Lập khu công nghiệp dược TPHCM: Doanh nghiệp cần chính sách ưu đãi gì?
Chính sách ưu đãi, giá đất, cơ sở hạ tầng… là những vấn đề doanh nghiệp dược quan tâm khi xây dựng kế hoạch dài hạn đầu tư vào khu công nghiệp chuyên ngành y - dược TPHCM.

Chuyên gia nghiên cứu sản xuất thuốc tại một nhà máy. Ảnh: DNCC
Giảm lệ thuộc vào thuốc đặc trị nhập của nước ngoài
Năm 2024, TPHCM đã phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đề án, khu công nghiệp chuyên ngành y - dược được đặt tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 (huyện Bình Chánh, TPHCM) với diện tích 338 hécta. Dự kiến, khu công nghiệp này sẽ hoàn thiện hạ tầng và đưa vào hoạt động từ năm 2030.
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế TPHCM, sản lượng thuốc tiêu thụ tại thành phố chiếm từ 25 đến 30% của cả nước. TPHCM cũng có lợi thế về thị trường đầu ra với 132 bệnh viện và trung tâm y tế có giường bệnh. Các bệnh viện có quy mô lớn với nhiều chuyên khoa đầu ngành, là tuyến điều trị cuối của nhiều địa phương khác nên nhu cầu về thuốc phòng, chữa bệnh rất lớn. Đơn cử là những loại thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc điều trị tiểu đường, tim mạch, ung bướu...
Ngoài ra, việc hình thành khu công nghiệp chuyên ngành y - dược cũng góp phần giải qyết bài toán thiếu thuốc đặc trị diễn ra liên tục như trong thời gian vừa qua.
Nói về lợi ích đối với người dân khi hình thành khu công nghiệp y - dược, ông Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng nghiệp vụ dược thuộc Sở Y tế TPHCM cho biết, theo quy hoạch, khu công nghiệp này có thể đặt được khoảng 100 nhà máy sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế. Tại đây, ngành y tế thành phố định hướng sản xuất các sản phẩm gồm thuốc đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, thuốc thế hệ mới thay thế cho các thuốc đang phải nhập khẩu, vaccine, sinh phẩm y tế, thuốc dược liệu, vật tư y tế... Bên cạnh đó, Sở Y tế thành phố còn định hướng xây dựng trung tâm kho vận logistics và các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại khu công nghiệp y - dược này.
Theo ông Danh, sau khi khu công nghiệp y - dược này đưa vào hoạt động, việc sản xuất thay thế thuốc nhập khẩu sẽ giúp giải quyết tình trạng lệ thuộc nguồn cung ứng thuốc đặc trị từ nước ngoài. Ngành y tế thành phố cũng chủ động trong việc sản xuất các thuốc hiếm, thuốc có ít nhà cung ứng trên thế giới để đáp ứng nhu cầu điều trị một số bệnh đặc thù tại Việt Nam. Chẳng hạn như một số thuốc điều trị sốc do sốt xuất huyết phải nhập khẩu. Thế nhưng, không phải nơi nào cũng sản xuất do bệnh chỉ tập trung ở các nước nhiệt đới như Đông Nam Á và Nam Mỹ.
Việc sản xuất thuốc trong nước cũng góp phần giảm thời gian vận chuyển, hạn chế tình trạng gián đoạn khi có xung đột giữa các nước ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển như hiện nay. Đặc biệt, giá thành các sản phẩm sản xuất trong nước có thể giảm so với thuốc nhập khẩu do lợi thế về giá nhân công, chi phí vận chuyển.

Việc hình thành khu công nghiệp chuyên ngành y - dược sẽ giải quyết bài toán thiếu thuốc đặc trị diễn ra liên tục trong thời gian vừa qua. Ảnh minh họa: M.T
Cần chính sách ưu đãi gì để thu hút doanh nghiệp?
Bên cạnh những lợi thế vốn có của thị trường thuốc trên địa bàn TPHCM, câu chuyện về cơ sở hạ tầng và chính sách ưu đãi là những vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Trao đổi với KTSG Online, ông Đinh Anh Hào, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần AIKYA, cho biết với ngành y dược hiện nay, các vấn đề được doanh nghiệp quan tâm là thị trường, công nghệ sản xuất và nhân sự. TPHCM là trung tâm khoa học kỹ thuật, kinh tế lớn nhất cả nước, nếu có một khu công nghiệp dược thì sẽ rất thuận lợi khi đầu tư.
Hiện ngành dược của TPHCM còn nhiều nhược điểm. Các nhà máy dược phẩm trên địa bàn đa số sản xuất các mặt hàng generic thông thường mang tính trùng lặp. Nhiều nhà máy sản xuất cùng một loại hoạt chất. Nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc. Hầu hết nhà máy chưa phát huy hết công suất, nhất là các nhà máy của doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty cổ phần GSV Việt Nam mong muốn, khu công nghiệp dược của TPHCM được đầu tư hạ tầng bài bản, hệ thống xử lý nước thải hiện đại, có sự kết nối thuận tiện với các khu vực lân cận và có sự hỗ trợ tối đa về thuế, phí…
Trước một số ý kiến của doanh nghiệp, ông Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng nghiệp vụ dược thuộc Sở Y tế TPHCM cho biết, cơ quan này đã ghi nhận kiến nghị của các đơn vị khi lập dự án xây dựng nhà máy sản xuất. Hiện doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn khi đầu tư tại TPHCM và đề xuất giải pháp như cần xây dựng chính sách ưu đãi giá đất phù hợp để thu hút doanh nghiệp, cạnh tranh với các địa phương.
Diện tích để xây dựng nhà máy thường lớn, chi trả tiền thuê đất một lần làm tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp trong giai đoạn đầu triển khai dự án. Hiện cũng chưa có chính sách cụ thể để thu hút doanh nghiệp nước ngoài tham gia chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, giúp người dân tiếp cận thuốc chất lượng cao với giá thành thấp hơn.
Vì vậy, ngành y tế TPHCM sẽ xây dựng chính sách đặc thù để hỗ trợ cho hình thành và phát triển khu công nghiệp chuyên ngành y - dược như ưu đãi về chính sách đầu tư, giá đất, thuế thu nhập doanh nghiệp. Cùng với đó là những chính sách ưu đãi trong đấu thầu thuốc đối với các sản phẩm thuộc danh mục ưu tiên phát triển để thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian sớm nhất, cung ứng thuốc có chất lượng cao cho nhu cầu điều trị.