Lễ hội Làm Chay kết thúc với nghi thức xô giàn, đốt Ông Tiêu
Đêm 13/02 (nhằm ngày 16 tháng Giêng), hoạt động được mong chờ nhất tại Lễ hội Làm Chay là nghi thức xô giàn, đốt Ông Tiêu được diễn ra vào 24 giờ nhằm tống tiễn cô hồn, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Ông Tiêu được đặt giữa sân đình, chuẩn bị nghi thức đốt Ông Tiêu
Xô giàn là nghi thức quan trọng nhất trong Lễ hội Làm Chay, mang ý nghĩa tiễn đưa cô hồn. Sau nghi thức này, hình Ông Tiêu cùng với vàng mã được đốt. Một chiếc thuyền giấy với khung tre đặt trên bè chuối, được chuẩn bị làm phương tiện tiễn khách. Trên thuyền có lễ vật cúng tế và sau hồi trống tiễn, thuyền được thả trôi theo dòng sông Tầm Vu. Kết thúc nghi thức, đoàn trở về đình để thỉnh lư hương về miếu Âm Nhơn.

Xô giàn, đốt Ông Tiêu là hoạt động nổi bật, thu hút đông người tham gia nhất của Lễ hội Làm Chay
Bà Phan Thị Tường Vân (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) chia sẻ: “Năm nào tôi cũng tham gia Lễ hội Làm Chay, nhưng thường về sớm. Năm nay là lần đầu tiên tôi ở lại đến tận nửa đêm để xem nghi thức đốt Ông Tiêu và xin lộc. Tôi cầu mong các thành viên trong gia đình có nhiều sức khỏe, một năm mới bình an đến với tất cả mọi người trên khắp cả nước, mọi người đều gặp nhiều may mắn và thuận lợi trong công việc”.

Nghi thức thỉnh kinh, đánh động, thỉnh thầy diễn ra vào chiều tối ngày 16 tháng Giêng
Trước đó, lúc 18 giờ, nghi thức thỉnh kinh, đánh động, thỉnh thầy với sự tham gia đông đảo của người dân được diễn ra, đây là màn diễn có nội dung thầy trò Tam Tạng vâng lệnh vua Đường sang Tây Trúc thỉnh kinh. Nghi thức Đăng đàn chẩn tế được diễn ra lúc 20 giờ 30 phút và sau đó là nghi thức Phóng đăng nhằm hướng tới sự giác ngộ, giải thoát chúng sinh. Ghe đăng được trang trí rất công phu từ những ngày chuẩn bị lễ hội, trên có bàn thờ đặt bài vị, mâm đồ cúng.

Lực lượng an ninh hỗ trợ phát lộc trước khi xô giàn nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy
Được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2014, Lễ hội Làm Chay không chỉ thể hiện sự giao hòa giữa các nền văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng mà còn góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống, tôn vinh bản sắc địa phương. Đây cũng là dịp để người dân thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai phá vùng đất cũng như tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ qua các thời kỳ.

Người dân tham gia Lễ hội Làm Chay
Sau 3 ngày diễn ra sôi động, náo nhiệt (từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng), Lễ hội Làm Chay năm 2025 khép lại trong niềm hân hoan và hy vọng về một năm bình an, thuận lợi, vạn sự hanh thông của người dân huyện Châu Thành và du khách thập phương./.