Lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp trên ứng dụng VNeID

Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa có chỉ đạo cụ thể về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Việc lấy ý kiến được thực hiện trên diện rộng, huy động sự tham gia của toàn dân, trong đó đáng chú ý là việc ứng dụng công nghệ số thông qua nền tảng VNeID.

Chính phủ chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp trên ứng dụng VNeID

Chính phủ chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp trên ứng dụng VNeID

Theo chỉ đạo, Bộ Công an sẽ thiết lập và quản lý hệ thống tiện ích để người dân có thể trực tiếp góp ý kiến về dự thảo Nghị quyết trên ứng dụng VNeID, bắt đầu từ ngày 6-5 và kết thúc vào ngày 29-5. Bộ Công an cũng có trách nhiệm chủ trì công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện việc góp ý trên nền tảng số này, đồng thời phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan đảm bảo an ninh, trật tự trong quá trình triển khai.

Sau thời gian lấy ý kiến, Bộ Công an sẽ xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả tiếp nhận góp ý qua VNeID, gửi về Bộ Tư pháp chậm nhất vào ngày 30-5 để tổng hợp chung.

Về phía Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ làm đầu mối theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai. Bộ cũng sẽ tổng hợp kết quả từ các kênh tiếp nhận ý kiến khác nhau, xây dựng báo cáo của Chính phủ và dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân, trình Chính phủ xem xét, thông qua trước ngày 3-6. Báo cáo sau đó sẽ được gửi Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 chậm nhất vào ngày 5-6.

Cùng với việc tiếp nhận góp ý qua VNeID, Phó Thủ tướng yêu cầu xây dựng chuyên mục riêng về nội dung này trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tra cứu và tham gia đóng góp ý kiến. Các bộ, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung dự thảo, vận động cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia góp ý.

Việc lấy ý kiến rộng rãi lần này thể hiện tinh thần dân chủ, cầu thị, đồng thời khẳng định vai trò, trách nhiệm của mỗi công dân trong việc xây dựng và hoàn thiện Hiến pháp – đạo luật gốc của quốc gia. Đây cũng là bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động lập pháp, tạo tiền đề cho việc hiện đại hóa quy trình xây dựng chính sách, pháp luật trong thời kỳ mới.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lay-y-kien-nhan-dan-ve-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-hien-phap-tren-ung-dung-vneid-post794067.html
Zalo