LĐLĐ thành phố Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở
Các cấp Công đoàn Thủ đô đã và đang triển khai nhiều giải pháp để tạo bước đột phá về phát triển đoàn viên và thành lập Công đoàn cơ sở, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Chia sẻ tại Hội nghị công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức chiều 4/12, đồng chí Lê Đình Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết, nhằm tạo bước đột phá về phát triển đoàn viên và thành lập Công đoàn cơ sở, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, ngay từ đầu năm, LĐLĐ Thành phố đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo, trong đó ưu tiên công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực.
Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố đã xây dựng Chương trình về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thu hút, tập hợp người lao động tham gia tổ chức Công đoàn; ban hành Nghị quyết về công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở giai đoạn 2023 - 2028; tập trung quán triệt, triển khai thực hiện Kế hoạch của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở đến năm 2023; Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU giai đoạn 2020 - 2025 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố đã tham mưu, đề xuất với Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy ra văn bản chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, phối hợp với tổ chức Công đoàn trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn, lấy đó làm cơ sở chính trị để phát triển tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Hoạt động này đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị thành phố.
Căn cứ số liệu của Bảo hiểm xã hội, Cục Thuế Thành phố, Sở Kế hoạch - Đầu tư... cung cấp, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, thống kê doanh nghiệp có đủ điều kiện thành lập tổ chức Công đoàn, làm căn cứ xây dựng Kế hoạch, giao chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ năm 2024 cho từng LĐLĐ quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, trong đó có các chỉ tiêu về công tác phát triển đoàn viên, thành lập đi đôi với công tác xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh.
LĐLĐ chỉ đạo các đơn vị tập trung tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp có từ 25 công nhân lao động trở lên; doanh nghiệp có đông người lao động ở các khu công nghiệp và chế xuất, các cụm công nghiệp tập trung; tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở tại những doanh nghiệp đã đóng kinh phí Công đoàn nhưng chưa thành lập tổ chức Công đoàn; tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở doanh nghiệp đã thành lập được tổ chức cơ sở Đảng, tổ chức chính trị - xã hội khác nhưng chưa thành lập tổ chức Công đoàn; tăng cường tuyên truyền vận động để tăng tỷ lệ tập hợp người lao động tại các Công đoàn cơ sở; tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập nghiệp đoàn khu vực phi chính thức tại một số LĐLĐ quận, huyện, thị xã và Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội.
Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên của LĐLĐ Thành phố phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên theo dõi, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện. Tổ chức giao ban định kỳ, hàng tuần, tiến độ phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở của từng đơn vị được thông báo công khai trên trang Web của LĐLĐ Thành phố.
Thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đảng đoàn LĐLĐ Thành phố với cấp ủy của 30 quận, huyện, thị xã, Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Đảng ủy khối các cơ quan thành phố Hà Nội, Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên của LĐLĐ Thành phố trực tiếp làm việc với một số ngành, địa phương được giao chỉ tiêu cao về phát triển đoàn viên để kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Đồng thời, chỉ đạo Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, phối hợp với Ủy ban nhân dân và các ban ngành đoàn thể đồng cấp, đặc biệt là việc giữ mối quan hệ chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và sử dụng mạng lưới các Chủ tịch Công đoàn xã, phường, thị trấn làm cộng tác viên, phối hợp rà soát, nắm nguồn các doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn chưa có tổ chức Công đoàn làm cơ sở để vận động thành lập Công đoàn cơ sở, phát triển đoàn viên.
Song song với công tác tuyên truyền, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để chăm lo, bảo vệ người lao động, lấy kết quả, chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở để thuyết phục người lao động tự nguyện xin gia nhập tổ chức Công đoàn như: Đã dành nguồn kinh phí trên 144 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 100 nghìn lượt đoàn viên, người lao động, đặc biệt là đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do thiếu việc làm, mất việc bị nợ lương; Các Chương trình “Hành trình Tết Công đoàn”, “Chợ Tết Công đoàn năm 2024”, “Tết Sum vầy”... có sức lan tỏa được doanh nghiệp và các Công đoàn cơ sở hưởng ứng, tổ chức với những hình thức ngày càng thiết thực, hiệu quả...
LĐLĐ Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các Đề án “Chăm lo nghỉ dưỡng sức cho đoàn viên, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”; “Khám, tầm soát ung thư cho nữ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động”; “Đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước thành phố Hà Nội”; “Hỗ trợ kinh phí đối ngoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể tạo động lực cho Công đoàn cơ sở”; Đề án “Xây dựng, phát hành Bản tin sinh hoạt Công đoàn cơ sở”… góp phần nâng cao năng lực cán bộ và chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, trong năm 2024, các cấp Công đoàn Thành phố đã thành lập mới 855/492 Công đoàn cơ sở (đạt 173,8% kế hoạch năm và tăng 12% so cùng kỳ năm 2023), kết nạp mới 123.636/152.200 đoàn viên (đạt 80,2% kế hoạch năm và tăng 101,5% so cùng kỳ năm 2023); tập trung tuyên truyền, phát triển đoàn viên ở khu vực lao động phi chính thức, đến nay đã phát triển được 46 nghiệp đoàn với 8.100 đoàn viên; các chỉ tiêu khác cũng đạt và vượt kế hoạch đề ra như: Thành lập được 374/241 Công đoàn cơ sở doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên, đạt 155,2% kế hoạch; thành lập Công đoàn cơ sở theo phương thức mới đạt 163,1% kế hoạch, đã giới thiệu đoàn viên ưu tú cho cấp ủy Đảng xem xét kết nạp, đạt 102% chỉ tiêu...
Tại Hội nghị, thay mặt LĐLĐ thành phố Hà Nội, đồng chí Lê Đình Hùng đã đề xuất, kiến nghị với Tổng LĐLĐ Việt Nam các nội dung:
- Quan tâm hướng dẫn hoạt động nghiệp đoàn cơ sở, nhất là cơ chế tài chính chi cho công tác chăm lo, bảo vệ.
- Tiếp tục quan tâm giao chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở năm 2025 theo hướng phù hợp với các địa phương gắn với tăng cường củng cố, xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh.
- Tiếp tục tăng cường nhiều giải pháp hơn để tăng nguồn lực cán bộ Công đoàn chuyên trách, đặc biệt là cấp trên trực tiếp cơ sở để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Đẩy mạnh số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống Công đoàn Việt Nam.