Âm vang làng nghề đúc đồng Phước Kiều

Giữa vùng đất xứ Quảng đầy nắng gió, làng nghề đúc đồng Phước Kiều (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) từng được biết đến như một biểu tượng của sự tài hoa và tinh thần lao động miệt mài. Suốt hơn 400 năm qua, ngọn lửa nghề vẫn bập bùng, thắp sáng tinh hoa truyền thống của dân tộc.

Ra đời từ thế kỷ XVII, làng nghề đúc đồng Phước Kiều gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất xứ Quảng. Biết đến với những sản phẩm đồng nổi tiếng như: Chuông, trống, lư hương và đặc biệt là các nhạc cụ truyền thống cồng chiêng, thanh la… góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung và xứ Quảng nói riêng.

 Một cơ sở của làng nghề đúc đồng Phước Kiều.

Một cơ sở của làng nghề đúc đồng Phước Kiều.

“Cái nghề này đâu chỉ là để kiếm sống thôi đâu. Nó là cái cốt lõi của làng nghề, là máu thịt của người dân Phước Kiều”-Nghệ nhân Dương Ngọc Truyền, nguyên Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Nhôm Đồng Điện Phương chia sẻ.

Theo lời nghệ nhân Dương Ngọc Truyền, để làm nên sản phẩm đồng hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn kỳ công như: Tạo khuôn, nấu đồng, đổ khuôn và đánh bóng. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều năm. Đặc biệt, mỗi tháng sẽ có một đến hai lần tiến hành bước thổi đồng đỏ lửa.

 Ông Dương Ngọc Long, nghệ nhân làm nghề đúc đồng lâu năm.

Ông Dương Ngọc Long, nghệ nhân làm nghề đúc đồng lâu năm.

Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XX đến nay, làng nghề đang dần đi vào dĩ vãng. Số hộ dân làm nghề giảm mạnh, từ hơn 60 hộ gia đình vào những năm 1980, nay chỉ còn chưa đến 10 hộ duy trì. Những lò đúc đồng đỏ lửa ngày đêm giờ đây nằm im lìm, chỉ còn vài tiếng búa lẻ loi vang lên.

Nguyên nhân của sự mai một này đến từ nhiều phía. Trước hết, là sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm công nghiệp hiện đại, giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng, dễ dàng tiếp cận thị trường. Trong khi đó, sản phẩm thủ công của làng nghề lại mất nhiều thời gian, công sức, nhưng giá bán không cao, lợi nhuận không đáng kể. “Làm nghề này cực lắm, từ sáng đến tối mù mịt mà thu nhập cũng không cao”-ông Dương Ngọc Long, người làm nghề bày tỏ.

 Thợ đúc đồng đang nhào, nặn đất.

Thợ đúc đồng đang nhào, nặn đất.

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ và lối sống hiện đại cũng làm giới trẻ không còn mặn mà với nghề truyền thống. Thay vì tiếp nối nghề của cha ông, nhiều người trẻ chọn rời quê hương để tìm kiếm những cơ hội mới ở các thành phố lớn.

Nhìn vào thực tế, dễ dàng nhận ra người trẻ ở Phước Kiều ngày nay không còn tha thiết với nghề đúc đồng. Phần lớn họ cho rằng nghề này không mang lại sự ổn định, thu nhập và cơ hội phát triển như các công việc hiện đại khác. Thế nhưng, điều đó cũng đặt ra câu hỏi: Vậy ai sẽ là người kế thừa và bảo tồn di sản quý giá này?

 Thợ đúc đồng hoàn thiện sản phẩm.

Thợ đúc đồng hoàn thiện sản phẩm.

Bảo tồn và phát triển làng nghề đúc đồng Phước Kiều không chỉ là việc của người dân địa phương mà cần sự chung tay của toàn xã hội. Làng nghề có thể trở thành điểm du lịch văn hóa, nơi du khách khám phá quy trình sản xuất và ý nghĩa truyền thống. Ông Dương Ngọc Truyền, kiến nghị: “Tôi mong muốn Nhà nước có các chính sách hỗ trợ giảm thuế, mở rộng thị trường để người dân duy trì làng nghề. Đồng thời, có thể quảng bá sản phẩm qua truyền thông để làng nghề tiếp cận được giới trẻ. Việc tổ chức lớp truyền nghề và đưa ra những sáng tạo sẽ khiến các bạn trẻ tham gia, gắn truyền thống với hiện đại và mở ra tương lai mới cho làng nghề”.

Dẫu biết hành trình giữ lửa nghề đúc đồng còn nhiều gian nan, nhưng những nghệ nhân như ông Dương Ngọc Truyền, ông Dương Ngọc Long và một số bà con ở làng vẫn kiên trì với nghề. “Tôi không cần điều gì quá cao xa, tôi chỉ mong muốn có người kế nghiệp nhất là thế hệ trẻ để làng nghề không bị biến mất, để bà con không mất việc”-ông Truyền nói, ánh mắt hiện lên niềm hy vọng nhỏ nhoi.

Việc giữ gìn và phát triển nghề đúc đồng không chỉ là bảo vệ một nghề truyền thống lâu đời, mà còn là bảo tồn giá trị văn hóa, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho bà con trong làng nghề. Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và đầu tư từ các cơ quan chức năng để nghề đúc đồng Phước Kiều không bị mai một và ngày càng phát triển bền vững.

Bài, ảnh: KHÁNH BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/am-vang-lang-nghe-duc-dong-phuoc-kieu-812335
Zalo