Lễ hội 'Diễn xướng nghi thức lễ cưới của người Việt ở Nam Bộ'
Ngày 2/11, tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã khai mạc lễ hội 'Diễn xướng nghi thức lễ cưới của người Việt ở Nam Bộ' lần đầu tiên, thu hút sự quan tâm của người dân địa phương và du khách.
Lễ hội quy tụ 14 phường tại thành phố, mỗi đội gồm 25 thành viên, tái hiện sinh động các nghi thức lễ cưới truyền thống Việt Nam ở vùng đất Nam Bộ, mang đến một không gian văn hóa đặc sắc và ấn tượng.
Mỗi đội tham gia đã dàn dựng các nghi lễ như lễ vu quy, tân hôn, dạm ngõ, rước dâu... tái hiện đầy đủ các phong tục truyền thống trong lễ cưới Việt Nam. Với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gia đình Việt Nam”, lễ hội không chỉ lưu giữ những phong tục quý báu mà còn gửi gắm thông điệp về tình cảm gia đình, giá trị nhân văn sâu sắc, và sự bền vững trong văn hóa gia đình truyền thống trong xã hội hiện đại.
Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin Thể thao thành phố Thủ Dầu Một cho biết, lễ hội nhằm tôn vinh và bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của gia đình Việt, đặc biệt là trong các nghi thức cưới hỏi, dạm ngõ, và tân hôn. Các nghi thức này không chỉ là dịp để thể hiện tình yêu và sự gắn kết giữa hai bên gia đình mà còn chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về đạo lý, truyền thống. Những phong tục cưới hỏi truyền thống này đã trở thành sợi dây bền chặt, kết nối các thế hệ trong gia đình, góp phần giữ gìn và lan tỏa dòng chảy văn hóa gia đình Việt qua bao thế hệ.
Dưới tác động của hội nhập quốc tế, gia đình Việt vẫn giữ vững và phát huy những giá trị truyền thống, đồng thời tiếp biến các giá trị mới, tiến bộ, nhằm xây dựng một gia đình hiện đại, ấm no và văn minh.
Bà Trương Thị Kiều Chinh, Phó Chủ tịch phường Tương Bình Hiệp, chia sẻ: “Phường cử một đội tham gia lễ hội là cách để chúng tôi tôn vinh và gìn giữ những giá trị truyền thống từ ngày xưa, phù hợp với xã hội hiện đại, giúp thế hệ trẻ có cái nhìn sâu sắc hơn về phong tục lễ cưới truyền thống có ý nghĩa to lớn trong gia đình như thế nào, qua đó gìn giữ và phát huy giá trị tuyền thống tốt đẹp này”.
Một điểm nhấn đặc biệt trong lễ hội lần này là cổng cưới Long – Phụng lớn nhất Việt Nam, do nghệ nhân tạo hình hoa quả quốc gia Nguyễn Minh Thuận thiết kế. Cổng cưới này có chiều cao 8m, chiều dài 26m, được kết từ các nguyên liệu dân dã như trái cau, ớt, đậu bắp và lá dứa, tạo nên hình tượng rồng phượng uy nghi và mang đậm nét văn hóa miền Tây Nam Bộ. Theo ông Thuận, cổng cưới bằng hoa lá, trái cây này không chỉ mang vẻ đẹp tự nhiên mà còn gần gũi, góp phần lưu giữ văn hóa đám cưới truyền thống trong đời sống hiện đại.
Để tạo nên chiếc cổng cưới độc đáo và mang đậm nét văn hóa dân gian, ông Nguyễn Minh Thuận đã khéo léo sử dụng chất liệu mới lạ như hạt cao su – một sản phẩm đặc trưng của vùng đất Bình Dương – thay cho trái cau truyền thống. Hàng tạ hạt cao su được ông thu gom và tỉ mỉ kết thành thân và vảy rồng, cùng với ớt đỏ và đậu bắp làm đuôi và vi rồng, tạo nên một tác phẩm thủ công tinh xảo và sống động. Sản phẩm này không chỉ tôn vinh tay nghề truyền thống mà còn trở thành biểu tượng văn hóa độc đáo, mang đến niềm vui và ý nghĩa đặc biệt cho các cặp đôi trong ngày cưới.
Chiếc cổng cưới đặt tại trung tâm công cộng thành phố Thủ Dầu Một không chỉ là một sản phẩm trang trí mà còn trở thành điểm check-in thu hút, tạo không gian để mọi người cùng chiêm ngưỡng và trân trọng những giá trị văn hóa gia đình bền vững qua nhiều thế hệ.