Điểm tựa giúp người dân thoát nghèo
Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã phát huy tốt vai trò hỗ trợ, tiếp sức cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách. Theo đó, từ nguồn vốn vay ưu đãi, ủy thác của NHCSXH, nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở huyện có điều kiện vay vốn, phát triển sản xuất, chăn nuôi, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.GÓP PHẦN GIẢM TỶ LỆ HỘ NGHÈO
Năm 2024, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Gò Công Tây tiếp tục chủ động bám sát định hướng của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tiền Giang, UBND huyện Gò Công Tây, Nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) huyện, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, trong đó, chú trọng kiểm tra, giám sát tại các xã, thị trấn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn về hoạt động tín dụng chính sách.

UBND huyện Gò Công Tây khen thưởng các tập thể và cá nhân đã có thành tích trong công tác tín dụng chính sách năm 2024.
Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện.
Tính đến ngày 31-12-2024, tổng nguồn vốn của Phòng giao dịch NHCSXH huyện là 327.237 triệu đồng, tăng so với đầu năm 295.096 triệu đồng, tỷ lệ tăng 10,89%. Doanh số cho vay đến 31-12-2024 đạt 88.590 triệu đồng với 2.748 lượt khách hàng vay vốn; doanh số thu nợ đạt 56.454 triệu đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng là 327.132 triệu đồng, với 8.044 hộ vay, tăng 32.096 triệu đồng so với năm 2023, đạt 100% kế hoạch dư nợ năm 2024.
Hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ngày càng ổn định, nền nếp, ngày càng nâng cao về chất lượng, phát huy tốt hiệu quả. Tính đến hết năm 2024, toàn huyện có 210 Tổ TK&VV, kết quả phân loại chất lượng hoạt động như sau: Tổ hoạt động tốt: 207 tổ, tỷ lệ 99%; tổ hoạt động khá: 3 tổ, tỷ lệ 1%; không có tổ xếp loại trung bình, yếu kém.
Bên cạnh đó, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các ban, ngành, chính quyền địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng; đồng thời, thực hiện tốt công tác đôn đốc, xử lý, thu hồi, phòng ngừa nợ xấu phát sinh.
"Trong thời gian tới, NHCSXH huyện Gò Công Tây tiếp tục tổ chức giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, không để dư nợ giảm so với đầu năm.
Đồng thời, phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư và hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện”.
PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN GÒ CÔNG TÂY LÊ VĂN NÊ
Tính đến hết năm 2024, dư nợ cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội là 325 tỷ 922 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 99,57%/tổng dư nợ của Phòng giao dịch huyện, với 210 Tổ TK&VV, tăng 32 tỷ 091 triệu đồng so với năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng 10,92%.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nguyễn Văn Quang cho biết, nhìn chung, tăng trưởng tín dụng năm 2024 của NHCSXH huyện cơ bản đáp ứng kịp thời nguồn vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Mức cho vay bình quân hộ nghèo từ 40 triệu đồng/hộ năm 2023 tăng lên 43 triệu đồng/hộ năm 2024; hộ cận nghèo từ 45 triệu đồng/hộ năm 2023 tăng lên 47 triệu đồng/hộ năm 2024.
Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi trong năm qua đã góp phần giúp cho 103 hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho 566 lao động; tuyên truyền và giúp cho 946 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng được 1.001 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn; giúp cho 4 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và hỗ trợ 3 hộ gia đình, người lao động có thu nhập thấp được vay vốn nhà ở xã hội để mua, xây dựng mới và sửa chữa các ngôi nhà khang trang hơn; giúp cho 7 người chấp hành xong án phạt tù có vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế tại địa phương.
NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN VAY
Theo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Gò Công Tây, năm 2025 sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 40, Kết luận 06 của Ban Bí thư và Quyết định 1630 ngày 28-9-2021 của Chính phủ về trọng tâm tăng cường nguồn lực cũng như hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện. Tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao năm 2025, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn để cho vay quay vòng.

Phòng giao dịch NHCSXH huyện Gò Công Tây giải ngân vốn cho các hộ nghèo.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nâng cao, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Đồng thời, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo 100% các khoản nợ đến hạn đều được phân tích, đánh giá khả năng trả nợ và có giải pháp xử lý triệt để.
Đồng thời, tăng cường thực hiện công tác củng cố Tổ TK&VV chưa liền canh, liền cư theo kế hoạch Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã xây dựng. Chú trọng, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động Tổ TK&VV, việc sử dụng vốn của người vay, hỗ trợ khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.
Tăng cường công tác tập huấn nhằm nâng cao trình độ, năng lực đối với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã, trưởng ấp và Ban quản lý Tổ TK&VV để nắm vững tín dụng chính sách nhằm phối hợp với NHCSXH triển khai nguồn vốn kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Chú trọng tăng cường vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã, sự tham gia, giám sát của trưởng ấp, khu phố trong việc quản lý nguồn vốn tín dụng trên địa bàn nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, rà soát hồ sơ vay vốn, tập trung giải ngân vốn vay sau khi phân vốn về các xã không để tồn đọng vốn, xử lý kịp thời các tồn tại phát sinh để ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết hoạt động Phòng giao dịch NHCSXH huyện Gò Công Tây năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê nhấn mạnh, tín dụng chính sách xã hội đóng vai trò quan trọng, đã góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội; đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, qua đó ngày càng củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.