Lễ hội chùa Hương năm 2025 có gì mới?
Ngày 20/1, UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) họp báo thông tin về Lễ hội Chùa Hương Xuân Ất Tỵ 2025. Rất nhiều điểm mới trong mùa Lễ hội năm nay đã được Ban Tổ chức đưa ra với mong muốn tạo điều kiện tốt nhất để du khách về tham quan, trẩy hội, thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh miền đất Phật.
Lễ hội năm nay có chủ đề “Lễ hội Chùa Hương - Điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt" diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 3-2 đến hết ngày 1/5 (tức từ ngày mồng 6 tháng Giêng đến hết ngày 4 tháng 4 năm Ất Tỵ). Lễ khai hội vào ngày 3/2 (tức ngày mồng 6 tháng Giêng).
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Đặng Văn Cảnh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Đức - Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2025 cho biết, công tác quảng bá, tuyên truyền về một mùa Lễ hội an toàn - văn minh - thân thiện đang được đẩy mạnh; huyện đã lắp đặt pa-nô, bồn hoa cây cảnh dọc tuyến đường Tỉnh lộ 419 và tuyến đi bộ hai bên bờ suối Yến để tạo cảnh quan cho du khách về tham quan thưởng ngoạn lễ hội.
“Đặc biệt, trong Tuần lễ Văn hóa du lịch vào dịp khánh đán (từ ngày 11/3 đến 18/3), sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội chợ thương mại du lịch với các sản phẩm OCOP của địa phương và các huyện lân cận; biểu diễn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt như triển lãm các tác phẩm nghệ thuật ảnh về chùa Hương xưa và nay, đêm thơ Nguyên tiêu, đua thuyền, múa rồng, rước kiệu ngày xuân, lễ khánh đản, múa rối cạn, cồng chiêng An Phú…” - ông Cảnh cho biết.
Mùa Lễ hội năm nay, việc điều hành, vận chuyển xuồng đò đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, an toàn, văn minh thân thiện với du khách cũng rất được chú trọng. Công an huyện có nhiệm vụ phân luồng xe để tránh ùn tắc. Đảm bảo việc thực hiện thí điểm vận chuyển khách bằng xe điện hiệu quả. Đúng luồng, tuyến được quy định, đảm bảo an toàn, phục vụ văn minh lịch sự…
Ban tổ chức cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý việc bày bán các mặt hàng không phù hợp, gây phản cảm và việc sử dụng loa chào mời gây ồn ào trong khu vực lễ hội, bảo đảm công tác an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ; tiếp tục duy trì các nhà vệ sinh công cộng miễn phí phục vụ du khách, thu gom, vận chuyển rác thải trong khu vực lễ hội đưa đi xử lý tại các khu tập trung của thành phố...
Xuồng đò được sơn đồng màu theo quy định, có đầy đủ áo phao, giỏ đựng rác, ô che, ghế ngồi, nước uống miễn phí.... cấp mỗi xã viên lái đò có 1 mã QR để HTX quản lý, tương tác thông tin phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò đối với du khách.
“Chúng tôi sẽ có chế tài xử lý những vi phạm về phong cách, thái độ phục vụ để du khách được tận hưởng trọn vẹn cảm giác thư thái khi về chiêm bái, lễ Phật” – ông Cảnh nhấn mạnh đồng thời cho biết thêm, năm nay công tác trông giữ xe cũng được đổi mới. Với xe từ 9 chỗ trở xuống thu 30.000đồng/xe; xe từ 9 chỗ trở lên là 50.000đồng/xe; xe để qua đêm thu thêm 30.000 đồng/xe.
“Có thể nói, tất cả công tác đều đảm bảo hoàn toàn minh bạch, khách quan và được phục vụ tốt nhất du khách về tham quan, lễ Phật. Hiện đã có gần 4000 đò sẵn sàng đảm bảo an toàn để đón du khách, trên đò có ô che nắng, nước uống miễn phí, sọt đựng rác...Ban Tổ chức khẳng định đủ năng lực để đón được khoảng 5-6 vạn khách” – ông Cảnh chia sẻ.
Tại họp báo, Ban tổ chức cũng đã công bố quyết định công nhận khu Du lịch cấp thành phố đối với Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (Chùa Hương).