nước Ottoman.

Đan Chi

Nguồn Znews: https://znews.vn/trieu-dai-hoang-kim-cua-de-quoc-ottoman-post1523242.html
Zalo