Lễ cúng trưởng thành của người dân tộc Ê Đê

Lễ cúng trưởng thành được tổ chức khi chàng trai Ê Đê đã biết tự đi làm rẫy, đi săn bắn, với sự tham gia của cả dòng họ, buôn làng. Đây là nghi lễ tâm linh, quan trọng nhất trong vòng đời của người đàn ông Ê Đê. Nghi lễ khẳng định, từ thời điểm này, người đàn ông Ê Đê được cộng đồng thừa nhận là người trưởng thành, được tham gia giải quyết các công việc quan trọng của gia đình, dòng họ, buôn làng và được lấy vợ.

Thầy cúng tháo chiếc vòng đồng trên tay chàng trai đánh dấu sự trưởng thành. Ảnh: Tân An

Thầy cúng tháo chiếc vòng đồng trên tay chàng trai đánh dấu sự trưởng thành. Ảnh: Tân An

Nét văn hóa đặc sắc

Dân tộc Ê Đê sinh sống tập trung chủ yếu tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên như: Phú Yên, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa... Người Ê Đê theo tín ngưỡng đa thần, nên quan niệm mọi vật đều có thần linh ngự trị trên trời (bà con hay gọi là A Yang), dưới đất và trong không gian như thần ánh sáng trong mặt trăng, mặt trời; thần thời tiết trong nắng mưa, gió bão, sấm chớp... Vì vậy, trong đời sống sinh hoạt và lao động hàng ngày, người Ê Đê thường tiến hành các lễ nghi nông nghiệp như cầu mùa, cầu mưa và nghi lễ vòng đời như: Lễ cúng đặt tên, lễ cúng thổi tai, lễ cúng trưởng thành, lễ hỏi chồng, lễ tiễn đưa, lễ bỏ mả... Một trong những nghi lễ mang đậm nét văn hóa truyền thống, độc đáo, đó là lễ cúng trưởng thành mà người Ê Đê gọi là “Mpú toh kông”, có nghĩa là cúng tháo vòng đồng.

Già làng Y Thôn Niê, trú tại buôn Mlăng, xã Ea Tar, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đối với một người đàn ông Ê Đê, từ khi sinh ra đến khi trưởng thành phải trải qua 5 nghi lễ vòng đời. Nghi lễ đầu tiên được tổ chức là khi vừa mới chào đời, được gọi là K’DJăp Jun, gia đình sẽ cúng một ché rượu và một con gà. Lần thứ 2, là cúng thôi nôi khi tròn 1 tuổi, gọi là Mă Bôi, gia đình cúng 3 ché rượu và 3 con gà. Lần thứ 3, là khi cậu bé tròn 12 tuổi thì cúng tạ ơn thần nhà, gọi là Yăng Sal với lễ vật 3 ché rượu, 1 con heo. Lần thứ 4, là lễ cúng thần chú bác vào năm 15 tuổi, gọi là Mpla Yăng A Miết A Wa, được tổ chức với 5 ché rượu và 1 con heo. Lần cuối cùng, khi chàng trai Ê Đê bước sang tuổi 17, gia đình sẽ cúng 7 ché rượu và 1 con heo. Theo phong tục của người Ê Đê thì mỗi bé trai khi sinh ra sẽ được đeo một chiếc vòng đồng (gọi là vòng 7 khấc) vào tay. Chiếc vòng này sẽ đeo trên tay và chỉ được tháo ra khi làm lễ cúng trưởng thành. Lúc này, chàng trai mới được thể hiện sự tự do quyết định tương lai, vận mệnh của mình.

Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, dân tộc Ê Đê là một trong ít tộc người còn bảo lưu những đặc trưng cơ bản của chế độ mẫu hệ. Ở gia đình người Ê Đê, tuy phụ nữ là chủ gia đình, nhưng người đàn ông cũng đóng một vai trò nhất định, là người đại diện cho gia đình và dòng họ mẹ mình trong đối ngoại và xử lý công việc khi có việc xảy ra trong dòng họ mẹ mình như ma chay, cưới hỏi... Bởi vậy, nghi lễ trưởng thành được ví như “cuốn hộ chiếu” công nhận khả năng gánh vác, đại diện cho gia đình tham gia vào các quan hệ cộng đồng của người đàn ông Ê Đê. Chính vì vậy, hằng năm, cứ vào mùa xuân, khi cây cối đâm chồi, nảy lộc và vừa khoác lên mình tấm áo xanh non mơn mởn, hoa lá đua nhau khoe sắc thì cũng là lúc người Ê Đê tổ chức lễ trưởng thành cho trai tráng trong bản.

Lễ cúng trưởng thành cũng như các nghi lễ vòng đời của người Ê Đê thể hiện sự kết nối giữa gia đình và cộng đồng. Qua đó, duy trì các phong tục, tập quán, góp phần bảo tồn những nét văn hóa tốt đẹp trong đời sống người Ê Đê ngày nay.

Nghi lễ quan trọng

Lễ cúng trưởng thành thường do cha mẹ chàng trai chuẩn bị. Nhưng nếu cha mẹ không có điều kiện thì họ hàng có thể cúng thay. Lễ được tổ chức lớn hay nhỏ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, cũng như từng địa phương, nhưng theo thông lệ thì tất cả mọi người trong buôn làng sẽ cùng đến chia vui với gia đình.

Lễ vật trong lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê. Ảnh: Tân An

Lễ vật trong lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê. Ảnh: Tân An

Để tổ chức lễ cúng trưởng thành cho thành viên trong gia đình, trước đó vài ngày, người cha và mẹ (A-ma và A-mí) sẽ đưa người con trai của mình đến nhờ già làng đứng ra làm thầy cúng cử hành nghi lễ. Sau khi bàn bạc, thầy cúng sẽ thống nhất với gia đình về thời gian tổ chức, lễ vật, sau đó, gia đình mời đội cồng chiêng của buôn làng và thông báo cho họ hàng xa gần về chung vui để cúng trưởng thành cho chàng trai. Theo tín ngưỡng của người Ê Đê, lễ cúng gồm hai phần: Phần thứ nhất là lễ cúng để thông báo với ông bà tổ tiên; phần thứ hai là lễ cúng trưởng thành.

Lễ vật trong lễ cúng trưởng thành thường bao gồm: một con heo đực, 7 ché rượu cần, mâm cúng phải có 7 phần thức ăn bày riêng với đầy đủ thịt heo, rượu cần, xôi, khoai sọ, chuối luộc. Số lượng vòng đồng (gọi là kông) được đeo vào tay người được cúng trưởng thành tương ứng với số ché rượu mà gia đình đã chuẩn bị. Nếu cúng 1 ché thì đeo 1 vòng đồng, 3 ché thì đeo 3 vòng đồng, hay 5, 7 ché thì đeo 5, 7 vòng đồng. Và đặc biệt, số ché rượu dâng lên thần linh theo phong tục của người Ê Đê thì luôn là số lẻ.

Già làng Y Mang, xã Ea Tar, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê phải thực hiện 5 lần trong 5 ngày và phải cúng từ gà đến heo. Ngày thứ nhất, bày 1 ché rượu, 1 con gà vào buổi tối để xin các A Yang cùng tổ tiên cho phép gia chủ cúng trưởng thành cho con và khẩn cầu các A Yang xua đuổi xấu xa, giữ điều tốt lành suốt lễ cúng. Ngày thứ hai, bày 7 ché rượu, 1 con heo thiến, 1 cây nến nhỏ và 1 thanh củi đang cháy khi mặt trời chưa kịp ló dạng và lúc xế chiều để cúng thần bếp lửa cai quản con người cùng mọi việc trong nhà. Ngày thứ ba, bày 5 ché rượu cúng buổi sáng và buổi chiều để xin A Yang ban cho sức khỏe. Ngày thứ tư, lễ vật là 3 ché rượu buổi sáng, cầu mong A Yang phù hộ mọi việc thuận lợi. Lễ vật ngày thứ năm chỉ 1 ché rượu cúng buổi sáng để tạ ơn, cầu mong các A Yang sông, suối, núi, rừng luôn bảo trợ người trưởng thành, có đủ sức gánh vác việc lớn của gia đình và buôn làng.

Đến ngày đã định, lễ vật đã đầy đủ, thầy cúng lấy một dải thịt heo sống dài từ phần mũi, tai đến đuôi heo, dùng 7 lạt tre buộc lên cây cột ở vị trí đặt ché rượu to nhất. Khi mọi thứ đã xong xuôi, thầy cúng bắt đầu thực hiện các nghi thức. Trong không khí trang nghiêm, thầy cúng vừa tháo chiếc vòng đồng trên tay chàng trai, vừa đọc lời khấn khẳng định sự trưởng thành của chàng trai, đồng thời cầu cho chàng trai có được sức mạnh, sự dũng cảm, thông minh, sáng suốt để có thể gánh vác để bảo vệ gia đình, bảo vệ người thân...

Sau khi khấn thần xong, thầy cúng mời mọi người cùng ăn các lễ vật đã bày sẵn trên mâm. Người được cúng trưởng thành ăn đầu tiên, tiếp đến là người mẹ, sau đó là người cha và mọi người cùng dự lễ. Tiếp đó, ông trao khiên, giáo cho chàng trai thực hiện nghi thức múa khiên, thể hiện sức mạnh và sự dũng mãnh, khỏe mạnh, khẳng định từ nay chàng trai đã thực sự trưởng thành, không còn là trẻ con nữa, có thể đảm đương việc lớn, bảo vệ dân làng. Múa xong, chàng trai đứng lên nói lời cảm tạ đến các vị thần, đến già làng và người dân đã chứng kiến lễ trưởng thành của mình.

Kết thúc các nghi lễ, cả chủ nhà và khách cùng thưởng thức rượu cần, ẩm thực và nhảy múa theo tiếng cồng chiêng rộn ràng lúc trầm, lúc bổng để mừng cho chàng trai đã trưởng thành.

Lễ cúng trưởng thành đã có từ xa xưa, được truyền từ đời này qua đời khác và đã ăn sâu vào tâm trí, đời sống sinh hoạt của người Ê Đê. Với giá trị tiêu biểu, lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL ngày 4/9/2018.

Tân An

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/le-cung-truong-thanh-cua-nguoi-dan-toc-e-de-post489361.html
Zalo